Không ai biết tới True-D Animation cho tới khi họ tung ra Cô bé bán diêm, bộ phim hoạt hình đầu tay chứa đựng cả niềm đam mê lẫn nỗ lực thoát khỏi chức phận làm gia công đồ họa 3D cho các hãng phim hoạt hình lớn của thế giới.
Que diêm hi vọng
Trong lần đốt lên que diêm hi vọng này, họ tiết lộ con số đầu tư hàng tỉ đồng và khoảng thời gian hai năm đầu tư cho bộ phim hoạt hình dài 6 phút 30 giây, chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Đan Mạch Andersen.
Còn nếu nhìn từ những đợt sóng phim ngắn liên tiếp của giới trẻ, có thể nói điện ảnh Việt đã có hàng ngàn que diêm được đốt lên đầy hăm hở trong năm vừa qua. Chỉ làm phép cộng thôi, người ta có quyền hi vọng vào một mùa mới huy hoàng.
Nhưng cũng giống như cô bé bán diêm ngoài trời đông lạnh giá, “bữa tiệc” điện ảnh đang ngày một thịnh soạn trên rạp chiếu, chưa bao giờ là nơi mà những người lữ khách như True-D Animation, hay hàng trăm bạn trẻ nhiệt huyết làm phim, có thể được dự phần. Tất cả những gì mà True-D Animation đang nhận về là sự động viên, khích lệ từ hàng ngàn cư dân mạng, cùng bốn suất chiếu trên kênh truyền hình quốc gia vào dịp giáng sinh và năm mới dương lịch.
Riêng các bạn trẻ làm phim ngắn vẫn chỉ loanh quanh trong khuôn khổ những cuộc chơi thể nghiệm như tiệc phim trên mạng, liên hoan phim ngắn. Những người trẻ chưa bao giờ nguôi đam mê vì bị gạt ra những cuộc chơi bên lề.
Ai được dự phần? Tuy nhiên, có một nơi mà hoàn cảnh bị mất quyền được dự phần khiến người ta nhức nhối và bức xúc hơn nhiều. Đó chính là Cục điện ảnh với vụ thất thoát 34 tỷ đồng, dẫn tới lá đơn từ chức của Cục trưởng Lại Văn Sinh và Cục phó Lê Ngọc Minh. Số tiền mất mát quá hiển hiện và thực tế. Nếu được sử dụng đúng mục đích dành cho điện ảnh, ngân khoản trên có thể rót vào hệ thống hãng phim Nhà nước – nơi còn đang trong tranh cãi bất tận là làm phim cho khán giả hay giữ vững định hướng, để họ có tiền làm phim và nuôi sống nhân viên. Hoàn cảnh khiến người ta vui hơn có lẽ là hai liên hoan điện ảnh diễn ra trong năm là giải Cánh diều vàng và giải Bông sen. Cơn mưa giải thưởng dù khiến người ta hoan hỉ vì ai cũng được dự phần nhưng lại quên rằng sự tôn vinh chỉ có giá trị khi nó là duy nhất. Nhưng cũng chính những ngày hội hè này lại lộ ra một khía cạnh khác trong câu chuyện dự phần của điện ảnh Việt. Hàng loạt nghệ sĩ, nhà làm phim đang sống nhờ các hệ thống sản xuất phim tư nhân chẳng màng đến nhận giải, làm ban tổ chức phải kiếm người đại diện để trao. Chắc chắn, không tư nhân nào bỏ tiền làm phim chỉ để cất kho hay mang phim đi tìm tiền thưởng. Câu chuyện dự phần của tư nhân nằm ở thị trường chiếu bóng, vốn đang vận hành theo quy luật khắc nghiệt của thị trường. Mặt tích cực, điện ảnh Việt đang đứng trước cơ hội được trình diễn trước khán giả bằng những hệ thống rạp chiếu hiện đại hơn, quảng bá tốt hơn, mà nhiều năm trước đây không có được. Thế nhưng ai được dự phần ở một thị trường mà 90% phim chiếu rạp là ngoại nhập, một nửa số hệ thống rạp lớn thuộc sở hữu Hàn Quốc, trong đó chỉ riêng hệ thống Megastar của CJ-GVC đã chiếm 60% tổng doanh thu thị trường? Câu hỏi ẩn chứa một cuộc chiến ngầm giữa các thế lực lợi ích của tư nhân và tư bản nước ngoài. Một chính sách bảo vệ điện ảnh nội địa quyết liệt hơn từ phía Nhà nước là điều mà cuộc sống đòi hỏi. Khi ấy, có lẽ các nhà làm phim Việt dù chuyên nghiệp hay mới bước vào không còn phải thắp lên những que diêm mau tắt, mà là những ngọn đuốc sưởi ấm và rọi sáng một con đường riêng.