Chưa bao giờ, dòng phim lịch sử và phim cổ trang lại được dư luận nhắc nhiều như thời gian gần đây. Mới biết, sau nhiều năm tắc nghẽn một dòng phim ở điện ảnh Việt (và chứng kiến sự thành công không nhỏ từ những bộ phim cổ trang của các nước bạn), thì giờ đây, dòng phim này lại trở lại với hàng loạt dự án "đình đám" nhất. Nhưng cũng phải thực tế mà nhìn nhận lại rằng, dòng phim cổ trang ở Việt Nam đang quá non trẻ!
"Long Thành cầm giả ca" - một trong rất ít phim cổ trang được đánh giá cao nhất thời gian gần đây của điện ảnh Việt
Trăm hoa đua nở
Nhìn nhận lại phim cổ trang ở Việt Nam từ những bộ phim từ cách đây hàng chục năm, giờ vẫn được nhắc lại như những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt. "Đêm Hội Long Trì", "Thăng Long đệ nhất kiếm", "Lửa cháy thành Đại La" chẳng phải là những cái tên đã từng tạo nên những mốc son trong nền điện ảnh Việt? Không chỉ so về thể loại phim cổ trang lúc bấy giờ mà còn cả về mặt bằng chung của điện ảnh, tiếng vang của những bộ phim kể trên là rất lớn. Và có thể khẳng định rằng, điện ảnh Việt Nam không phải là không có những bộ phim cổ trang, lịch sử đáng để tự hào.
Bẵng đi một thời gian, dòng phim cổ trang lịch sử không thấy xuất hiện nữa, có chăng thì cũng chỉ một vài dự án "bạo miệng" rồi cũng lụi dần, và chẳng thấy ai nhắc đến chúng nữa.
Cho đến một vài năm trở lại đây, dòng phim cổ trang bỗng bùng phát như một cơn gió mạnh thốc vào nền điện ảnh trong nước. Dư luận lại xôn xao với những cơn gió mới ấy bởi có khi cùng một đề tài lịch sử, có đến vài ba phim được tiến hành thực hiện cùng một lúc. Không những thế, khán giả còn không kém phần hồi hộp chờ đón những bộ phim được quảng cáo là "bom tấn" với mức đầu tư "khủng" và đội ngũ từ nhà sản xuất, đến diễn viên cũng đều rất..." khủng".
Sau những "Đêm Hội Long Trì" - phim cổ trang Việt đã làm được những gì?
Nói đâu xa, chỉ trong một dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cách đây chưa lâu, có trên dưới chục bộ phim đã được lên kế hoạch, thực hiện trước đó cả mấy năm để hướng tới đề dịp lễ lịch sử này. Có thể liệt kê (chưa đầy đủ) ở đây những bộ phim được sản xuất để hướng tới sự kiện trọng đại này là: “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”, “Khát vọng Thăng Long”, “Huyền Sử thiên đô”, “Long thành cầm giả ca”, “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Tây Sơn Hào Kiệt”, "Chiếu dời đô", "Thái tử Lý Công Uẩn"... Đây đều là những dự án phim lịch sử được đưa ra thực hiện trong thời gian kể trên với nhiều thông báo rộng rãi đến công chúng trong thời gian dài trước Đại lễ.
Nhà nước đầu tư vốn có, tư nhân tự bỏ tiền làm phim có, nhìn qua thì có thể đáng mặt tự hào rằng, dòng phim cổ trang lịch sử ở Việt Nam đang đua nhau nở như hoa. Khán giả thì không khỏi khấp khởi chờ đợi những bộ phim với đặc trưng về trang phục, nội dung về lịch sử lâu nay vẫn chỉ được xem thông qua kênh... "đi xem ké" từ lịch sử, từ điện ảnh các nước bạn.
Nhưng hoa nở... lạc mùa
Lấy lại ví dụ vào dịp Đại lễ (mà chắc cũng chỉ có dịp này từ trước tới nay dòng phim cổ trang mới xuất hiện ồ ạt như thế), khán giả đã khấp khởi đến đâu thì lại thất vọng đến đấy vì những bộ phim vẫn được quảng cáo rầm rộ bấy lâu bỗng nhiên bật chẳng thành tiếng, nếu có thành tiếng thì cũng chỉ là những tiếng lùm xùm quanh những rối ren của việc sản xuất.
Các diễn viên trong "Thái sư Trần Thủ Độ" - một bộ phim hướng tới Đại lễ
"Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long" dính nghi vấn phim Trung Quốc nói tiếng Việt; "Thái sư Trần Thủ Độ" vướng mắc chuyện một cô á hậu bỏ vai, sau đó lại là việc khai thác chính lăng Minh Mạng (nơi thờ vua triều Nguyễn) thành trường quay; còn "Chiếu dời đô" thì long đong chuyển tay từ nhà sản xuất này qua nhà sản xuất khác... Từng đấy chuyện đã đủ khán giả phải mệt đầu với dòng phim mừng Đại lễ.
Và không như cảnh tưng bừng đua nhau nở hoa ban đầu, những bộ phim cổ trang lịch sử này đành lỗi hẹn nở không đúng mùa Đại lễ.
Cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, không phải tất cả những bộ phim cổ trang thời gian này của điện ảnh Việt Nam đều có chung tình trạng như trên. Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều bộ phim được đánh giá khá tốt đối với dòng phim cổ trang Việt Nam.