PHIM NHẠC » Toàn cảnh

"Mừng vì Bi, đừng sợ không dự Oscar 2012"

Thứ ba, 20/09/2011 09:28

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc sản xuất Bi, đừng sợ thấy mừng vì phim không tham dự Oscar, bởi chị không muốn làm khó hội đồng như đã làm khó khán giả khi phải xem một bản phim bị cắt đến độ biến dạng, méo mó ý tưởng ban đầu của nó.

Ngày 19/9, Hội đồng xét duyệt phim Việt dự tranh giải Oscar 2012 chính thức bỏ phiếu để lựa chọn phim đại diện. Chỉ có 3 hồ sơ gửi tới Hội đồng là Cánh đồng bất tận (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình), Khát vọng Thăng Long (đạo diễn Lưu Trọng Ninh) và Long thành cầm giả ca (đạo diễn Đào Bá Sơn). Nhiều ý kiến tỏ ý tiếc cho phim Bi đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di không được nhà sản xuất (người Pháp) gửi hồ sơ xét giải.

Nhưng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc sản xuất Bi, đừng sợ lại thấy mừng vì phim không tham dự. Bởi chị không muốn làm khó hội đồng như đã làm khó khán giả khi phải xem một bản phim bị cắt đến độ biến dạng, méo mó ý tưởng ban đầu của nó.

- Từ Oscar 2006, Việt Nam chính thức nhận được thư mời tham dự tranh giải ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”. Từ đó tới nay, lần lượt có Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Áo lụa Hà Đông, Đừng đốt được gửi tham dự giải thưởng danh tiếng này. Chị đánh giá như thế nào về cơ hội của phim Việt Nam tại giải thưởng danh giá nhất hành tinh này?

- Trong suy nghĩ của tôi, đó là một cơ hội trong rất nhiều cơ hội quan trọng để quảng bá cho điện ảnh nước nhà và là một giấc mơ đẹp đối với hầu hết các nhà làm phim.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc sản xuất bộ phim Bi, đừng sợ.

- Tuy vậy, nó có hợp với thực trạng quá non yếu của điện ảnh nước nhà hay không, theo chị?

- Tôi không cho rằng điện ảnh nước nhà đang quá non yếu, tôi nghĩ, nó đang hồi sinh. Và đây chính là lúc rất cần những sự giao lưu, hướng ngoại. Việc đem điện ảnh Việt Nam đến với thế giới là việc luôn cần thiết ở mọi giai đoạn phát triển, còn riêng với giai đoạn này, theo tôi chúng ta giống một đội tuyển trẻ rất cần được thi đấu, cọ xát thường xuyên để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao và góp phần làm đậm hơn dấu ấn về điện ảnh Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới. Oscar không phải là tất cả, cũng không phải là duy nhất nhưng đó là một trong nhiều cơ hội tốt để đội tuyển của chúng ta lớn mạnh hơn. Vậy thì, tại sao không?

-  Theo chị giá trị như thế nào của điện ảnh Việt sẽ là phù hợp với Oscar?

- Cá nhân tôi không phải bao giờ cũng là fan cuồng với các siêu phẩm từng đoạt Oscar. Có phim xem xong thấy mình lơ lửng vì hồn vía còn mải lãng đãng với phim nhưng cũng có phim xem xong thấy rất bình thường.

Nói vậy để thấy cái gọi là tiêu chí thực sự là rất vô cùng. Tất nhiên bất kỳ giải thưởng hay liên hoan phim nào cũng có những tiêu chí riêng nhưng về mặt nghệ thuật thì… Trước Oscar, người ta rùm beng lên về chuyện dự đoán với nhận định. Toàn những dự đoán đến từ giới chuyên môn học thuật đầy uy tín cả đấy chứ, thế mà khi tượng vàng được trao và những cái tên được xướng lên, cảm giác bất ngờ vẫn là chủ đạo.

Một bộ phim được coi là xuất sắc nhất tại liên hoan phim này chưa chắc đã giữ vị trí cao nhất tại liên hoan phim khác. Nhưng ngay cả khi anh không phải là người giữ tượng vàng thì cũng đâu có nghĩa là anh dở. Ngoài Oscar, còn rất nhiều đỉnh núi để những nhà làm phim chinh phục.

