PHIM NHẠC » Toàn cảnh

'Mách nước' cho điện ảnh Việt Nam

Thứ ba, 10/01/2012 09:45

Hôm qua (9/1), tại Hà Nội đã diễn ra cuộc hội thảo với chủ đề Cộng đồng điện ảnh Asean - Hàn Quốc: một châu Á trong điện ảnh do Cục Điện ảnh phối hợp với AFCnet (Mạng lưới điện ảnh châu Á) và Ủy ban Điện ảnh Busan phối hợp tổ chức.

Tại cuộc hội thảo này, các chuyên gia đến từ AFCNet đã tập trung “mách nước” cho điện ảnh Việt Nam.

Tham gia hội thảo gồm các chuyên gia nổi tiếng như: đạo diễn Lee Joonik (đạo diễn phim Vua và chàng hề, được Hàn Quốc cử đi dự giải Oscar lần thứ 79), giám đốc LHP quốc tế Busan Kim Jiseok, giám đốc điều hành Ủy ban Điện ảnh Campuchia Cedric Eloy... Đây là dịp để các nhà quản lý, các nhà làm phim Việt lắng nghe ý kiến cũng như tìm hiểu vai trò của AFCnet  trong việc phát triển điện ảnh và quảng bá du lịch. Quảng bá du lịch bằng điện ảnh Hiện nay AFCnet gồm nhiều nước thành viên ở khu vực châu Á, trong đó hoạt động khá mạnh mẽ tại Hàn Quốc. Tại cuộc hội thảo này, các ý kiến đều tập trung thảo luận về mạng lưới điện ảnh châu Á và vai trò của các ủy ban điện ảnh trong việc phát triển ngành công nghiệp điện ảnh và quảng bá du lịch. Các chuyên gia đến từ AFCNet đã  trình bày về vai trò của ủy ban điện ảnh trong sản xuất phim, sự đóng góp của ủy ban này với nền kinh tế cũng như nghiên cứu thực tiễn của Hollywood và các nước khác. Tiến sĩ Keum Sungkeun (Nghiên cứu viên cao cấp Viện nghiên cứu phát triển Busa, Uỷ viên điều hành Hiệp hội Điện ảnh Busan) cho biết từ nhiều năm nay, Hàn Quốc đã hình thành Ủy ban điện ảnh do các tổ chức cá nhân đứng ra thành lập với một kế hoạch hoạt động khá bài bản và chuyên nghiệp. Ủy ban này không chỉ có vai trò sản xuất phim mà còn có nhiệm vụ quảng bá về văn hóa cũng như du lịch của Hàn Quốc trên các phim, tạo công ăn việc làm  cho người dân. Ủy ban này cũng giống như tổ hợp trường quay Cổ Loa của Việt Nam.

Cảnh trong phim Lords of the ring.

Cũng theo vị tiến sĩ này, riêng năm 2006, Hàn Quốc có 108 phim truyện, hơn 300 bộ phim ngắn, 43 bộ phim dài tập trên truyền hình được quay tại Busan. Cũng trong năm này, 10 triệu lượt khách đã tới Busan. Không những thế, số lợi nhuận thu trong một năm từ các đơn vị sản xuất tới quay phim tại Busan lên tới 35 tỷ won. “Nhiều ngôi làng, hòn đảo hẻo lánh, chưa được nhiều người biết tới bỗng trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, phát triển ngay sau khi trở thành bối cảnh cho một bộ phim giành được tiếng vang” ông Keum Sungkeun nhấn mạnh. Ông Micheal Lake (Tổng giám đốc điều hành Pinewood Islankar Malaysia Studios) cũng cho biết sau khi phần phim Lords of the ring quay tại New Zealand ra mắt, chỉ tính riêng lượng khách du lịch từ Anh tới đây đã tăng vọt tới 10%. Học tập kinh nghiệm này, các nước như Thái Lan và Campuchia đã tăng ngồn thu đáng kể cho du lịch.

Việt Nam chưa biết tận dụng Ở Việt Nam cũng có trường quay, đó là Cổ Loa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trường quay này hiện nay chưa làm được “thiên chức” tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây hay phát triển du lịch thông qua điện ảnh. Trường quay Cổ Loa chỉ có mỗi nhiệm vụ là nơi để các đoàn làm phim đến thuê quay phim, kết thúc mỗi phim là hết. Theo TS Ngô Phương Lan - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Điện ảnh, điện ảnh Việt Nam hiện nay đi theo hai mô hình nhà nước và tư nhân. Trong đó, điện ảnh Nhà nước vẫn theo kiểu rập khuôn còn chủ yếu là sự phát triển của điện ảnh tư nhân. Tuy nhiên, nói là mạnh nhưng thực tế vẫn chưa có sự chuyên nghiệp. Ông Nguyễn Duy Anh (Trưởng phòng Hợp tác quốc tế- Cục Điện ảnh) cho biết Việt Nam đã có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà làm phim quốc tế. Do đó, năm 2011 có 22 dự án làm phim (phim truyện và phim ngắn) của các nhà làm phim nước ngoài thực hiện cảnh quay tại Việt Nam (trong số đó, nổi lên là các nhà làm phim Việt kiều). Mặc dù số lượng dự án đã tăng lên nhưng vẫn còn quá nhỏ so với “tài nguyên” tại Việt Nam.

Trường quay Cổ Loa chỉ là nơi quay phim, chưa được khai thác thành địa điểm du lịch.  Ảnh: Như Ý

Tuy nhiên, theo ông Micheal Lake, nguyên nhân chính là thủ tục hành chính của Việt Nam vẫn còn khá rườm rà. Không ít các nhà làm phim quốc tế bị hấp dẫn bởi cảnh đẹp thiên nhiên tại Việt Nam nhưng khi muốn tìm hiểu lại không biết tìm những thông tin cần thiết ở đâu. “Tôi biết Việt Nam qua đoạn phim quảng cáo ấn tượng về di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và qua bộ phim Đông Dương với nhiều cảnh quay thực hiện tại đây. Đáng tiếc là Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều nhà làm phim đến với di sản này”, Ông Keum Sungkeun nói. Về vấn để này bản thân các nhà làm phim Việt Nam cũng thừa nhận chưa làm được. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát khẳng định ngay chính các nhà làm phim trong nước cũng chưa biết tận dụng những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp tại đất nước vào trong mỗi bộ phim và cũng chưa có kho thông tin dữ liệu để cập nhật thông tin về các nhà làm phim, hình ảnh các địa danh, di sản… Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã thiết lập từ rất lâu. Hôm nay (10/1), các chuyên gia sẽ đi tham quan và cho ý kiến về trường quay Cổ Loa.

Đất Việt