Vài năm trở lại đây, phim truyền hình Việt đã thoát khỏi tình trạng làm cẩu thả, chộp giật, gây “thảm họa”. Năm 2014, tuy số phim nổi bật, tạo tiếng vang không nhiều nhưng chất lượng khá đồng đều, duy trì thị trường ổn định. Góp phần làm thay đổi diện mạo phim truyền hình Việt phải kể đến các bộ phim do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất, phát trên sóng các kênh truyền hình quốc gia. Năm 2015, VFC tiếp tục đóng vai trò đầu tàu, hướng đến nâng cao chất lượng nghệ thuật cũng như tính chuyên nghiệp trong quá trình sản xuất phim truyền hình. Trong đó, những dự án trọng điểm vẫn là dòng phim chính luận “đặc sản”.
Giảm số lượng, tăng chất lượng
Điển hình là 30 tập của Bến không chồng với phần kịch bản được đạo diễn Lưu Trọng Ninh chấp bút dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng. Bến không chồng từng là một phim điện ảnh “để đời” của điện ảnh Việt nói chung và đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói riêng cách đây 15 năm. Được đánh giá là “một bi kịch của thời hậu chiến”, việc “làm mới” thành phim truyền hình lần này khiến Bến không chồng đứng trước nhiều thử thách không nhỏ. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh bảo rằng “một tấn bi kịch” trong phiên bản truyền hình chắc chắn sẽ ám ảnh khán giả.
Tiếp nối thành công của phim Khi đàn chim trở về, phần 3 sẽ lên sóng trong năm nay, tái hiện cuộc chiến đấu đầy cam go, khốc liệt giữa lực lượng kiểm lâm với bọn lâm tặc nhiều thủ đoạn. Gia phả của đất, Người đứng trong gió là 2 phim chính luận có chất lượng nghệ thuật, nội dung và ý nghĩa sâu sắc sẽ lên sóng VTV trong năm nay. Nếu Gia phả của đất tái hiện một phần thực trạng nông thôn Việt Nam từ năm 1978 đến nay thì Người đứng trong gió phản ánh đời sống ở vùng đất Tây Nguyên gắn chặt với những vấn đề bảo vệ động vật quý hiếm. Trong khi đó, Mạch ngầm vùng biên ải là phim hình sự xoay quanh cuộc chiến chống buôn lậu của những chiến sĩ biên phòng. Một phim đáng xem khác là Mỹ nhân Sài thành, kể về số phận ba người đẹp Hồng Trà, Tuyết Trà và Bạch Trà trong bối cảnh Sài Gòn từ năm 1975.
Năm 2015, hãng TFS (Đài Truyền hình TP HCM) vẫn tập trung đầu tư cho dòng phim chính luận. Được đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng là phim Đảo khát với câu chuyện quá khứ về những dòng họ đã vượt biển ra khẩn hoang lập ấp nơi hòn đảo này, đối mặt thiên nhiên và chống chọi với kẻ cướp, kẻ thù xâm lược. Phim lấy bối cảnh chính ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, phim Không một ai nói về những người trẻ ở miền Nam sống như thế nào sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975. Ngoài ra, hãng này còn có các phim giải trí đa dạng đề tài, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khán giả.
Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC, trong năm 2014, số phim do VFC sản xuất phát sóng trên VTV chỉ chiếm khoảng 35% và năm 2015, con số này sẽ không thể tăng thêm nhiều. Đạo diễn Lý Quang Trung, Giám đốc TFS, cũng cho biết năm 2015, số lượng tập phim của TFS giảm nhiều so với năm 2014 do khó khăn về kinh phí nhưng hướng tới nâng cao chất lượng nghệ thuật.
Nỗ lực tạo dựng niềm tin cho khán giả
Năm 2015, phim xã hội hóa sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường phim truyền hình Việt trên các đài từ trung ương đến địa phương. Các hãng phim từ lớn đến nhỏ đều tăng tốc sản xuất để phủ sóng trên diện rộng.
Hãng M&T Pictures dự kiến sản xuất 600 tập phim và sẽ tăng thêm vào năm 2015 vì có thêm giờ phát phim trên HTV7. Hãng Sóng Vàng dự kiến có khoảng 700 tập phát sóng đều đặn trên các kênh VTV và HTV. Theo bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, năm nay, số lượng phim tăng khoảng 100 tập so với năm 2014. Riêng hãng phim Lasta sẽ sản xuất khoảng 500 tập để phát sóng trên kênh Lets Viet (VTC9).
Trong năm 2015, các hãng phim Blue Light, Tâm Điểm, Sao Thế Giới, Vietcom Film, Sena Film cũng tiếp tục nỗ lực sản xuất phim. Các đài địa phương như Vĩnh Long, Cần Thơ đã chủ động kêu gọi nhà đầu tư hợp tác để sản xuất, tạo nguồn phim phát sóng riêng.
Việc phim xã hội hóa chiếm lĩnh thị trường với khoảng 80% thời lượng phát sóng trên các đài truyền hình đã tạo ra thế cạnh tranh cao, các hãng đều nỗ lực tạo dựng niềm tin cho khán giả. Ông Lý Quang Trung nhận xét: “Đã có nhiều phim của các hãng tư nhân được đánh giá tốt, đoạt các giải thưởng cao. Đó là một tín hiệu đáng mừng”. Bà Lê Thị Thúy Nga, Giám đốc hãng phim Blue Light, nhìn nhận: “Phim truyền hình Việt là một cuộc chơi dành cho những nhà sản xuất có tâm cùng lòng đam mê. Khán giả rất khó tính, họ không bao giờ chấp nhận những bộ phim thực hiện cẩu thả, kịch bản thiếu hợp lý, nội dung kém hấp dẫn”.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của đạo diễn Lý Quang Trung, chất lượng phim Việt dù đang ổn định, đồng đều nhưng thiếu tính đột phá. Để tìm được một phim thật sự nổi trội xem ra vẫn rất khó.