Trước thời điểm Huyền sử thiên đô (kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn NSƯT Đặng Tất Bình – NSƯT Phạm Thanh Phong, Công ty World Star sản xuất) phát sóng, không ít người nghi ngại bộ phim lịch sử cuối cùng trong loạt phim mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội cũng sẽ là sự mờ nhạt, như những phim đã ra mắt trước đó. Tuy nhiên, Huyền sử thiên đô (đang phát sóng lúc 21 giờ ngày thứ năm và thứ sáu hằng tuần trên VTV3) nhận được phản hồi tích cực của khán giả trên các diễn đàn điện ảnh, lịch sử, YouTube, mạng xã hội Facebook… Điều đó cho thấy rằng dù phim chưa thật sự hoàn hảo như mong muốn nhưng đã phần nào làm thỏa cơn khát cho khán giả.
Trung Dũng (phải - vai Lê Long Đĩnh) trong phim Huyền sử thiên đô. (Ảnh do Công ty World Star cung cấp)
Phim mở đầu bằng sự kiện Lý Công Uẩn (diễn viên Công Dũng) đi dẹp loạn trong những cuộc tranh giành quyền lực của các thân vương. Cũng từ cuộc giao tranh này mà Lý Công Uẩn gặp nữ tướng Giáng Bình (Bebe Phạm) – nhân vật hư cấu, con gái của công thần tiền triều Đinh Đỗ Hoàn - cũng là bắt đầu cho mối tình kéo dài về sau giữa vị tướng họ Lý và con gái của người được xem là kẻ thù triều Lê. Bên cạnh những khốc liệt trên chiến trường thì những ganh ghét, tranh đua giành giật quyền lực, địa vị đằng sau hậu cung cũng quyết liệt không kém. Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn có cách kể chuyện hấp dẫn, thông minh với nhiều tình tiết thắt mở đầy kịch tính cho những chuỗi sự kiện, biến cố liên hoàn, vừa là sợi dây xuyên suốt bộ phim vừa lột tả được tính cách của từng nhân vật.
Không chỉ khắc họa hình ảnh Lý Công Uẩn là một vị tướng tài, cương trực, dũng cảm, kịch bản cũng khai thác sâu vào đời sống tình cảm của vị vua triều Lý. Ở những tập đầu, hình ảnh Lý Công Uẩn còn mờ nhạt nhưng dần dần, diễn viên Công Dũng đã tạo cho nhân vật một dung mạo riêng. Được khen nhiều nhất phải kể đến diễn viên Trung Dũng với vai bạo chúa Lê Long Đĩnh. Vốn tạo ấn tượng lâu nay với dạng vai anh hùng, cương trực nhưng với vai Lê Long Đĩnh, có thể nói Trung Dũng đã lột tả tính cách của nhân vật, sắc sảo từ ánh mắt đến cái cười thâm độc, từ những cử chỉ tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng đủ bộc lộ bản chất khát máu, tàn bạo. Bên cạnh đó, NSƯT Hà Xuyên với vai Minh Đạo hoàng hậu, Giáng My (Phụng Càn hoàng hậu), Bebe Phạm (Giáng Bình), Thu Quỳnh (công chúa Cúc Phương), NSND Trọng Khôi (Lê Thái Như), NSƯT Trần Nhượng (Lê Thoán), NSƯT Trần Tường (thiền sư Vạn Hạnh), Duy Thanh (Lê Hoàn), Viết Liên (Đinh Đỗ Hoàn)… cũng đã nhập vai tốt cùng các nhân vật của mình.
Tất nhiên, khó đòi hỏi Huyền sử thiên đô có những cảnh hoành tráng như phim lịch sử Trung Quốc nhưng nỗ lực hết mình của nhà làm phim cho những đại cảnh, võ thuật (được chỉ đạo bởi NSƯT Trần Hùng) cũng làm hài lòng khán giả. Nhiều bối cảnh đẹp, hùng vĩ với những góc máy trau chuốt được đoàn phim ghi hình trong suốt 9 tháng ròng rã khắp miền Bắc đã mang đến cho phim những khung hình đủ gây ấn tượng. Có thể nói, sau gần 2 năm nghiên cứu, chuẩn bị bối cảnh, trang phục…, các nhà làm phim đã tạo dựng được cho Huyền sử Thiên Đô không gian lịch sử “thuần Việt”, các nhân vật thuyết phục, đủ để khán giả hòa mình vào câu chuyện lịch sử với những biến cố và hành trình của các nhân vật chứ không phải là sự xây dựng gượng ép, hời hợt.
Một khán giả trên YouTube cho rằng xem Huyền sử thiên đô mới thấy Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được những bộ phim lịch sử hay, hấp dẫn. Quả vậy, phim lịch sử Việt vốn dĩ hiếm hoi vì tâm lý ngán ngại của các nhà sản xuất. Nhưng vấn đề nằm ở yếu tố con người. Nếu thực hiện bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm và bản lĩnh thì hoàn toàn chúng ta vẫn có thể có được những tác phẩm hay.