Phim có nhiều cảnh… người lớn
Điển hình là (tựa Việt: Người đẹp ngủ trong rừng), phim được lấy ý tưởng từ cổ tích Nàng công chúa ngủ trong rừng.
Tuy là phim chuyển thể nhưng Sleeping Beauty trở thành phiên bản của người lớn, hoàn toàn khác với câu chuyện cổ tích quen thuộc mà các ông bố bà mẹ hay kể hàng đêm cho các bé nghe.
Bộ phim xoay quanh câu chuyện về một cô sinh viên xinh đẹp, ngoan ngoãn tên là Lucy. Để kiếm tiền trả học phí, Lucy chấp nhận làm đủ các loại công việc khác nhau. Cho tới một ngày cô lạc với đường dây “những nàng công chúa ngủ trong rừng”, một đường dây mại dâm dành cho các đại gia lớn tuổi. Tuy nhiên, vì một thứ thuốc mê dược nào đó mà Lucy không thể nào nhớ nổi đêm qua mình đã làm gì, với những ai…
Đây là bộ phim mà Julia Leigh lần đầu tiên thử sức với vai trò diễn nhưng chính cái ngờ nghệch của một “lính mới” mà khiến phim của bà cuốn hút người xem hơn, nhưng dĩ nhiên “cổ tích” này chỉ dành cho người lớn và phim đã dán mác 18+.
Nữ diễn viên chính Emily Browing (22 tuổi) cũng lột tả được một Lucy trong sáng, trẻ trung với ánh mắt e dè, sợ hãi và cả bờ môi gợi cảm như nửa như mời gọi, nửa muốn xua đuổi cánh đàn ông. Phim có khá nhiều cảnh quay táo bạo, nóng bỏng đến mức khán giả phải giật mình, “đứng tim”. Đặc biệt là hình ảnh Lucy chỉ mặc nội y để phục vụ khách hàng, hoặc hoàn toàn không mặc gì và nằm ngủ trong vòng tay của một đại gia già.
Được chuyển thể từ câu chuyện cổ Cô bé quàng khăn đỏ, Red riding hood (Cô gái quàng khăn đỏ) năm 2011 là bộ phim từng rất được mong đợi với nhiều trẻ em. Tuy nhiên, vì có chứa cảnh nóng giữa nhân vật chính Valerie và người yêu của cô, vì vậy phim đã dán mác cấm các nhóc tì đến rạp.
Hiệp hội bảo vệ trẻ em ở Mỹ đã nhận định, “Đó thực sự là một điều vô lí. Chúng ta không thể mang những yếu tố sex vào trong những câu chuyện cổ tích. Nó sẽ làm vẩn đục tâm hồn của trẻ thơ. Làm phim từ cổ tích nhưng lại cấm trẻ con. Thật là nực cười”.
Không chỉ thế, phim còn vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía các bậc phụ huynh: “Bộ phim này là một sự phủ nhận về những giá trị nhân văn đích thực của cuốn truyện gốc Cô bé quàng khăn đỏ. Đây là một câu chuyện viết cho trẻ em, trong sáng và tươi đẹp. Thế nhưng đạo diễn lại biến nó thành một bộ phim người lớn rẻ tiền", một phụ huynh đã gửi thư lên diễn đàn phim phản ánh.
Có lẽ, xu hướng biến "cái cũ thành cái mới" này, sẽ còn lâu nữa mới được tất cả khán giả trên thế giới hoàn toàn chấp nhận.
Chứa nhiều cảnh kinh dị, đen tối
Sự sáng tạo trong các phiên bản mới chuyển thể rất độc đáo và vì thế khán giả không thể nào nhầm lẫn phiên bản này với phiên bản phim kia. Một điểm chung cho hầu hết các phim chuyển thể đó là truyện cổ tích nhìn dưới góc độ mới, không chỉ là kết thúc “hạnh phúc mãi mãi bên nhau”. Các nhân vật chính còn phải trải qua vô vàn thử thách, mưu mô đen tối hơn của phe ác. Như nhà làm phim Del Toro của Chú bé người gỗ Pinocchio 3D nói: “Cần có bóng tối cho một câu chuyện cổ tích và một chút phiêu lưu cho câu chuyện, một cái gì đó mà anh em Grimm, Hans Christian Anderson và Walt Disney chưa khai thác đến”.
Có lẽ, vì thế, mà các phim phiên bản mới luôn mang màu sắc đen tối và hắc ám hơn rất nhiều truyện gốc. So với hầu hết các phim cổ tích phiên bản mới khác, thì Red riding hood (Cô gái quàng khăn đỏ) của đạo diễn Catherine Hardwicke – người đã thực hiện thành công phần đầu tiên trong loạt phimChạng vạng - là phiên bản đầu tiên được chuyển sang thể loại kinh dị.
Dù bộ phim vẫn dựa trên các chi tiết quen thuộc của câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ nhưng nó kinh hãi, đáng sợ hơn rất nhiều. Đặc biệt việc thêm thắt các chi tiết như con chó sói thực chất lại là ma sói ẩn mình trong lốt con người thì yếu tố kinh dị đã tăng lên gấp nhiều lần. Các câu chuyện kể hàng đêm cho trẻ nghe vốn để chúng có những bài học bổ ích và đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn thì có lẽ với phim chuyển thể này, chắc chắn, đến người lớn còn nổi gai óc huống chi là các bé.
