Hai "siêu phẩm" Transformers: Dark of the moon (Người máy biến hình: Bóng tối mặt trăng) và Breaking dawn 1 (Hừng đông 1) từng tạo ra cơn sốt ở Việt Nam hồi tháng 6 và 11-2011 cũng nhận được tới tám đề cử.
Tương tự, hồi năm 2010 một loạt phim đoạt giải và được đề cử Mâm xôi vàng cũng đã xuất hiện ở Việt Nam như The last airbender (Ngự khí sư cuối cùng), Eclipse (Nhật thực), Sex and the city 2 (Sắc tình đô thị 2), Little Fockers (Những đứa trẻ nhà Fockers) hay The bounty hunter (Kẻ săn tội phạm)...
Nhà phê bình phim Mỹ nổi tiếng Roger Ebert, từng đoạt giải Pulitzer, mô tả Dark of the moon là "một bộ phim với hình ảnh xấu xí, nội dung tạp nham, nhân vật cứng nhắc, lời thoại ngu ngốc". Nhà phê bình Dan Kois của trang Village Voice thậm chí viết: "Hàng nghìn tế bào não bị chết (sau khi xem phim)". Trang tổng hợp bình phim Rottentomatoes kết luận Breaking dawn "chậm chạp, buồn tẻ".
Ðến Việt Nam, nhiều "bom tấn" có lẽ gây được sự choáng ngợp nên đã nhận được nhiều lời ngợi khen như một kiệt tác. Trong khi đó, có những tác phẩm xuất sắc thật sự, điển hình như Ðông Tà, Tây Ðộc của đạo diễn Vương Gia Vệ bị truyền thông trong nước chê bai thảm hại. Những phim để lại nhiều suy ngẫm như The help (Người giúp việc) hay khó nhằn kiểu như The tree of life (Cây đời) thì chẳng mấy báo đụng tới.
Ðương nhiên khi đánh giá các bộ phim thương mại - giải trí, người ta không thể so chúng với phim nghệ thuật, đoạt giải Oscar. Nhưng ngay cả phim thương mại cũng có tiêu chí hay, dở rõ ràng. Roger Ebert giải thích: "Khi các bạn đặt câu hỏi phim Hellboy (Quỷ đỏ) - một phim hành động giải trí - có hay hay không, bạn không nên hỏi nó có hay so với Mystic river (Dòng sông huyền bí) - phim tâm lý, nghệ thuật. Bạn nên hỏi nó có hay so với The punisher (Kẻ trừng phạt) không".
Tương tự, khi đánh giá Dark of the moon hay hoặc dở, ta sẽ so sánh với những "bom tấn" thương mại như The spiderman 2 (Người nhện 2) hoặc The dark knight (Hiệp sĩ bóng tối), chứ không thể so với The artist (Nghệ sĩ) vừa đoạt giải Oscar. Kể cả như vậy thì Dark of the moon vẫn là dở dù có kinh phí lớn, kỹ xảo hoành tráng.
Rõ ràng, "bom tấn Hollywood" không đương nhiên có nghĩa là hay. Năm nào ở Hollywood cũng có vài phim dạng "bom tấn" lĩnh Mâm xôi vàng. Ít ra đó là một thước đo đáng tin cậy, cũng như giải Oscar là thước đo các tác phẩm xuất sắc.
Không phải những gì lấp lánh đều là vàng, tỉnh táo trước những "bom tấn Hollywood" có lẽ cũng là một "thao tác" cần thiết không chỉ với khán giả.