- Với tư cách vừa là tác giả kịch bản và đạo diễn, ông có phải “vận động hành lang” nhiều để bộ phim được bấm máy trở lại sau lần hợp tác bất thành với nhà sản xuất đầu tiên? - Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Những năm gần đây, sản xuất phim truyền hình được thực hiện theo hình thức xã hội hoá. Chính vì vậy khi viết kịch bản “Ma làng” - phần 2, tôi đã được các công ty truyền thông, hãng phim bên ngoài để mắt đến. Họ ngỏ ý muốn đầu tư vốn để tôi thực hiện bộ phim này. Thời gian gián đoạn với nhà sản xuất đầu tiên cũng giúp tôi có điều kiện đọc lại, nghỉ ngơi, sửa chữa, bổ sung được nhiều hơn cho kịch bản của mình. Tôi đặt tên phim là “Làng ma mười năm sau”. Nhà sản xuất mới đã đáp ứng tốt những yêu cầu của đạo diễn như tổ chức nhân sự đoàn làm phim, chọn diễn viên và nhiều vấn đề khác. Tôi, với tư cách tác giả kịch bản và đạo diễn bộ phim không có gì phải vận động, lo toan để bộ phim được đưa vào sản xuất. - Như đạo diễn đã từng chia sẻ, kịch bản của “Ma làng 2” thực ra là việc đảo ngược “Ma làng 1”. Nói như thế, có nghĩa là “Làng ma mười năm sau” sẽ rất hiện đại? - Tôi không nói Làng ma mười năm sau là đảo ngược “Ma làng 1”. Trong thời kỳ đổi mới, phát triển, hoạt động sản xuất và đời sống có rất nhiều sự thay đổi, thậm chí đảo ngược. Ví dụ như một gia đình nông dân ngày trước còn nghèo khó, bỗng dưng được hưởng khoản tiền đền bù đất khá lớn, thành người giàu nhất nhì trong làng, hoặc một số người nào đó trước đây hết lòng vì làng xóm, vì người dân giờ lại chạy theo việc làm giàu cho cá nhân, gia đình mình, thậm chí trở thành bộ phận tiêu cực trong làng xã... Bộ phim của chúng tôi phản ánh thực tế nông thôn, nông dân đương đại, chắc chắn sẽ thể hiện được những sự “đảo ngược” ấy, bao gồm cả đảo ngược tích cực và tiêu cực. - Tiếp nối bộ phim đề tài về nông thôn Việt Nam, theo ông, cái khó của đạo diễn ở đây là gì? - Viết kịch bản, làm phim về đề tài nông thôn - nông dân, cái khó đầu tiên là tác giả, đạo diễn phần đông là người thành phố, ít có điều kiện quan sát, tìm hiểu về cuộc sống và con người ở khu vực nông thôn. Do vậy khi viết, làm phim về đề tài này còn sơ lược, thiếu sâu sắc. Tôi cũng vậy, khi bắt đầu làm phim về nông thôn, nông dân (Đất và người - 2004) đã có những bỡ ngỡ, để làm tốt công việc của mình tôi đã phải đến nhiều vùng quê, gặp gỡ, trò chuyện với các nguyên mẫu... Với bộ phim đầu tiên về nông thôn này, tôi đã nhận thấy những hiệu ứng xã hội khá lớn và hiểu rằng khán giả phim truyền hình phần lớn là người dân thuộc khu vực nông thôn và cả rất đông người dân thành phố nhưng vẫn giữ “tâm hồn nông thôn”... - Tuy đã về hưu nhưng sức làm việc của ông vẫn khiến những người trẻ nể trọng, ông lấy đâu ra nhiều năng lượng để làm, để sống như thế? - Tôi về hưu từ năm 2008, nhưng vốn là người suốt đời “xê dịch” trong nghiệp làm phim nên hình như không mấy khi ngồi yên được. Tôi rất ghét loại công việc giống nhau diễn ra mỗi ngày nên không thể làm nhân viên giam mình trong văn phòng dù là phòng làm việc đèn tuýp, máy lạnh. Hình như tôi sinh ra để đi, để làm những việc không ngày nào giống ngày nào. Vì vậy, nghề đạo diễn hình như rất hợp với khí chất của tôi. Sau khi về hưu tôi vẫn không thể ở nhà trông cháu được. Tôi vẫn tìm mọi cách để đi, để làm nghề. Và tôi luôn thấy khỏe hơn, thoải mái tinh thần hơn khi sống trong không khí sáng tạo và làm việc hết mình của đoàn làm phim. - Khoảng trống mà cố NSƯT Hồng Sơn để lại trong “Làng ma mười năm sau” đã được đạo diễn “chọn mặt gửi vàng” chưa? - Có những diễn viên đã tạo ra dấu ấn cho vai diễn ở phần trước, khi phải thay thế diễn viên khác, đạo diễn rất lo ngại. Vì chắc chắn người xem phim sẽ nhớ, sẽ còn lưu giữ ấn tượng với cách diễn, hình ảnh nhân vật đã có từ phần trước. Để chọn người thay thế Hồng Sơn cũng là điều lo lắng của tôi và cả ê-kíp làm phim. Cuối cùng chúng tôi mời NSƯT Trung Hiếu đảm nhận vai diễn này vì tin rằng với tài năng diễn xuất, Trung Hiếu sẽ thể hiện tốt vai diễn của Hồng Sơn. Tôi và Trung Hiếu đã bàn bạc kỹ và cùng thống nhất với nhau là anh không phải bắt chước lối diễn của Hồng Sơn mà phải tạo ra một cách thể hiện khác của riêng mình để xây dựng hình tượng nhân vật ông Dỏ của giai đoạn mới. Mười năm sau, người nông dân đã trở thành công nhân sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ kinh tế thị trường. Xác định như vậy khiến cho cả đạo diễn và diễn viên đều thấy thoải mái và phát huy đầy đủ khả năng sáng tạo của mình... Và những ngày quay vừa rồi, anh em trong đoàn phim đã rất hào hứng với cách thể hiện của Trung Hiếu. - Dự kiến khi nào bộ phim sẽ “lên sóng”, thưa đạo diễn? - Thời gian “lên sóng” của bộ phim phụ thuộc vào nhà sản xuất đăng ký với nhà đài. Phim sẽ hoàn thành trong tháng 5-2013. - Xin cảm ơn đạo diễn!