PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Lý Thành Nho kiên quyết khẳng định 'Chân Hoàn Truyện' xuyên tạc lịch sử rốt cuộc có biên kịch đã bẻ cong bao nhiêu sự thật lịch sử?

Thứ sáu, 27/11/2020 06:35

Trong phần quyết đấu của chương trình "Tôi là diễn viên", đạo diễn nổi tiếng Lý Thành Nho đã gay gắt chỉ trích phim cổ trang Trung Quốc đang xuyên tạc lịch sử nhằm mục đích thương mại hóa. Tiêu biểu là "Chân Hoàn Truyện".

Trong phần quyết đấu của chương trình truyền hình "Tôi là diễn viên" đã có sự xuất hiện của rất nhiều diễn viên gạo cội như Lưu Hiểu Khánh, Trương Thiết Lâm,... tham gia ghi hình. Tuy nhiên, điều khiến truyền thông quan tâm nhất chính là lời nhận xét của thầy Lý Thành Nho. Ông là một đạo diễn nổi tiếng của làng giải trí xứ Trung, đồng thời cũng là một diễn viên kỳ cựu trong giới. Đối với các màn trình diễn của các diễn viên trong các tiết mục, các giám khảo khác đều khen ngợi, tung hô hết lời, duy chỉ có Lý Thành Nho đã thẳng thắn nói ra ý kiến cá nhân của mình với những diễn viên gạo cội tham gia chương trình.

Lý Thành Nho thẳng thẳn nói ra ý kiến cá nhân với các tiết mục do những diễn viên gạo cội trình diễn tại chương trình.

Trong tập này, nữ diễn viên Lưu Hiểu Khánh biểu diễn phân đoạn "buông rèm nhiếp chính". Trong khi mọi người đều khen diễn tốt, thì đến lượt Lý Thanh Nho ông đã thẳng thắn đưa ra nhận định: "Có một lỗi sai rất rõ ràng có thể nhận ra, Đổng Nguyên Thuần là quan Ngự Sử ở Sơn Đông, còn câu chuyện của Từ Hi Thái Hậu xảy ra tại tỉnh Nhiệt Hà lúc bấy giờ. Trong nháy mắt mà lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, việc này trong lịch sử hoàn toàn không hề ăn khớp". Lưu Hiểu Khánh cho biết bà cũng đã phát hiện ra vấn đề này rồi.

Lý Thành Nho cho rằng tiết mục đem "râu ông nọ cắm cằm bà kia" không khớp với các sự kiện có thật trong lịch sử.

Lý Thành Nho nói rằng: "Chính là phải nói cho các biên kịch sau này của chúng ta, về sau nếu tiếp tục viết kịch bản phim nhất định phải bám sát vào lịch sử. Đặc biệt là phim cổ trang". Tiếp đó, Lý Thành Nho bắt đầu đem bộ phim "Chân Hoàn Truyện" bắt đầu phê phán: "Những vị Vương Gia liền có thể đi lại tùy tiện, thoải mái ngồi chèo thuyền trong ngự hoa viên ở Cố Cung cùng với các phi tử. Đây hoàn toàn là ăn nói vớ vẩn! Ai mà muốn vào cung đều phải đệ tấu sớ để xin được vào cho dù có là Vương Gia đi chăng nữa. Không phải cứ là vương gia thì có thể sống ở trong hoàng cung được. Các người cho rằng đó là nơi hỗn tạp ai lui tới cũng được hay sao?". Lý Thành Nho mong rằng việc này cần được ngăn chặn vì nó có thể khiến cho thế hệ sau có suy nghĩ lệch lạc về lịch sử.

Ông chỉ rõ rằng biên kịch "Chân Hoàn Truyện" đã có rất nhiều tình tiết xuyên tạc lịch sử cơ bản.

Lời phê bình của Lý Thành Nho quả thực vô cùng chuẩn xác. Những phim cổ trang ngày nay đa số đều là sản phẩm thương mại hóa, biên kịch không màng đến lịch sử, vì tình tiết phim mà bóp méo lịch sử. Lý Thành Nho gay gắt phê bình bộ phim cổ trang nổi tiếng "Chân Hoàn Truyện" xuyên tạc lịch sử. Vậy rốt cuộc biên kịch phim đã bẻ cong bao nhiêu sự thật lịch sử trong cốt truyện? Hãy cùng xem qua một chút!

"Chân Hoàn Truyện" nói về một thiếu nữ tên Chân Hoàn từ một cô gái trong sáng, đơn thuần, không màng thế sự trở thành một người phụ nữ giỏi toan tính, mưu quyền đoạt lợi chốn cung cấm. Từ khi bắt đầu câu chuyện, Chân Hoàn vào cung thông qua con đường tuyển tú, điểm này so với lịch sử đã không hề khớp. Việc tuyển tú vào thời nhà Thanh từ thời Thuận Trị đã định rõ các chế độ và quy định khắt khe: chỉ tuyển những người con gái tuổi từ 14 - 16 thuộc tộc người Mãn, Mông, gia tộc Hán quân, quan chức Bát Kỳ, gia đình tướng sĩ, gia đình quyền quý. Nhất định phải tham gia tuyển tú 3 năm một lần, những người con gái từ 17 tuổi trở lên thì không còn được tham gia nữa.

