PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Lương Mạnh Hải: 'Tôi và Vũ Ngọc Đãng cãi nhau như chó mèo'

Thứ năm, 12/01/2012 10:58

"Có ý kiến gì tôi cứ nói, hai đứa như chó với mèo mà. Diễn viên cứng đầu mà đạo diễn cũng có cái cực đoan của họ", ngôi sao "Hotboy nổi loạn" chia sẻ.

Xin được đóng vai Lam trong khi Vũ Ngọc Đãng đã “đo ni đóng giày” vai Khôi cho Hải với lý do hết sức chân thực: “Tôi đã không còn đủ ngây thơ để vào vai Khôi. Tất cả những cảm xúc của nhân vật đó tôi đã từng trải qua rồi”. Không chỉ vậy, Hải còn tham gia viết kịch bản và tranh cãi quyết liệt với Vũ Ngọc Đãng cho cái kết của bộ phim này. Với Hải, đây là bộ phim quan trọng trong sự nghiệp điện ảnh của anh: “Tôi đã đặt cược tất cả cho ván bài này rồi và tôi muốn thắng. Vai đã thuộc về tôi thì tôi sống chết cho nó”...

Vẫn áo thun, quần jeans và đôi giày màu nổi, Lương Mạnh Hải ngồi với tư thế khá thoải mái để trò chuyện về bộ phim “hot” nhất năm qua của điện ảnh Việt.

“Chiêu” của anh Đãng không còn hiệu quả với tôi

- Nghe nói kịch bản bộ phim có sự tham gia của anh?

- Anh Đãng thường có ý gì đều bàn với tôi và sau đó tôi là người đánh máy lại để mọi người đọc và góp ý. Với Hot boy nổi loạn… thì trong quá trình viết, anh Đãng bị tắc vài chỗ, câu chuyện nó cứ đi ngang mà không có tiến triển. Lam cứ đi khách, đi khách, yêu rồi yêu, Lam và Khôi yêu nhau… Mới đầu mà đọc kịch bản như vậy, dù chưa hoàn chỉnh, tôi thấy sợ lắm vì mình phải đóng cảnh sex nhiều quá (cười).

Tôi thấy nếu chỉ miêu tả công việc đi khách thôi thì không cần phải nhiều đến như vậy. Thế là tôi trao đổi rất nhiều với anh Đãng để thêm thắt, cắt xét chuyện này chuyện kia, thêm vài ngã rẽ mới cho nhân vật và anh Đãng mới nói: “Ừ thế thì viết đi”.  

- Nói riêng về chuyện viết kịch bản thôi nhé, anh và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng có vấn đề gì phải tranh cãi gay gắt không?

 - Hoàn toàn không gay gắt đến độ cãi nhau nảy lửa. Chúng tôi chỉ tranh luận để cho nhân vật Lam chết hay không mà thôi. Khi viết, anh Đãng đã có sẵn cái sườn, có đường đi tổng quát chỉ phân vân là để nhân vật Lam chết hay không chết. Lúc ấy nhà sản xuất muốn có một “happy ending” cho cả hai câu chuyện, không thì cũng phải là cái gì đó nhẹ nhàng một chút để còn bán vé. Đứng ở khía cạnh diễn viên, tôi lại nghĩ nếu muốn đây là bộ phim để cả ê kíp thay đổi thì nên có một màu sắc khác đi, khốc liệt hẳn luôn. Nhân vật Lam chết thì bộ phim có khuynh hướng phim nghệ thuật, nếu để sống và “happy ending” thì vẫn nghiêng về dòng phim giải trí đơn thuần. Giữa hai sự lựa chọn này thì anh Đãng luôn ở thế 50-50 và anh Đãng quyết định không cần nghĩ tới cái kết vội vì đã có đường đi ắt có đích đến, nhân vật đi tới đâu thì mình đi tới đó, chuyện “chết hay không chết” cũng chỉ vài dòng là giải quyết xong. Thế là mỗi khi gọi điện hỏi thăm về kịch bản là tôi cứ nói: “Để Lam chết đi anh, chết sẽ hay hơn nhiều”, coi như cứ cố gắng “tiêm” vào đầu đạo diễn để đạt được mục đích.

