Kịch bản nhạt nhẽo, lời thoại thô tục
Lập tức có thể chỉ ra trường hợp đầu tiên, chính là đĩa hài Tết “Cười du xuân” của Vượng râu. Điều đọng lại sau khi xem xong đĩa hài chỉ là sự nhạt nhẽo, nhảm nhí trong cách xây dựng kịch bản, tình huống giao tiếp tưng tửng không đầu không cuối giữa các diễn viên.
Cùng với đó, hàng loạt câu nói nhạy cảm kiểu “chim – chuột” liên tục được sử dụng như một chiêu mua vui rẻ tiền, thiếu hẳn sự tinh tế cần thiết của tiểu phẩm hài như: “Mày (con chim – PV) mà thua lần nữa, tao bắt mày phụt 15 phát. À, không phạt 15 phút”... “Nói mà không nghe, cứ chim chuột, tôi bóp chết chim chuột đấy! Bà dám bóp chim tôi á; Động vào chim của ông, ông chôn..."
Không chỉ lời thoại nhạt mà bản thân các hành động được cho là chiêu gây cười trong “Cười du xuân” cũng chỉ khiến khán giả thêm nực cười với cách xây dựng tình huống mà có lẽ chỉ… tác giả và con nít mẫu giáo mới thấy hài. Ví như cảnh Hiệp vịt đội mũ bảo hiểm, quấn khăn chùm đầu lõa xõa, mặc quần áo ngủ hoa lá lòe loẹt, “gồng hết sức” vượt tường sang gặp “sư huynh Dậu vương” (tức Vượng râu). Khổ nỗi, bờ tường quá thấp, mà Hiệp vịt lại cố “diễn” tạo cảm giác chông chênh đến phản cảm. Dẫu biết rằng, từ nhiều năm nay, đĩa hài Tết khó tránh khỏi “sạn” câu chữ tục. Nhưng, yếu tố vận dụng ngôn ngữ đời sống xuất hiện vừa phải trong phạm vi cho phép sẽ góp phần tạo ra tiếng cười thú vị, hóm hỉnh, ngược lại, quá lạm dụng chắc chắn khiến toàn bộ tác phẩm phảm cảm, thiếu tôn trọng khán giả. Dù hiểu rõ điều đó, tuy nhiên không phải nhà sản xuất nào cũng biết “cân đong” đủ liều lượng cho phép. Cụ thể, đĩa hài Tết “Xuân Hinh kén chồng” 2012 được đánh giá là 1 trong số các đĩa hài đáng xem bởi kịch bản chặt chẽ, lời thoại hóm hỉnh hài hước chứa đựng triết lý nhân văn. Duy có điều, trong tiểu phẩm “Thị hến kén chồng”, có lẽ đạo diễn hơi quá lạm dụng từ ngữ giao tiếp kiểu chợ búa cho hai nhân vật bà Huyện và bà Xã như: “con mẹ”, “mẹ bố nó”, “bà mà bắt được, bà xẻo cho chó nó ăn”, cùng nhiều câu nói, hành động liên tưởng chuyện chăn gối vợ chồng tế nhị. Nếu tiết chế hơn một chút, chắc chắn, tổng thể đĩa tết “Xuân Hinh kén chồng” đã thành công trọn vẹn. Một sản phẩm hài tết khác đáng liệt vào danh sách “nhạt nhẽo” là “Kiếp lông bông” của Chiến Thắng. “Kiếp lông bông” là kịch bản “đo ni đóng giày” cho Chiến Thắng, được giới thiệu sẽ đưa người xem đến với nhiều tình huống hài hước, cười ra nước mắt, qua đó giáo dục con người biết sống tử tế, nghiêm túc, không tham lam. Khổ nỗi, xem xong toàn bộ đĩa hài, điều khán giả hiểu hoàn toàn ngược lại: “Kiếp lông bông” chứa đựng thông điệp ý nghĩa, nhưng quả thật, cười không nổi! “Kiếp lông bông” thu hút sự chú ý ngay từ đầu với sự xuất hiện của 2 nhân vật chính Đô - Sòn ngờ nghệch, chân chất, nhưng càng về sau, kịch bản hài trở nên “hụt hơi”, các nhân vật xuất hiện trong tác phẩm thiếu đi tình huống giao tiếp hài hước, câu nói hỏm hỉnh. Dù rằng, “Kiếp lông bông” cố “mua vui” cho khán giả bằng việc chú trọng vào hành động, tạo hình nhân vật gây cười nhưng điều đó vẫn không thể cứu vãn sự nhạt nhẽo, khô khan của sản phẩm này. Chí Trung xuất hiện “mới lạ”, Xuân Hinh giả gái “hoàn hảo” Sự thú vị đáng nói nhất trong các đĩa hai tết 2012 xuất hiện trên thị trường là việc NSƯT Chí Trung và một số gương mặt sáng giá trong top 24 cuộc thi Vua hài đất Việt như Việt Bắc, Bá Đức, Khánh Hoàng, Thế Nhân…tham gia “Điệp viên hài du ký 001”. Bởi đã từ lâu, danh hài được coi là người có khả năng xử lý tiết tấu và đài từ số 1 đất Bắc Chí Trung chưa hề góp mặt trong bất cứ đĩa hài Tết nào.
