Nhưng xem phim thì không phải vậy… Có những trường đoạn khiến người xem có cảm giác còn hơn là nhai phải… sạn.
Trong tháng 9 vừa qua Bộ VHTT&DL đã đề nghị các Đài truyền hình cần dành thêm thời lượng phát sóng phim Việt Nam. Một lần nữa, câu chuyện phát sóng phim Việt trên giờ vàng lại trở thành tâm điểm. Lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam cũng thông báo một tin vui, thời lượng phim Việt trên sóng VTV hiện chiếm 50%. Riêng kênh VTV1 gần như chỉ có phim Việt giữ sóng…
"Chỉ có phim Việt giữ sóng”, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là chất lượng phim Việt không tỉ lệ thuận với thời lượng, tần suất phim Việt đang án ngữ giờ vàng. Và phải kiên nhẫn xem hết một trong số những bộ phim truyền hình Việt đã hoặc đang phát sóng, mỗi người sẽ tự lý giải được nguyên nhân tại sao khán giả Việt Nam vẫn chuộng phim giải trí Hàn Quốc, phim dã sử Trung Quốc hoặc phim tâm lý Đài Loan.
Đơn cử như phim dài tập Những công dân tập thể 36 tập (đang phát sóng tên VTV1 vào giờ vàng tối thứ 5 và thứ 6 hàng tuần, bắt đầu từ ngày 22/6). Tựa như tên gọi, nội dung phim đề cập tới những bi hài của cuộc sống tập thể, những câu chuyện có tính chất đời thường, những nhân vật đời thường…Nhưng có lẽ vì không giống như mong đợi, nên không ít khán giả đã phản hồi: cần phải xem lại tính giáo dục của bộ phim này! Đó là việc sử dụng ngôn ngữ, lời thoại giữa bố-con ông nhà văn Ngô và giữa vợ chồng, con cái nhà bà Lạng - ông Cân. Con ông nhà văn Ngô luôn gọi bố là "cụ khốt”.
Còn nữa, những đoạn tranh luận, trò chuyện giữa các thành viên nhà bà Lạng, ông Cân và 2 cô con gái luôn làm người xem phải sững sờ. Ông bố thì gọi vợ và hai con gái là ba "mẹ trẻ”, còn con gái thì ỉ eo món cơm trộn mà bố mình đang ăn "giống như cám lợn”…Và đối thoại giữa bố mẹ con cái cũng luôn là những màn đốp chát…Khán giả cũng đã có những nhận xét rất sắc khi xem bộ phim này: Có thể những người làm phim muốn đem lại cho người xem những câu chuyện đời thường. Nhưng cũng chính vì chiếu giờ vàng, nhiều người xem nên vô hình chung những ngôn ngữ kiểu tầm thường ấy đã phản giáo dục, tác động xấu đến tâm lý thanh thiếu niên.
Đấy chỉ là những hạt sạn được nhặt vội trong một bộ phim. Nhìn rộng ra, phim truyền hình Việt Nam, thậm chí phát giờ vàng mà vẫn lép vế ngay trên sóng hình, cũng bởi những nguyên nhân rất cơ bản. Đạo diễn Lê Hoàng đã từng phân tích, sự kém hấp dẫn chẳng qua chúng ta không chịu đầu tư. Đầu tư ở đây không nên hiểu theo nghĩa hẹp là kinh phí, tiền bạc. Đó là sự đòi hỏi đầu tư về chất xám, tư duy trong tâm thế phim Việt đang phải cạnh tranh trầy trật với phim ngoại.
Trong một lần trò chuyện với một nữ diễn viên lên sóng hình tần suất lớn trong các bộ phim khung giờ vàng gần đây, chúng tôi chỉ sợ mình nghe nhầm khi cô ấy cho hay: "nhiều lúc em cũng không muốn xem lại những bộ phim mình đóng…” Vì sao thế? " Vì thấy mình cũ quá, mở kênh truyền hình nào ra cũng thấy có mặt mình đang ở đó…”. Câu chuyện với một vài diễn viên chuyên đóng phim truyền hình cũng giúp người xem hiểu thêm rằng, vì phải chạy sô nhiều nên diễn viên cũng không có thời gian để "ngấm” kịch bản, để học lời thoại…Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng phim truyền hình làng nhàng, chưa "bứt” hẳn lên.
Có một thời chúng ta lên án phim "mỳ ăn liền”, nhưng thực trạng phim truyền hình giờ đây chẳng khác nào "mỳ ăn liền”… cao cấp. Nói như vậy, không có nghĩa là chê bai tất cả phim truyền hình. So bó đũa, chọn cột cờ, vẫn có những bộ phim xem được và đáng xem. Còn điều này nữa, phim được đánh giá hay và dở còn phụ thuộc vào thị hiếu của khán giả. Nhưng rõ ràng, nhà đài cần phải có sự lựa chọn kỹ càng hơn nữa những bộ phim phát sóng giờ vàng. Nếu cứ tiếp diễn những bộ phim làng nhàng về chất lượng ở khung giờ đẹp, đấy chính là là sự lãng phí sóng giờ vàng rất lớn.