Giờ tôi mới bật mí là cái kết ban đầu, tuy có hậu cũng rất bất ngờ: Sau khi giết tú bà và ma cô, cô gái điếm rủ Cười chạy trốn lúc mờ sáng thì phát hiện ra cái xác của Lam. Họ hoảng sợ vô cùng nhưng khi thấy Lam còn thoi thóp, họ quyết định cứu Lam. Đó là điểm duy nhất ở cuối phim, các nhân vật va chạm nhau.

- Ngoài phân cảnh cuối có khúc mắc thôi thì không biết trong cả quá trình hoàn thiện kịch bản anh và anh Đãng có gặp khó khăn gì không?

- Hoàn thành kịch bản này rất vất vả vì phải viết đi viết lại nhiều. Đó là vì thứ nhất nó rơi vào chủ đề cả mại dâm và đồng tính. Kịch bản đưa đi duyệt là đã sợ rồi, những người có chuyên môn thẩm định cũng ngại hai vấn đề cấm kị như thế này lại đi cùng một lúc. Ngay cả những người không phải trong giới làm phim, mặc dù họ cũng khen là hay nhưng mà khốc liệt quá và đều muốn có một cái kịch bản ấm áp hơn.  Thế là bắt buộc phải xem xét lại và nhận thấy đúng là kịch bản trần trụi và đời sống nhân vật trụy lạc quá. Nhà sản xuất muốn khán giả coi xong không thấy mại dâm, không thấy đồng tính chỉ thấy tình yêu nên mình cũng phải cân đối giữa cái nhà sản xuất muốn và cái mình muốn cộng thêm với thị hiếu khán giả nữa. Do đó kịch bản cần phải sửa lại, làm cho nó ấm áp hơn. Điều này không đơn thuần là bỏ bớt đi cảnh sex mà còn phải thay mấu nối này thành những mấu nối khác.

- Vậy còn vai diễn của anh trong đó, có phải anh tham gia viết kịch bản rồi tự chọn nhân vật luôn không?

- Không phải đến khi sửa tôi mới chọn nhân vật. Ngay lúc mới đọc kịch bản được hơn 10 trang là tôi đã biết tôi phù hợp với vai nào. Ban đầu xuất hiện là chỉ có Khôi và Đông, sau đó đi vào trong nhà mới thấy Lam đang nằm. Đến đây thì tôi nói ngay với anh Đãng là tôi muốn đóng vai Lam. Anh Đãng hỏi lại: “Ủa tưởng em thích vai Khôi chứ, vai hay mà!” nhưng tôi nói rằng tôi không còn đủ ngây thơ để vào vai đó. Tất cả các cảm xúc của vai đó là tôi đã từng trải qua rồi. Lúc đó kịch bản chỉ mới có việc Khôi bỏ nhà đi, từ quê lên, lại bị lừa, ấm ức rồi khóc. Trong khi đó vai Lam cũng chưa có gì đặc biệt, cũng mới chỉ một vài câu thoại. Tôi nghĩ muốn thay đổi thì phải chơi đến cùng và tôi bắt đầu nghĩ nhiều hơn cho vai Lam, hồi hộp chờ đợi sự thay đổi của chính mình. Vì  diễn dở thì chắc chắn là thua, còn hay thì ai cũng cho đó là hiển nhiên, nhưng ngặt một cái, cái hay đó được đón nhận không lại là chuyện khác. Những vai “người tốt việc tốt” dễ được mọi người cảm thông hơn.

- Trong khi đó đây là kịch bản mà lần đầu tiên các nhân vật đều tội lỗi và khiếm khuyết cả. Và rồi vai diễn đó có gây áp lực cho anh?

- Thú thật, vai này đối với tôi rất là áp lực. Nó là cái gì đó vô hình mà khó diễn tả bằng lời, có thể nó không nặng với người khác nhưng với tôi rất nặng. Đầu tiên là sợ mình bị tự tin quá và mình không còn sợ đạo diễn. Vì tôi và đạo diễn rất thân nhau, mình quá hiểu tính đạo diễn nên mình không có cảm giác hồi hộp nữa. Tôi rất sợ mình nói một câu thoại nặng nề mà trong lòng thấy nhẹ tênh vì khi ấy mình như một thợ diễn, mình bị dở mà không biết, lúc đó là mình chết. Cái sợ thứ hai là trong phim hai bạn diễn của tôi: Linh Sơn và Hồ Vĩnh Khoa hoàn toàn mới. Trong nghệ thuật cái mới cũng là cái hay, người mới làm gì cũng hay, họ làm dở chút xíu cũng được chấp nhận. Trong khi đó mình làm hay thì họ nói nghiễm nhiên mình phải hay còn dở thì họ sẽ chê thậm tệ, rồi đạo diễn cũng sẽ bị vạ lây vì quá ưu ái mình.

Anh Đãng hay nói diễn viên cũ thường đóng phim sau dở hơn phim trước vì quá tự tin và muốn chặt chém người mới. Chính vì vậy mà trong phim này anh Đãng đã dùng một chiêu rất hay là ngay sau khi chọn Hồ Vĩnh Khoa thì luôn luôn đôn Khoa lên, luôn khen Khoa xuất sắc, thậm chí quay ở góc nào cũng đẹp. Anh Đãng chơi “đòn dương đông kích tây” để tôi lúc nào cũng phải cố gắng, nhưng với tôi chiêu này không hiệu quả với tôi lắm vì tôi biết tôi có gì và khi đó phim chưa quay tôi thực sự không biết Khoa thế nào. Bản thân tôi cũng là người quyết liệt, nếu anh Đãng không nói như vậy thì tôi cũng phải cố gắng. Tôi đã đặt cược tất cả cho ván bài này rồi và tôi muốn thắng. Vai đã thuộc về tôi thì tôi sống chết cho nó.  

Vũ Ngọc Đãng và Lương Mạnh Hải như chó với mèo

- Trong quá trình làm việc chung với nhau, có khi nào anh Đãng bác bỏ hoàn toàn ý kiến của anh?

- Rất nhiều lần anh Đãng bác bỏ ý kiến của tôi không chỉ riêng bộ phim Hot boy nổi loạn… Những ai chơi thân với tôi và anh Đãng đều biết hai đứa tôi cãi nhau như chó với mèo. Nhưng chính vì cãi nhau như vậy mới làm việc với nhau lâu, mới có chuyện để nói. Tôi biết tính anh Đãng rồi nên kệ, ông ấy bác đấy mà mình cứ nói vì lúc sau đó nghĩ lại anh ấy cũng sẽ tiếp nhận ý kiến theo một cách nào đó và ngược lại tôi cũng hay như vậy. Giống như bây giờ một phóng viên đưa câu hỏi mà tôi không thích câu hỏi này tôi nói bạn đặt câu khác, nhưng khi trả lời tôi cũng nói một chút gì liên quan đến câu bạn muốn hỏi trước đó. Do đó có ý kiến gì tôi cứ nói, hai đứa như chó với mèo mà. Diễn viên cứng đầu mà đạo diễn cũng có cái cực đoan của họ.

Nhưng đều là những người đã làm việc với nhau lâu rồi, hiểu phong cách của nhau, hiểu tính cách của nhau và hiểu mục đích bộ phim muốn hướng tới nên cuối cùng cũng tìm được tiếng nói chung.

- Vậy là mặc dù chơi thân nhưng tính cách hai người có vẻ không hợp cho mấy nhỉ?

