Thời buổi phim truyền hình được sản xuất ồ ạt, nhiều đoàn phim ra đời và hầu như mỗi ngày đều có phim mới được khởi quay. Trong khi số lượng các diễn viên tên tuổi, có nghề “bao năm nay vẫn thế”, tiền cát xê trả cho những diễn viên dạng này cũng không ít nên nhiều đạo diễn chọn cách tìm người mới (sinh viên mới tốt nghiệp trường điện ảnh, ca sĩ trẻ, người dẫn chương trình…) để tham gia các phim của họ. Tuy nhiên, nhiều đạo diễn đã phải “lắc đầu”.
Lần đầu tiên được mời đóng phim, diễn viên trẻ M.T đã bị “sốc” vì phải chờ bạn diễn từ 8h sáng đến 21h. Chưa hết, khi chàng diễn viên này vừa đến nơi, đã đề nghị đạo diễn cho quay gấp để còn về nghỉ ngơi, lấy sức ngày mai còn chạy show nhiều phim nữa.
Nhưng trong khi M.T thuộc lòng lời thoại thì bạn diễn của cậu lại ú ớ, không thuộc bất cứ một câu nào trong phân đoạn. Trước thái độ làm việc thiếu trách nhiệm của chàng diễn viên nọ, vị đạo diễn bèn lấy M.T (một diễn viên trẻ mới đóng phim lần đầu nhưng tác phong rất nghiêm túc) để khuyên răn thì nhận được câu trả lời thật thiếu trách nhiệm: “Thời buổi này, đi quay đúng giờ, học thuộc lời thoại là chuyện xưa rồi, mới vào nghề nên nó (diễn viên M.T) mới thế, chứ đóng phim quen rồi ai cũng như em cả thôi…”. Kèm theo lời “đe dọa”: “Anh (đạo diễn) dạo này khó tính quá, phim sau của anh có mời tham gia, em không dám hợp tác nữa đâu!”.
Trước thái độ thiếu cầu thị thậm chí có phần ngang bướng của diễn viên trên, trong khi M.T tỏ ra khá ngạc nhiên thì nhiều người trong đoàn phim khuyên cậu: “Mới vào nghề nên em lạ lẫm thế, dần dần rồi sẽ quen cả thôi. Diễn viên trẻ bây giờ chỉ cần đóng khoảng 5 phim, có tí tên tuổi thì bắt đầu nghĩ mình giỏi rồi, không tham gia phim đạo diễn này thì đóng phim đạo diễn khác”.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu đầu tư cho vai diễn của những diễn viên trẻ cũng rất đáng báo động. Cụ thể do ỷ lại trong đoàn phim có người nhắc lời thoại nên họ chẳng cần học thuộc kịch bản.
Vào trường quay, diễn đều đều như một cái máy, trong lúc nói thì khẩu hình miệng cố mở sao cho “to, tròn” để khâu hậu kì bộ phận âm thanh chỉnh sao cho khớp là xem như ổn. Có chàng diễn viên không chịu đầu tư cho trang phục, tận dụng một chiếc áo sơ mi để hóa thân vào 5 nhân vật cho 5 bộ phim được khởi quay cùng một thời điểm.
Khi bị một diễn viên gạo cội (đóng chung với anh này khoảng 3 phim) phát hiện và góp ý thì anh phân trần “Cái áo này là hàng “xịn”, cháu mua hơn cả triệu nên nếu mặc cho một phim thì cảm thấy tiếc lắm. Cháu nghĩ khán giả cũng khó phát hiện ra, bởi thời gian trình chiếu của mấy phim này có xê xích nhau chút ít…”.
Diễn viên, nghệ sĩ T.T sau khi nghe những lời trên đã không giấu nổi sự bức xúc, cho rằng chàng diễn viên trẻ này quá “nhẫn tâm” với nghệ thuật bởi những lý lẽ, biện luận mà anh ta đưa ra đều hết sức phi lý, thể hiện sự yếu kém về tác phong, trách nhiệm của người làm nghệ thuật.
Đạo diễn H.T - người từng làm việc với khá nhiều diễn viên trẻ trong các phim của mình cho rằng, bên cạnh những diễn viên trẻ có nghề, ham học hỏi, làm việc với tác phong nghiêm túc như Lê Bê La, Tú Vy, Hùng Thuận… thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ những diễn viên chưa thật sự tâm huyết với nghề.
Một phần do cuộc sống mưu sinh khiến các em phải liên tục chạy show nên không có thời gian đầu tư cho vai diễn, số khác lại xem đóng phim như một cuộc dạo chơi cho nên cứ “tàn tàn”, diễn hay, diễn dở gì cũng được.
Đáng chú ý là một số đạo diễn trẻ vì tiết kiệm kinh phí làm phim, tiết kiệm thời gian, thậm chí cả nể nên xuề xòa trong cách quản lý dẫn đến trường hợp những diễn viên trẻ thiếu ý thức, thận trọng với nghề. Nhiều lần, đoàn phim của anh đã bị “sốc nặng” khi làm việc với các diễn viên có suy nghĩ thiếu tinh tế như vậy.
Đạo diễn này thẳng thắn chia sẻ: “Tôi nghĩ đã gọi là nghề thì phải đam mê thực sự, phải sống hết mình với nó thì nghệ thuật mới thăng hoa, công chúng mới đón nhận và nhớ đến người diễn viên thể hiện. Người trẻ mà “vô tâm” với nghề thì sớm hay muộn cũng sẽ bị đào thải mà thôi!”.