Tình tiết cô gái bần hàn Chân Hoàn qua tuyển tú dần trở thành cao thủ cung đấu đã hoàn toàn trái với lịch sử.

Trong "Chân Hoàn Truyện", Chân Hoàn do Tôn Lệ đóng là một cô gái xuất thân gia cảnh nghèo khó, được Hoàng Thượng nhìn trúng trong khi tham gia tuyển tú. Đây chính là lỗ hổng lớn trong kịch bản phim bởi xuất thân trong gia đình nghèo khó thì rất khó có thể tham gia vào tuyển tú trong cung. Đầu tiên là chế độ thẩm tra tuyển tú vốn đã rất nghiêm ngặt, cực kỳ khắt khe. Những cô gái đã quá tuổi hoặc xuất thân nghèo khó, bần hàn muốn tham gia tuyển tú thật sự là chuyện còn khó hơn lên trời.
Trong "Chân Hoàn Truyện" còn có một điểm mà biên kịch đã xuyên tạc đi để tăng độ hấp dẫn cho tình tiết phim. Đó chính là phân đoạn Chân Hoàn trong phim xuất gia làm ni cô. Phân đoạn này là hoàn toàn phỏng theo Võ Tắc Thiên. Sau khi Đường Thái Tông Lý Thế Dân chết, Võ Tắc Thiên đã xuất gia làm ni cô. Thế nhưng Đường Cao Tông đối với Võ Tắc Thiên tình cảm quá sâu nặng đã quyết định đem bà đưa trở về cung. Trong "Chân Hoàn Truyện", tình tiết Chân Hoàn xuất gia hoàn toàn đã "đạo" chi tiết lịch sử có thật của Võ Tắc Thiên. Võ Tắc Thiên xuất gia vốn dĩ là sự thật trong lịch sử còn Chân Hoàn xuất gia lại chỉ là vì biên kịch muốn tăng độ hấp dẫn cho tình tiết phim mà thôi.

Tình tiết xuất gia làm ni cô của Chân Hoàn được cho "đạo" Võ Tắc Thiên.

Trong "Chân Hoàn Truyện", phi tử trong hậu cung tự mình nuôi dưỡng con cái, điều này cũng không hề khớp với lịch sử. Theo quy định của triều đại nhà Thanh, phi tần không được quyền nuôi dưỡng con mình, con cái trong hậu cung thường đều do Hoàng Hậu nuôi dưỡng, chỉ có khi Hoàng Hậu sức khỏe không tốt thì Hoàng Đế mới hạ chỉ định đoạt cho một phi tần nào đó nuôi nấng các công chúa, hoàng tử trong cung. Vậy nên trong "Chân Hoàn Truyện", phi tần trong hậu cung tự mình nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái của mình hoàn toàn là chi tiết trái với lịch sử, sai sự thật.

Ngoài ra, "Chân Hoàn Truyện" còn có rất nhiều tình tiết hoàn toàn không khớp với lịch sử. Ví dụ như tình tiết giữa Chân Hoàn và Ôn Thái y, chuyện mập mờ không rõ giữa Chân Hoàn và Vương Gia là hoàn toàn không thể xảy ra trong lịch sử. Vẫn là Lý Thành Nho nhận định không hề sai, các biên kịch sau này khi viết kịch bản cổ trang, nhất định phải bám sát lịch sử, đừng vì muốn thế hệ sau mê mẩn mà xuyên tạc lịch sử. Rất nhiều người chính là vì muốn hiểu rõ lịch sử đều là thông qua phim truyền hình, vì vậy mà sẽ rất dễ khiến cho người xem có suy nghĩ lệch lạc về lịch sử, dần dần làm mất đi giá trị của nó.

Tác phẩm nổi tiếng như "Chân Hoàn Truyện" vốn dĩ tồn tại rất nhiều tình tiết xuyên tạc lịch sử, không hề có thật nhằm tạo nên sự hấp dẫn cho câu chuyện. Tuy nhiên, nó có thể làm cho người xem hiểu nhầm về chính sử.

Những lời mà Lý Thành Nho nói vô cùng có đạo lý dù cực kỳ thẳng thắn nhưng chắc chắn có sức thuyết phục và cảnh tỉnh. Ông đã thẳng thắn nói ra những điều mà người khác không dám nói về một bộ phim nổi đình đám. Điều ông mong muốn chỉ là biên kịch cần phải tôn trọng sự thật lịch sử, không nên vì để tình tiết hấp dẫn mà thêm thắt xuyên tạc chính sử khiến thế hệ sau hiểu nhầm về lịch sử. Người dám nói lên sự thật như ông chắc chắn sẽ đắc tội không ít người nhưng đều có tính xây dựng cả và suy cho cùng đa số mọi người đều thích người thẳng thắn, dám nói sự thật.

Vũ Phong (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới