Bộ phim “Về nhà đi con” có tên gọi lúc mới thai nghén là “Nước mắt của gà trống”. Dù NSND Hoàng Dũng bật cười với tên gọi có phần “hoạt hình", nhưng tên gọi này đã thể hiện được một phần nỗi khổ của ông bố - nhân vật chính trong bộ phim.
Sau đó, với cái tên chính thức “Về nhà đi con”, đã thể hiện được hết tấm lòng của đấng sinh thành. Trong phim cả ba cô con gái đều từng bị cuộc đời đánh cho bầm dập. Mỗi lần các cô ấy tưởng như bơ vơ chông chênh nhất, thì người bố đều nói câu "Về nhà đi con". Một câu nói chan chứa tình cảm, cho thấy dù cuộc đời ngoài kia khắc nghiệt như thế nào, cha mẹ cũng là người chở che, là nơi cuối cùng ta có thể nương náu.
Bố là điểm tựa cuộc sống
Khác với hình ảnh Lương Bổng trong "Người phán xử", NSƯT Trung Anh lột xác thành một người bố tận tuỵ, hết mực yêu thương các con của "Về nhà đi con". Đối với các con, bố mẹ luôn là điểm tựa của cuộc sống. Nhưng đối với ông Sơn, vợ ông mất để lại cho ông 3 đứa con gái nhỏ, và việc “gà trống nuôi con” – trở thành điểm tựa cho 3 đứa con gái chưa bao giờ là điều dễ dàng.
NSƯT Trung Anh chia sẻ đây là vai diễn khiến ông khóc nhiều nhất từ trước đến giờ trên màn ảnh. Hình ảnh người cha hết mực hy sinh, nghiêm khắc nhưng ngập tình thương con được Trung Anh khắc họa thành công trên màn ảnh gần gũi và giản dị đến mức nhiều khán giả nói ông Sơn khiến họ nhớ đến người cha của mình. Không ít cảnh quay của ông Sơn (NSƯT Trung Anh) khiến người xem xúc động. Cảnh ông đi lảo đảo khi vào bệnh viện thăm con gái cả, vẻ tức giận lẫn đau lòng khi đánh con gái út... đều chân thật.
Một người bố luôn sẵn sàng bao bọc và nói "Về nhà đi con" bất cứ khi nào họ cần một mái ấm, khi 3 đứa con gái va vấp những đau khổ trong cuộc sống. Như chính lời tâm sự của ông bố: “Giờ bố chẳng có gì ngoài sự già nua, giáo điều, lẩm cẩm, nhưng bố còn tình yêu và một ngôi nhà để bất cứ lúc nào các con cũng có thể trở về”.
Khán giả chợt ứa nước mắt khi nghe lời ông Sơn nhắn nhủ cho Huệ, cô con gái lớn luôn hi sinh vì gia đình: "Hạnh phúc của con còn quan trọng hơn nỗi buồn của người khác".
Nhìn thấy Thư, cô con gái thứ đang nóng lòng được nổi tiếng, ông lại nhẹ nhàng: "Tất cả mọi nỗi thất vọng đều bắt nguồn từ hy vọng, hy vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn. Cứ chậm chậm mà chắc lại hay con ạ!".
Người ta bảo có hiểu cuộc sống mới hiểu cha mẹ, khi đã đi quá nửa đời người, những nóng nảy, dại khờ hồi trẻ đã được ghìm bớt. Ông Sơn bắt đầu chiêm nghiệm cuộc đời, sống chậm hơn, tĩnh lại và dạy con về lòng vị tha. Ông nói với Dương, cô con gái út rằng: "Đến một lúc nào đó con đủ trưởng thành, con sẽ hiểu thứ đắng cay nhất, thứ khó học nhất chính là lòng vị tha".
Bố là “chuyên gia né thính” cực đỉnh
Bộ phim khiến khán giả rơi nước mắt theo từng tình huống, nhưng cũng không ít tình huống bật cười, nhất là những phân đoạn ông Sơn bị “thả thính”. Và ông bố này lại khiến khán giả là các cô con gái thích thú bộc lộ nét đáng yêu của mình: gương mặt ngây thơ và khả năng né thính cực đỉnh.
Trong tập 10, khi nghe cô Xuyến (Hoàng Yến) thao thao bất tuyệt về mẫu người trong mộng, ông Sơn đã tỉnh bơ mà nói “Nếu cô chân thành, thì tôi có một ông bạn, đầy đủ chỉ tiêu như cô nói”. Mặt cô Xuyến “tím tái”, cô giận “Bác cứ cố tình không hiểu”. Còn ông Sơn thì coi như mình không hề hiểu gì thật.
Với mẫu hình và tính cách cực chuẩn, ông bố “hiếm có khó tìm” này đã trở thành thần tượng của không ít các cô con gái.