Làm giám đốc, Lê Hùng như người cha đi vắng xa nhà
Là một người cởi mở, hài hước, những cuộc phỏng vấn từng có của tôi với NSƯT Chí Trung luôn tràn ngập tiếng cười bởi những câu pha trò hóm hỉnh, lối so sánh ví von nhiều ẩn ý của anh… Nhưng hôm nay, sau những ồn ào từ câu chuyện sáp nhập của hai nhà hát tạm thời khép lại, từng lời nói, giọng điệu của nghệ sĩ Chí Trung đã cho thấy, anh là người đang chịu nhiều điều tiếng và tổn thương nhiều nhất.
Câu nói được coi là điển hình nhất cho những đánh giá về NSND Lê Hùng mà chỉ có Chí Trung mới dám nói về người anh của mình: “Chúng ta đang mất đi một đạo diễn tài năng để đổi lấy một nhà quản lý tồi”. Điều này được rất nhiều người nhìn thấy, nhưng không ai dám nói, cho đến hôm nay.
Để minh chứng cho điều này, nghệ sĩ Chí Trung cho hay: 5 năm anh Hùng về làm giám đốc thì chúng tôi cũng quen với việc kiểu như bố mẹ đi vắng xa nhà. Con cái tự nuôi nhau, nhặt nhạnh. Đứa thì đi ăn cắp của hàng xóm, đứa thì xin của họ hàng để qua ngày. Vẫn trụ được là bởi chúng tôi vẫn giữ được cái khung tốt, tạo dựng được sự năng động từ thời của giám đốc Phạm Thị Thành và trước đó nữa. Đặc biệt là Nhà hát Tuổi trẻ (NHTT) có một truyền thống rất yêu thương nhau. 34 năm chưa hề có kiện tụng hay sự mất đoàn kết nào và ai cũng nghĩ đó là một tập thể lý tưởng và sự thật đúng là như thế. Chúng tôi vẫn cứ vươn lên nhờ sự lãnh đạo của hai phó giám đốc, 4 trưởng đoàn. Chúng tôi giống như dàn giao hưởng với bộ hơi, bộ dây, bộ gõ đều rất giỏi nghề, nhưng người nhạc trưởng thì cứ loay hoay sang chỉ huy ở dàn nhạc bên cạnh, còn bên này thì vẫn tự chơi được.
Nếu mà nhạc trưởng đó cứ nằm trong hạn định thì chúng tôi vẫn đồng ý, vẫn đi ăn cắp rau của nhà hàng xóm, xin trứng gà của nhà bên cạnh để lo cho nhau. Nhưng bỗng nhiên lại muốn sáp nhập cả dàn nhạc giao hưởng bên cạnh và chúng tôi nhìn thấy một nguy cơ nhãn tiền rằng 200 con người của NHTT và 120 con người của Nhà hát kịch Việt Nam vốn không ăn nhập với nhau về truyền thống, về phong cách…Và thêm một nguy cơ nữa là ông nhạc trưởng ấy chắc chắn sẽ lại quay sang một dàn nhạc thứ 3 để chỉ huy. Chính thế nên chúng tôi buộc phải bung ra và không chấp nhận sáp nhập. Nhạc trưởng đó phải khẳng định là một thiên tài, một người ít gặp, ít có trước đây và sau này càng không có. Nhưng người nhạc trưởng ấy có quá nhiều mối quan tâm, quá nhiều các lời mời gọi, có quá nhiều trách nhiệm mà trách nhiệm đó xuất phát từ mong muốn của cá nhân anh và con người anh chứ không phải từ mong muốn tập thể.
Cuộc “cách mạng” với người thân
Cái tôi nghệ sĩ của anh Lê Hùng có lúc không xấu, bởi nó được xuất phát từ cái tài nghệ sĩ, có sự thông minh vô cùng nhạy bén, quyết đoán nhanh nhẹn về nghệ thuật và có cái uy rất lớn về nghệ thuật. Không phải mình chúng tôi mới sống trong cái tôi, cái bóng ấy mà ngay cả Bộ VH,TT&DL cũng xót xa kết luận rằng, “vì chúng tôi quá tin anh Lê Hùng”. 5 năm làm lãnh đạo, được tiếng là đơn vị dựng nhiều vở nhưng lương của diễn viên ngắn hạn phải bù 13 nghìn nữa mới được 1 triệu đồng. Diễn viên tuổi đời 7-8 năm mới được 2- 2,5 triệu đồng/tháng. Nhưng tại sao họ vẫn ở đây mà không đi làm nghề khác? Vì tình yêu, vì trông chờ một tương lai tốt đẹp hơn. Chính vì lẽ đó mà chúng tôi phải làm một cuộc “cách mạng” với người thân của mình, buộc phải đứng lên để đấu tranh với người thân yêu của mình.
Anh Lê Hùng là một trong những người thân yêu của vợ chồng tôi. Chị Lê Khanh là mẹ nuôi của các con anh Lê Hùng. Thân nhau lắm! Tôi là một trong những người được anh Hùng ưu đãi và trọng dụng nhất nhà hát. Và anh nghĩ rằng (tôi đoán thôi chả biết có đúng không), nếu sau này anh nghỉ hưu rồi và nhà hát không còn ai nữa thì anh Hùng sẽ chọn thằng Trung này để làm tiếp. Tôi nhấn mạnh từ “không còn ai nữa” nhé, vì anh Hùng chỉ yêu bản thân anh ấy thôi và luôn nghĩ ngoài anh ra thì không ai có thể làm được.
Anh Hùng ở với thế hệ chúng tôi 34 năm rồi. 34 năm đến người dưng nước lã còn thành người thân. Chúng tôi còn hơn cả họ hàng vì ngày nào cũng ở đây từ 8h sáng đến tận tối mới về nhà. Anh Hùng từ khi trẻ đã là một người rất thông minh, cá tính mạnh lắm và là thủ lĩnh của chúng tôi. Hồi đó anh đã là một hình mẫu để chúng tôi noi theo. Sau đó anh Hùng đi học ở Liên Xô (cũ), trở về thì gắn bó với đạo diễn sân khấu. 7 năm sau thì trở thành một đạo diễn mà trong mắt chúng tôi là thiên tài. Nhưng giá như anh cứ mãi là đạo diễn, biết cống hiến hết lòng và biết nghỉ ngơi đúng lúc...Đúng lúc là đến tuổi thì nghỉ, thanh thản, sao cứ loay hoay? Tôi cứ mong đó là khát vọng muốn thành lập một Nhà hát Kịch quốc gia, cứ mong rằng đó là vì lời hứa với hàng trăm con người mà muốn cố gắng thực hiện chứ tôi không muốn nghĩ như cái từ mà anh Tuấn Hải nói là anh Lê Hùng đang “chạy hưu”. Nhưng mà hình như nó thế. Vì tôi cứ nghĩ, anh Lê Hùng là một người anh của tôi, một đạo diễn làm ra nhiều tác phẩm hay, nhất là hài kịch, đã cười nhạo bao nhiêu nhân vật sao lại tự để mọi người cười nhạo mình như thế. Đó là cái tôi buồn nhiều nhất.
Ba lá đơn vượt cấp của NSND Lan Hương đã không uổng phí để có được một quyết định kịp thời từ Bộ VH,TT&DL tạm ngừng việc sáp nhập hai nhà hát lớn nhất miền Bắc. Nhưng những hệ lụy của hiện tại vẫn đang đặt các nghệ sĩ vào một cơn sóng ngầm khác, đó là sự sụp đổ niềm tin với một người mà họ coi như thần tượng: NSND Lê Hùng.
(Còn nữa)