“Điệp viên hài du ký 001” không chỉ để lại trong lòng khán giả nụ cười thoáng chốc, mà sâu sắc hơn, là các hình ảnh đáng suy ngẫm: trẻ em tiểu học cõng trên lưng cặp sách to tướng khiến vợ Ngọc Hoàng hiểu nhầm là “giáo sư”, bệnh nhân tâm thần ngơ ngẩn sinh hoạt nơi góc công viên, mấy anh thổ dân than khóc về sự ô nhiễm nguồn nước, khí hậu… “Điệp viên hài du ký 001” không chia làm tiểu phẩm nhỏ, không gồm các tiết mục ca nhạc xem kẽ thường thấy trong các đĩa hài Tết khác, mà kéo dài liên tục trong hơn 1 tiếng, giống một bộ phim hài. Tuy nhiên, tham vọng làm một đĩa hài tết mới lạ, hấp dẫn của đạo diễn Hoàng Hà Xa với ý tưởng đưa Ngọc Hoàng (Chí Trung đóng) du lịch các nơi trên thế giới thực sự chưa làm hài lòng khán giả. Giới thiệu rằng Ngọc Hoàng sẽ “du lịch 5 châu” nhưng kịch bản mới chỉ dừng lại ở việc lồng ghép một số cảnh minh họa như kiểu trong phim tài liệu về thắng cảnh đặc trưng 1 số nước trên thế giới. Đĩa hài đáng xem nhất dịp Tết 2012, không ai khác, chính là “Xuân Hinh kén chồng”. Danh hài Xuân Hinh dù đã lớn tuổi, nhưng vẫn luôn là một cái tên ăn khách mỗi dịp xuân về. Chất hài của anh rất duyên mà gần gũi, mộc mạc với mỗi người dân xứ Bắc. Xuân Hinh giả gái ở cả 2 tiểu phẩm trong đĩa hài Tết. Và, bằng sự sáng tạo, dung dị kết hợp nhuần nhuyễn với các bạn diễn, “Xuân Hinh kén chồng” hấp dẫn khán giả từ đầu đến cuối. Cách đây mấy ngày, thêm một đĩa hài Tết được tung ra thị trường là “Tết Văn Lang cả làng nói phét”. Những màn bốc phét sẽ giúp khán giả tái hiện lại ước vọng ngàn đời người dân Việt xa xưa trong dịp đầu năm mới. “Tết Văn Lang cả làng nói phét” gồm 3 tiểu phẩm “Tỷ phú Văn Lang”, “Đích tôn ngoại”, “Phú ông hà tiện”, quy tụ nhiều diễn viên hài nổi tiếng đất Bắc như Quang tèo, Giang còi, Văn Hiệp, Quốc Anh… Có thể nói, xem những màn "bốc phét lên giời", khán giả không hề thấy phản cảm, mà hơn thế, ngoài tiếng cười thú vị, lại tìm được đôi chút bản thân mình trong các tiểu phẩm đó.