Chế độ nô lệ, “một trong những tội ác lớn nhất lịch sử” theo phát biểu của tổng thống George W. Bush, là một vết nhơ khó giũ bỏ ở đất nước Hoa Kỳ. Đã có rất nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, điện ảnh cố gắng khai thác vấn đề này để đem đến cho khán giả những câu chuyện khó thể quên nổi. Bằng tài năng của mình, đạo diễn Quentin Tarrantino đã đưa vào bộ phim "Django Unchained" một quan điểm lạ lẫm và có tính bình luận cao về chế độ tàn khốc này.
Calvin Candie là một điền chủ nổi tiếng nhất miền Tây với 3 đức tính: Tham lam, xảo quyệt và độc ác. Ấn tượng để lại của gã vô cùng tồi tệ nhưng hình tượng của gã lại đẹp trai lịch lãm vô cùng.
Django, một tên nô lệ có tài bắn súng bẩm sinh với đường đạn chuẩn xác kì diệu. Sau khi thoát khỏi xiềng xích nhờ vụ giết kẻ cầm đầu trên đường vận chuyển của Dr King, Django lại lao vào cuộc tìm kiếm, giải phóng cho người vợ bị bán làm nô lệ của mình.
Trong phim Leonardo đem đến cho người xem nỗi ghê tởm về một gã điền chủ tàn độc. Nếu như giới phê bình đánh giá Leonardo đã thoát khỏi danh hiệu “hoàng tử tuổi teen” từ "Kim cương máu" và "The Departed" (2006) thì với vai Candie một lần nữa người xem phải thốt lên lời kinh hãi về sự đổi mới mình đến không còn nhận ra của Leo.
Chàng Jack si tình trong "Titanic" (1997), gã Frank láu cá trong "Hãy bắt tôi nếu có thể" (2002) đã bay biến không còn vết tích. Vẻ đáng yêu của Leo hoàn toàn biến mất. Mặc dù đã nhận khá nhiều giải Quả Cầu Vàng nhưng đến giờ Leo vẫn được xem như người vô duyên với giải Oscar dù đã nhiều hơn ba lần được đề cử trong những bộ phim bom tấn.
Leonardo Dicaprio cùng "Hành Trình Django" sẽ đổ bộ khắp các rạp Việt Nam vào 15/3 tới.