Alice lạc vào xứ sở thần tiên cũng là một câu chuyện rất thú vị mang màu sắc huyền ảo trong mỗi giấc mơ của các cô bé cậu bé. Từ câu chuyện xa xưa ấy, vị đạo diễn tài ba, “kì dị” Tim Burton đã quyết tâm lấy nguồn cảm hứng vô tận này, xây dựng nên một Alice In Wonderland với nhiều chi tiết mới mẻ, hấp dẫn.
Bộ phim không chỉ quy tụ dàn diễn viên khủng như: Anne Hathaway, Johnny Deep,... mà còn chứa những kỹ xảo hiện đại, tuyệt đẹp, như mở ra trước mắt người xem một thế giới kỳ ảo, lạ lẫm chưa từng có.
Tuy nhiên, phim vẫn không phù hợp với các bé thiếu nhi… Cô bé Alice (Mia Wasikowska) ngày nào trong truyện cổ nay đã trở thành một thiếu nữ 19 tuổi vô cùng xinh đẹp. Vốn bản tính độc lập nên cô cảm thấy bản thân bị trói buộc trong lễ giáo phong kiến thời kỳ Victoria. Alice không biết làm sao để có thể cân bằng giấc mơ của mình với những kỳ vọng của người khác. Định mệnh thực sự của Alice nằm ở Underland, vùng đất huyền bí mà nay cô đã không còn chút hồi ức nào…
Mặc dù cũng khá theo sát kịch bản gốc thế nhưng cách tạo hình nhân vật rất quái dị, nhiều cảnh chiến đầu của Alice với quái vật rất đáng sợ và lời thoại khá người lớn nên bộ phim vẫn bị cấm trẻ em đến xem là điều dễ hiểu.
Gần như hoàn toàn xa lạ với phiên bản gốc, Snow White and Huntsman mới vừa ra rạp cũng đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới mẻ và tuyệt vời. Ở phim này, người ta không còn thấy Bạch tuyết mang vẻ yểu điệu thục nữ, mơ mộng về tình yêu mà cô là một nữ chiến binh thực thụ với áo giáp sắt, gươm và luôn sẵn sàng chiến đấu.
Nhà sản xuất Joe Roth cho biết: “Điểm xuất phát của cô ấy là một công chúa ngây thơ. Nhưng sau 11 năm bị giam hãm bởi Nữ hoàng Ravenna độc ác, Bạch Tuyết sẽ trốn thoát và trở thành một chiến binh hoang dã, sống trong rừng”. Cô trở nên mạnh mẽ, dũng cảm trước sự truy sát của mẹ kế. Không chờ đợi sự giúp đỡ từ người khác, cô đã đứng lên, lãnh đạo các chiến binh khác chống lại những âm mưu thâm độc của Revana, để trả thù cho vua cha, xua tan những hắc ám mà nữ hoàng gieo rắc lên mảnh đất mà cô và nhân dân của cô đang sống, chịu đựng.
Xuyên suốt bộ phim là kỹ xảo vô cùng hiện đại. Nhất là khi phiêu lưu với Bạch Tuyết trong khu rừng hắc ám. Bằng những kỹ xảo điện ảnh, những góc quay đầy ấn tượng, người ta có thể hình dung đây là khu rừng đen tối, đáng sợ nhất mà họ từng biết.
Những yêu quái cây gồ ghề, gớm ghiếc với nhiều hình dạng khác nhau sẵn sàng có thể trực nuốt lấy con người hay một sinh vật sống bất cứ lúc nào có thể, những đầm lầy đáng sợ, những con bọ ghê, loài cây nhả hơi độc, những con dơi ma quái… Quả thật, sự tưởng tượng và sáng tạo từ nỗi sợ hãi của con người không hề có giới hạn.
Đúng như lời hứa của nhà sản xuất ngay từ đầu, phim sẽ đen tối và hắc ám hơn rất nhiều so với phiên bản cũ. Nhưng chính vì nó quá đen tối, đáng sợ và kinh dị nên thực sự không phù hợp với trẻ nhỏ dù nó đã khiến cho người lớn có những trải nghiệm thú vị và mãn nhãn với các cảnh quay đẹp, hiện đại.
Khi thể loại phim cổ tích chuyển thể đang và sắp bùng nổ trên màn ảnh thì chắc chắn những phiên bản dành cho người lớn không phù hợp với trẻ nhỏ có lẽ sẽ còn rất nhiều. Nội dung các phim dần xa rời cốt truyện bằng sự sáng tạo không giới hạn của các nhà làm phim, diễn biến các câu chuyện đều thay đổi đến chóng mặt. Nếu như không nhờ vào tên phim, chắc sẽ chẳng ai nghĩ rằng những siêu phẩm mới này lại có nguồn gốc từ các câu chuyện cổ tích.
Không thể phủ nhận, cổ tích là "mảnh đất" màu mỡ để các nhà làm phim khai thác, chuyển thể, nhào nặn thành tác phẩm của riêng mình. Trong vô số các tác phẩm ấy, nhiều phim đã trở thành hàng bom tấn của Hollywood, công phá các rạp chiếu trên thế giới một cách ngoại mục. Song dường như, "mảnh đất" này đang mở rộng ra cho người lớn, nhưng nó lại thu hẹp giới hạn với lứa tuổi thiếu nhi. "Bài toán" xây dựng một bộ phim chuyển thể vừa thu hút người lớn lại vừa phù hợp cho trẻ nhỏ, có nên chăng các nhà làm phim cần suy ngẫm?