- Tôi khác với anh Đãng. Anh Đãng nhìn cái gì cũng thấy tốt còn tôi cái gì cũng thấy xấu. Chưa kể về sở thích cá nhân thì cũng là hai thái cực khác nhau, ví dụ tôi rất thích ăn uống và du lịch còn anh Đãng hoàn toàn không, có thể do chứng say xe kinh niên. Sang Bangkok làm hậu kỳ, tôi phải đi thuê xe ôm chở anh Đãng tới công ty trước rồi sau đó mới cùng đoàn đi taxi. Bạn bè cũng ngạc nhiên vì không hiểu tại sao chúng tôi lại chơi thân được với nhau như thế.Nhưng với tôi một người bạn thân là người luôn chia sẻ thẳng thắn với mình mọi vấn đề, hiểu được suy nghĩ của mình và nói cho mình nghe những khuyết điểm của mình để mình tốt hơn.

.- Anh thấy ở Vũ Ngọc Đãng có điều gì tốt và chưa tốt?

- Anh Đãng có một tính mà tôi nghĩ là tốt và cả không tốt. Anh Đãng rất yêu quý và tôn trọng diễn viên. Anh luôn động viên và làm diễn viên thấy tự tin. Anh nói: “Đóng phim không có gì khó hết, bản thân anh chỉ cần em diễn thật thôi”. Anh Đãng luôn casting người đúng vai, người hợp vai nên diễn viên nào vào vai cũng thấy dễ. Nhưng khi thành công thì mọi người đều nghĩ đó là thành công của mình. Anh Đãng là người phát hiện ra rất nhiều diễn viên mới, ngay cả tôi cũng vậy. Suy từ bản thân mình mà ra thôi, nếu mình không có sự động viên ấy thì mình không bao giờ đến với nghề này và không bao giờ hoàn thành được vai diễn. Do vậy mà có nhiều diễn viên ảo tưởng, họ nghĩ là mình giỏi, họ nghĩ các vai sau của họ không tốt hơn thì cũng tốt bằng vai đã đóng trong phim anh Đãng. Do đó khi ra các dự án khác, các đoàn làm phim khác thì họ thất bại. Ngay cả các đạo diễn khác cũng nhìn diễn viên trong phim anh Đãng mà chọn, nhưng khi họ giao không đúng vai thì diễn viên vẫn dở như bình thường.

- Xin lỗi vì phải ngắt lời anh, thế nhưng tôi nghĩ có lẽ vì yêu mến diễn viên, gần gũi với diễn viên mà anh Đãng có thể chèo lái được cả con thuyền mà mỗi người mỗi tính như trong “Hot boy nổi loạn…”?

- Anh Đãng chiều diễn viên, luôn đáp ứng mọi yêu cầu trong phạm vi cho phép nên họ nghĩ đoàn nào cũng vậy. Anh Đãng không bao giờ bắt diễn viên phải đóng như thế này, diễn như thế kia. Nhưng thực ra đạo diễn là người cầm dây cương, họ cứ cho mình đi, nhưng mình mà đi quá họ phải kìm mình xuống, còn chưa tới họ kêu mình nâng đô lên nhưng khi diễn viên diễn thì không thấy bàn tay đạo diễn đâu. Ở Việt Nam đạo diễn đâu phải chỉ chỉ đạo diễn xuất, mà còn tham gia tất cả mọi khâu. Đạo diễn giống như bà mẹ trẻ phải chăm lo đủ thứ nên dễ nổi nóng, chính vì thế mà không có thần kinh thép thì cũng không chịu được vì có ai muốn bị “muối mặt” trước đám đông đâu. Ai làm việc với anh Đãng lúc đầu cũng cảm thấy “giật mình”(cười). Ngay cả tôi cũng choáng chứ, hồi xưa làm báo rất là chủ động mà bây giờ mình làm diễn viên thì rất thụ động.

Nhưng anh Đãng ngày càng trở nên bình tĩnh và bớt nóng nảy đi nhiều so với 5 năm trước. Tôi cũng hay chia sẻ với các bạn diễn viên mới rằng khi đạo diễn nghiêm khắc mà diễn viên lại tự ái quá cao thì cũng khó mà làm việc với nhau, tốt nhất là dẹp tự ái qua một bên. Trong đoàn phim thì đạo diễn là vua, không có cái tôi nào được phép cao hơn, nên sẽ rất dễ hiểu: Nếu cái tôi nào lớn hơn của đạo diễn thì người đó sẽ không nằm trong ê-kíp.