Một gương mặt thích hợp để đại diện cho điện ảnh Việt Nam ra ngoài thế giới (chứ không chỉ là đến với Oscar) theo tôi đó là một bộ phim thực sự chất lượng về nghệ thuật (ở mọi mặt) và không thua kém về tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật (ở mọi mặt). Trong giai đoạn mà chúng ta đang cần được nhận diện trên bản đồ điện ảnh thế giới thì sẽ rất phù hợp nếu đó là những phim có câu chuyện và vấn đề, nhân vật và bối cảnh đậm chất Việt Nam. Một Việt Nam tươi mới và sống động chứ không phải một Việt Nam rất cũ và nằm im trong tưởng tượng của các nhà khảo cứu. Ngôn ngữ điện ảnh trong bộ phim đó cũng nên là một thứ ngôn ngữ táo bạo và hiện đại. Và nếu là phim đã từng được công nhận tại các liên hoan phim tiếng tăm thì cũng rất hay… Tôi thấy sự lựa chọn của năm 2009 với Đừng đốt của chú Đặng Nhật Minh là một lựa chọn hợp lí.

Theo NSƯT Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, các thành viên có phần nghiêng về bỏ phiếu cho phim Khát vọng Thăng Long 

- Năm nay ba bộ phim: Cánh đồng bất tận, Khát vọng Thăng LongLong Thành cầm giả ca đang được Hội đồng duyệt phim quốc gia tham dự Oscar lựa chọn để chính thức đề cử một đại diện tranh giải ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar 2012. Chị nghĩ phim nào thích hợp với Oscar?

- Tôi nghĩ nếu chỉ có 3 phim này để lựa chọn thì khá dễ dàng cho việc ra quyết định. Cánh đồng bất tận thôi!

- Bộ phim được nhiều giải thưởng nhất trong năm qua là Bi, đừng sợ!, cũng là bộ phim do chị làm nhà sản xuất, không có tên trong danh sách đề cử phim dự Oscar. Chị thấy đáng tiếc hay đáng mừng vì chuyện này?

- Bi, đừng sợ mà được chọn thì tôi thấy lo. Vì phim do Việt Nam mình chọn và gửi đi thì đương nhiên phải là bản phim do chính phía Việt Nam đã duyệt. Mà bản duyệt đó đã bị cắt tới gần 6 phút…

Nói thế nào cho đỡ bị cảm giác mình đang kêu ca nhỉ? Thật là khó cho hội đồng thẩm định khi phải thưởng thức một tác phẩm không thực sự đầy đủ. Trước đó, cái khó này đã làm rất nhiều khán giả khó chịu với Bi rồi.

Bi, đừng sợ đã bị hội đồng duyệt phim VN cắt tới 6 phút, trong đó bao gồm nhiều cảnh nóng.

Thực sự là chuyện này không làm ảnh hưởng đến anh em chúng tôi mấy. Nói chính xác là chưa khi nào chúng tôi nhắc đến chuyện này, dù chỉ để… tám chuyện cho vui. Giờ mà vẫn cứ nói mãi chuyện “Đừng sợ, Bi ơi” thì thật là không ổn vì hiện tại, tôi và Di đang quá bận rộn cho 2 dự án phim mới với đủ mối lo.

Chiều qua (19/9) Hội đồng xét duyệt phim Việt dự tranh giải Oscar 2012 chính thức bỏ phiếu để lựa chọn phim đại diện.

Theo NSƯT Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, các thành viên có phần nghiêng về bỏ phiếu cho phim Khát vọng Thăng Long (Cánh diều bạc Hội điện ảnh). Ưu điểm phim là tính dân tộc và tính nhân văn đậm nét, các tuyến nhân vật khác mạch lạc, với hai nhân vật Lê Long Đĩnh và Lý Công Uẩn. Dàn dựng, bối cảnh, phục trang mang tính dân tộc.

Phim Long thành cầm giả ca (Cánh diều vàng Hội Điện ảnh) tuy được hội đồng đánh giá là phim đậm đà tính dân tộc, tuy nhiên tiết tấu, nhịp điệu lại rề rà. Cánh đồng bất tận (Cánh diều bạc) đi vào đề tài đương đại, nói lên được không khí miền sông nước đồng bằng miền Tây Nam Bộ, tuy vẫn còn những hạn chế.

Hiện hội đồng thiên về hai phim dã sử, cổ trang nhiều hơn, với mong muốn giới thiệu phần nào lịch sử VN ra thế giới.

Chúng tôi sẽ thông tin tới độc giả ngay khi có kết quả của cuộc bỏ phiếu này.

VTC News
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới