"Bác trưởng thôn" Văn Hiệp
Nhắc đến nghệ sĩ Văn Hiệp là khán giả nhớ ngay đến một "bác trưởng thôn" chân chất, dân dã, với áo dân phòng, đeo băng đỏ và sẵn sàng... tuýt còi những vụ cãi lộn trong khu phố.
Văn Hiệp từng tâm sự, những vai diễn "trưởng thôn" gắn liền với ông sâu sắc đến nỗi, khi bắt gặp Văn Hiệp ở ngoài đường hay ở một quán cóc nào đó, nhiều người thốt lên: "Ôi ông trưởng thôn!". Khán giả đôi khi quên hẳn cả tên ông là Văn Hiệp. Nhưng đối với người nghệ sĩ, đó cũng là một phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp của mình với nghề nghiệp. "Người đàn bà đanh đá" Hương Dung
Diễn viên Hương Dung đã từng đóng nhiều vai chính diện, nhưng những vai phản diện lại mang bà lại gần với khán giả hơn. Một trong số đó phải kể đến vai bà Dung - vợ của ông Thứ trưởng trong Chạy án. Vai diễn bà Dung thực sự đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả đến nỗi có lần Hương Dung đang đi chợ thì giật mình vì tiếng quát: “Này! cái cô kia, quay lại đây! Nhìn bên ngoài có đến nỗi nào đâu mà tại sao đóng phim ghê gớm thế?”.
Sau Chạy án, Hương Dung lại đảm nhận vai một trùm buôn lậu đồ cổ quốc tế đầy giảo hoạt trong phim Cổ vật và mới đây nhất phải kể đến vai bà Ngọc trong Cầu vồng tình yêu. Tính cách đồng bóng, cái giọng chua ngoa và rất hay "mát mẻ" của bà Ngọc trong phim khiến khán giả vừa "ghét" lại vừa phục Hương Dung. Ghét bởi nhân vật của bà đanh đá, ghê gớm quá, còn phục vì Hương Dung diễn rất "nhập", lột tả được hết cái "thần" của nhân vật.
Quốc Tuấn và những vai hiền hiền, đần đần
Quốc Tuấn đã vắng bóng trên màn ảnh nhỏ nhiều năm và hiện đang thử sức trong vai trò đạo diễn, nhưng nhắc đến anh là khán giả nhớ về những vai diễn... hiền hiền, đần đần. Mô típ vai diễn của Quốc Tuấn trên phim thường là: thầy giáo - trưởng thôn - nông dân - bộ đội. Khán giả chắc hẳn vẫn còn nhớ vai thầy giáo của anh trong 12A và 4H, anh trưởng thôn trong Người thổi tù và hàng tổng hay anh lính quân bưu tên Tân trong Đường thư.
Khán giả không thể quên vai trưởng thôn Lê Trung Kiên trong phim Người thổi tù và hàng tổng do anh đóng. Là người Hà Nội "trăm phần trăm" mà Quốc Tuấn đã mang đến cho khán giả hình ảnh một anh nông dân “đặc sệt”. Bằng lối diễn tự nhiên, Quốc Tuấn đã diễn tả những sự việc, những câu chuyện ở làng xã cười ra nước mắt.
Quỳnh Hoa "tranh vợ cướp chồng"
Chẳng biết có phải duyên số hay không mà cứ khi nào khán giả thấy Quỳnh Hoa trên màn ảnh là y như rằng cô đang vào vai "tranh vợ cướp chồng". Từ vai phụ cho đến vai chính, nhân vật của Quỳnh Hoa không thoát ra được cái "dớp" những cô nàng lẳng lơ, khi thì đanh đá, lúc lại quỷ quyệt, mưu mô, thủ đoạn.
Trong hàng loạt phim như Vòng nguyệt quế, Blog nàng dâu hay Vệt nắng cuối trời... Quỳnh Hoa luôn là nhân vật thích "chen ngang", phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác.
Nói về kiểu nhân vật của mình, Quỳnh Hoa tâm sự: "Nói nhàm chán thì cũng không chuẩn lắm. Nhưng cứ đóng mãi một kiểu nhân vật đanh đá, ghê gớm thì cũng khiến tôi "ớn". Nhiều khi tôi cứ ám ảnh bởi việc bị khán giả ghét nhân vật ghét lây sang cả diễn viên".
"Chàng lãng tử - Sở Khanh" Huy Khánh
Vai diễn những anh chàng công tử, sở khanh hợp với Huy Khánh đến nỗi, dù đóng bất kỳ dạng vai nào khác, thì dường như anh vẫn không thể thoát khỏi cái bóng quá lớn của dạng vai đã được "đo ni đóng giày" cho mình này. Gần đây nhất, có thể kể đến vai diễn chàng công tử nhà giàu có số đào hoa trong bộ phim điện ảnh Cô dâu đại chiến, hay vai anh chàng Sở Khanh tên Đức Hùng trong bộ phim truyền hình Cạm bẫy đang phát sóng trên VTV3.
Bản thân Huy Khánh cũng phải thừa nhận hình tượng "Don Juan" trên màn ảnh này chính là sở trường và đã thành "thương hiệu" của mình. Tuy chưa chán dạng nhân vật này nhưng Huy Khánh cũng tâm sự anh đang muốn thay đổi để làm mới mình: "Dạng vai lãng tử tôi đóng nhiều đến nỗi đã thành thói quen, còn dạng vai mới thì chưa biết khán giả có chấp nhận và có thích không. Hiện tôi đang thử những nhân vật là lạ, ngồ ngộ..."