Kinh phí tăng gấp 4 - thời gian thực hiện kéo dài
Sau "Bóng Ma Học Đường" thì "Mỹ Nhân Kế" là tác phẩm điện ảnh Việt thứ 2 dám can đảm thử thách với định dạng phim độc đáo này. Không hẳn chọn 3D nhằm đáp ứng nhu cầu thời thượng của khán giả, với Mỹ Nhân Kế có một lý do khác để thực hiện, Trinh Hoan – Giám đốc hình ảnh (D.O.P) của phim chia sẻ: “Chọn 3D là vì bộ phim có quá nhiều yếu tố thuận lợi để thực hiện như: bối cảnh tốt, diễn viên tốt, kịch bản tốt, các cảnh hành động tốt… Với nhưng điểm mạnh như thế thì sử dụng kỹ thuật quay 3D sẽ mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc về phim hơn.”
Tuy nhiên, đồng ý thực hiện 3D cũng có nghĩa là phải chấp nhận kinh phí đội lên gấp 4 lần so với khi làm phim 2D bình thường. Hiện nay, kỹ thuật quay phim 3D không chỉ là khá mới tại Việt Nam mà ngay cả các nước trong cùng khu vực cũng thế. Hầu hết, các máy quay 3D đều thuê và sử dụng phần kỹ thuật của Hồng Kông. Với định dạng 3D, việc sắp xếp bố cục, khung cảnh trước khi quay cực kỳ quan trọng. Việc này chiếm khá nhiều thời gian của ekip nhưng sẽ góp phần làm rõ hiệu ứng 3D trên phim hơn. Tuy có tham khảo một số kinh nghiệm từ tác phẩm cùng định dạng trước nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ để có thể hình dung được hết những khó khăn khi làm phim 3D.
Hơn thế nữa, Mỹ Nhân Kế lại còn là một phim dạng cổ trang với khá nhiều cảnh hành động phức tạp. Quốc Thịnh – chỉ đạo võ thuật của phim cho biết: “Gặp 3D, mà lại là phim võ thuật thì không gì khổ hơn. Nếu như với các phim 2D, chúng tôi có thể “ăn gian” một vài góc máy ở một số cảnh đánh nhau trực tiếp, nhưng với 3D thì không thể vì các hình ảnh nổi rõ lên, nhìn là thấy được liền. Các diễn viên vì vậy cũng phải “ăn đòn” thật khá nhiều.” Và đó là một trải nghiệm mới, thử thách mới dành cho không chