Tôi làm phim này để tham dự các LHP – Vũ Ngọc Đãng đã nói về Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt (từ đây xin gọi tắt là: Hot boy nổi loạn - HBNL). Khán giả chắc chắn chẳng chờ đợi sự khác biệt đó nhiều. Chỉ có người trong nghề, phóng viên báo giới chờ đợi sự “lột xác” của Đãng. Nhưng, sự “lột xác” đó đã không quyết liệt như người ta chờ đợi nếu không muốn nói, nó còn để lộ quá nhiều điểm yếu của Vũ Ngọc Đãng trong một tác phẩm được coi là “vượt ngưỡng” của chính bản thân đạo diễn.
Một bộ phim đáng xem Công bằng mà nói, HBNL là bộ phim khá nhất và dụng công nhất từ trước đến nay của Đãng. Trước ngày bấm máy, trả lời phỏng vấn của người viết, Đãng có nói: HBNL là một bộ phim nghệ thuật tôi làm để đi dự tranh các LHP. Có thể có người ngờ vực hoặc không tin khả năng của tôi, cũng chẳng sao. Vì nếu không tin thì khi xem, họ thấy hay thì họ bất ngờ. Nếu không hay thì họ cũng sẽ nói Vũ Ngọc Đãng cũng chỉ đến thế mà thôi. Đó không phải là một câu trả lời yếm thế mà là một câu trả lời tự tin nhất có thể của Vũ Ngọc Đãng về bộ phim mà lúc đầu anh tuyên bố nghệ thuật, sau đó lại tuyên bố nửa nghệ thuật – nửa thương mại. Thế mới thấy cái sự “lung lay” của chính người trong cuộc. Thêm nữa, từ khi còn là kịch bản bộ phim đã đoạt giải Technicolor với giải thưởng 10.000 USD dành cho kịch bản xuất sắc nhất tại LHPQTVN lần thứ 1 – VNIFF – diễn ra tại Hà Nội vào trung tuần tháng 10 năm trước. Tức là về cơ bản, nó vẫn đóng mác “nghệ thuật” nhiều hơn. Về bộ phim, có thể nói một cách sòng phẳng, HBNL là bộ phim tốt nhất của Vũ Ngọc Đãng từ trước đến nay nếu xét tổng thể từ cách kể chuyện, góc máy, kĩ thuật cho tới chỉ đạo diễn xuất. Sự cảm động và cảm xúc có lẽ không nên tính vào đây vì nó còn tùy thuộc vào tâm trạng của từng người và nếu có tính thì cũng nên chỉ xét ở yếu tố “cộng thêm”. Tuy nhưng, nếu xét cả yếu tố “cộng thêm” đó thì HBNL cũng chỉ đáng dừng ở mức điểm tối đa là 6 điểm.
Có nghệ thuật không? Để trả lời câu hỏi nay, đầu tiên, hãy nói đến kịch bản phim. Rõ ràng, trong số các bộ phim đã thực hiện của Vũ Ngọc Đãng, HBNL là phim có nhiều tuyến nhân vật đan xen nhất. Nó thể hiện một sự dụng công rất rõ của Vũ Ngọc Đãng cũng như Lương Mạnh Hải từ lúc viết kịch bản. Thế nhưng cũng chính từ sự dụng công đó mà để lộ những nhược điểm của một kịch bản thiếu chặt chẽ trong việc đan xen các tuyến với nhau. Nhìn từ thực tế bộ phim, có thể thấy hai tuyến là hot boy và gái điếm với các đại diện tương ứng là Lương Mạnh Hải (trong vai Lam) – Hồ Vĩnh Khoa (Khôi) và Phương Thanh (gái điếm Phước Hạnh) – Hiếu Hiền (thằng Cười) thì có thể thấy rõ sự thiếu ăn nhập, không có liên kết và nhịp điệu cũng như mật độ của những tuyến được chia chưa đều. Nhược điểm lớn nhất bắt đầu lộ ra khi bộ phim đi được quá nửa bởi sự chia tuyến chưa rõ, làm người xem có cảm giác đạo diễn nhấn quá nhiều vào tuyến 1 mà quên đi tuyến 2 để rồi vội vã quay lại kể vội vàng bằng những khuôn hình, những tình tiết đẹp nhưng không đắt. Bắt đầu từ tuyến Hot boy. Khôi là nhân vật có vẻ như được Vũ Ngọc Đãng chăm chút nhất nhưng thực chất không phải vậy, người được chăm chút nhất chính là vai Lam khi đây chính là đầu mối của tuyến này. Khôi - một chàng thanh niên có vấn đề với gia đình bỏ lên Sài Gòn với mong muốn đổi đời, tìm kiếm thiên đường. Về tính mục đích của hành trình không có gì phải bàn khi lí do của chuyến đi là vì bị gia đình phát hiện giới tính thật (đồng tính) nhưng cách mà Đãng “ném” Khôi vào hành trình của những anh chàng đồng tính, nhào nặn nó xem ra chưa được mạnh tay cho lắm. Trải qua nhiều biến cố, vật vã nơi Sài Thành, Khôi gần như trắng tay, bắt đầu lại bằng sự vụng dại của một gã trai quê 20. Nhưng, sau tất cả những biến cố, những vụng dại đó, Khôi vẫn giữ cho mình một sự trong trẻo, đáng yêu và hồn nhiên. Nếu như đạo diễn giơ cao ngọn cờ “giữ tấm lòng son” thì không còn gì để bàn nhưng cái cần để bàn là môi trường mà đạo diễn ném nhân vật của mình vào là một môi trường không đơn giản – và cũng chính đạo diễn đã rất nhiều lần “tung” những câu thoại như: Sài Gòn không dễ sống đâu, nếu có thể quay về được thì quay về đi hoặc Nó tưởng Sài Gòn dễ sống lắm hay sao? Tội nghiệp nó ngây thơ quá!
Nhân vật thứ hai của tuyến này là Lam. Lam có vẻ già dặn, từng trải và cũng “xù xì” hơn so với Khôi. Cuộc đời của Lam là một cuộc đời giông tố, nhiều điều để nói và niềm tin đã từ bỏ con người này từ lâu. Nếu xem hết bộ phim, khán giả sẽ dễ dàng thấy đây là nhân vật đầy đặn nhất về mọi mặt nhưng sự biến đổi của nhân vật này qua hành trình đến với Khôi lại chưa đủ để người ta thấy có những dằn vặt bước tiếp hay quay đầu. Cái đáng trách nhất ở nhân vật này là nói nhiều (ý đồ đạo diễn) nhẳm giải thích cho số phận của mình, giải thích trước mọi hành động, tình huống như một kiểu “tôi làm thế vì như thế này vì như thế kia blah blah blah” mà quên đi rằng, sự giải thích nếu đặt không đúng chỗ sẽ thành thừa thãi. Sự thay đổi của Lam, nếu có, cũng là những thay đổi khi bị dồn vào chân tường chứ không phải là một sự thay đổi chủ động thông qua những gì anh đã nhận được. Nhát dao đâm vào chân của Đông không đủ để nói lên rằng Lam đã khác xưa. Và cái chết của nhân vật này cuối phim chính là điểm yếu lớn nhất của đạo diễn cũng như biên kịch. Cái chết, ở nhiều trường hợp, không phải là một bi kịch. Và trong bộ phim này chính xác là thế. Hơn thế, nó thể hiện một sự bế tắc của người sáng tác là không thể giải quyết nhân vật của mình như thế nào nên đè ra… bắt phải chết. Cần phải nói thêm về tuyến này ở chính cái mối tình đồng tính làm nòng cốt cho bộ phim. Một đề tài đồng tính luôn thu hút được sự quan tâm theo dõi của khán giả bởi sự dị biệt của nó. Nhưng, nếu để hỏi một câu: Sự dị biệt của một mối tình đồng tính (nam – nam) và một mối tình dị tính (nam – nữ) khác nhau ở chỗ nào? Điều gì làm nên sự hấp dẫn của mối tình này, làm nên mọi mấu chốt của câu chuyện cũng như những tình huống thắt nút mở nút đủ để khán giả gật đầu chấp nhận điều đó chỉ thấy ở một mối tình đồng tính? E rằng bộ phim không trả lời được.
Với tuyến gái điếm và thằng Cười thì trước tiên phải dành một lời khen ngợi và những chàng vỗ tay nhiệt liệt cho Hiếu Hiền. Nếu trong những LHP năm sau, Hiếu Hiền được xướng tên trong những hạng mục như Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất thì đó cũng không phải điều bất ngờ. Nhưng ngay cả sự xuất sắc của Hiếu Hiền cũng không cứu được sự “lạc quẻ” của tuyến này so với tuyến Hot boy. Cả hai tuyến đều được đạo diễn và biên kịch sử dụng như một trong ví dụ tiêu biểu nhất cho cái gọi là “những mảnh đời ở đáy xã hội” nhằm một mục đích mua nước mắt khán giả nhưng hoàn toàn không tìm thấy bất cứ điều gì là sự liên kết giữa hai tuyến. Cái yếu nữa chính là chuyện Vũ Ngọc Đãng không thể lí giải được vì sao thằng Cười lại tìm đến với cô gái điếm (điều mà Đãng đã giải thích rất tốt ở tuyến hot boy) mà để mặc định theo kiểu những mảnh đời khốn khó sẽ tự tìm đến với nhau. Có chắc là vậy không? Đèm đẹp kiểu… truyền hình Cho đến bây giờ, khi đã có gần một bàn tay những tác phẩm phim truyện nhựa trình làng thì Vũ Ngọc Đãng vẫn luôn được khen là tác giả của những bộ phim có… cảnh quay đẹp. Thế nhưng, nếu khó tính một chút (mà ở đây xét đến cả vai trò của DOP) thì những cảnh quay đẹp đó sẽ đèm đẹp kiểu… truyền hình. Ở đây, người viết không có ý phân biệt để nâng cao hay hạ thấp điện ảnh hay truyền hình bởi nó là đặc thù cần và phải có của thể loại. Nói về những góc máy trong bộ phim này, có thể nói chất điện ảnh rất ít, được vài khuôn hình đáng nhớ và có dụng ý của DOP một cách cụ thể. Ví dụ như khuôn hình hai nhân vật Khôi - Lam chạy trên cầu được máy bắt toàn cảnh trong những quả bong bóng xà phòng là một cảnh quay có dụng ý tốt. Mối tình đồng tính mong manh và dễ vỡ như những quả bóng xà phòng kia cho dù nó đẹp và đa sắc. Hoặc cảnh cũng vẫn là hai nhân vật đi trên chiếc cầu trong khung trời chạng vạng tối với hai đầu cầu là cụm hai bóng đèn đường đứng so le nhau, hắt thứ ánh sáng yếu ớt tương phản với phía dưới gầm cầu là một khoảng tối ken đặc. Cuộc sống của họ sẽ thuộc về phần nào trong hai phần đó? Tuy vậy, chỉ với nhiêu đó cho một bộ phim truyện nhựa là không đủ cho cái gọi là “chất điện ảnh”.
Thứ mà HBNL chạm được (nếu có) chỉ là những câu thoại đẹp, những giọt lệ chảy dài trên gương mặt của những chàng trai. Và đó cũng chính là điều sai của đạo diễn cũng như biên kịch khi đặt bút viết về một cộng đồng thuộc thế giới thứ ba là đánh đồng sự nữ tính với ủy mị. Những người đồng tính cũng có thể rất nữ tính chứ không phải mặc nhiên là ủy mị. Hãy thử điểm qua những bộ phim nổi tiếng về đồng tính nam nổi tiếng thế giới như Mysterious Skin (2004 - Mỹ) hoặc Lan Yu (2001 - Trung Quốc) – những bộ phim cũng có chút liên quan về đề tài giống HBNL về những mối tình đồng tính hoặc mại dâm nam nhưng tuyệt nhiên chúng ta không thấy những giọt nước mắt nhiều đến độ phải ngạc nhiên thốt lên rằng: Chẳng nhẽ đồng tính nam ủy mị đến thế? Những giọt nước mắt mà Vũ Ngọc Đãng “nhỏ” lên gương mặt của các nam diễn viên/ nhân vật trong bộ phim không đủ thuyết phục để thấy nó “lộng lẫy” mà chỉ thấy nó rất mê-lô và… sến. Chắc chắn bộ phim sẽ hút khách, sẽ thu hồi vốn cho nhà đầu tư và Vũ Ngọc Đãng sẽ vẫn là cái tên ăn khách, là một cái tên đủ đảm bảo để các nhà đầu tư tìm đến để làm những bộ phim không sợ ế khách. Thế nhưng, nếu có hỏi, Đãng có thể làm phim tốt hơn như thế này không? E rằng khó có thể trả lời ngay được, bởi nó phụ thuộc vào chính người được hỏi và cũng xin Vũ Ngọc Đãng đừng trách nếu có trót nghe được tiếng thở dài sau câu hỏi. Không có ý “vùi dập” bộ phim vì bài viết chỉ xin phép được chỉ ra những điểm có thể là chưa hợp lí của một tác phẩm đã được “tuyên ngôn” nhiều trước đó, đã được khen ngợi “tâng lên mây xanh” quá nhiều sau ngày trình chiếu và doanh thu cũng đã gần kịp làm nhà sản xuất mỉm cười. Có vẻ như, đạo diễn vẫn “lạc lối” trên đường đi tìm “thiên đường” để rồi hiểu ra, nó xa đến mức nào.