- Anh có gặp khó khăn gì với hai bạn diễn mới?

- Cả Linh Sơn và Hồ Vĩnh Khoa đều là những người mới nên anh Đãng có dặn tôi là không được phô trương quá, đừng gồng lên chứng tỏ gì hết. Tôi nghĩ đã diễn với nhau thì phải cùng nâng nhau lên, nếu tôi phô trương thì tôi dở, nhưng nếu hai người kia dở thì sao, thì tôi cũng “chết” theo. Diễn xuất không thể một mình mình hay được, đây cũng chính là vấn đề tôi lo lắng. Thế là anh Đãng liên tục thu xếp nhiều buổi để nghe tôi và Khoa tập thoại với nhau, lần đầu tiên tôi phải đi tập thoại đấy. Sau đó là đi chụp hình, đi ăn, đi café… anh Đãng muốn cho Khoa cảm giác bạn diễn là người thân quen. Khoa quá hiền lành chứ không phải nhút nhát vì nhút nhát đã không dám đóng cái phim này. Anh Đãng cũng lo vì casting chỉ trong cái khoảnh khắc đấy thôi còn phim là cả đường dài. Cũng phải nói đây là một khởi đầu thuận lợi đã cho Khoa cái bàn đạp rất là tốt. Đây là sự may mắn không phải ai cũng có được. Tuy nhiên nếu phim đầu tiên hay quá mà phim sau không bằng thì cũng là cái khó cho Khoa. Thêm một chuyện vui nữa là Khoa quá ít nói, có khi cả ngày không nói được câu nào hết. Có một lần ngồi chờ quay, chai nước trên bàn đổ, Khoa bỗng nói: “Chai nước đổ”. Thế là tôi hét lên: “Ôi, Hồ Vĩnh Khoa nói kìa”.(Cười to).

Còn với Linh Sơn thì phải làm việc vất vả hơn một chút xíu. Ngay từ việc chọn vai thì mới tìm ra Linh Sơn vài ngày trước khi quay. Thực ra đã nhắm trước rồi nhưng cậu ấy lại ở Hà Nội nên phải mãi sau này không tìm được ai thay thế nên mới nói nhà sản xuất mua vé cho cậu ấy bay vào casting.  Mấy ngày đầu cách nhấn nhá thoại của Linh Sơn hơi kịch quá vì dù sao Sơn cũng là dân sân khấu nên đạo diễn không ưng lắm. Và tôi tìm đủ mọi cách để tập thoại với Linh Sơn. Tôi dùng iPad thu cho Sơn nghe lại và chỉ ra cho Sơn thấy cái cần sửa. Tôi làm vậy cũng một phần vì nếu cậu ấy hay thì không nói rồi còn dở thì mình cũng bị kéo xuống.

Sau buổi ra mắt phim, ca sĩ Hồng Nhung nói với anh Đãng là: “Đãng ơi, Đãng casting hay quá vì vai diễn trong phim không ai có thể thay thế được”. Như vậy chứng tỏ anh Đãng là một đạo diễn chọn diễn viên rất kỹ chứ không phải đến gần ngày quay không có ai thì chọn đại. Ngay cả khi anh Đãng đã chọn Hồ Vĩnh Khoa thì vẫn nói với tôi: “Em thấy cậu này có đóng chung được không? Lên mạng coi hình và thông tin đi”. Thực ra làm nghề này mình sẽ phải đóng phim với cả người mình không thích nhưng khi đạo diễn hỏi ý kiến mình như vậy thì mình cũng thấy yên tâm. Anh Đãng tôn trọng diễn viên bởi vì đây là một bộ phim tình cảm với nhiều cảnh quay nhạy cảm, hơn nữa nhân vật của tôi lại là người giữ nhịp trong phim nên nếu không có cảm tình với bạn diễn thì cực kỳ khó đóng. Phải nói rằng tôi rất cảm động vì anh Đãng quá hiểu tâm lý của diễn viên.

Đẹp
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới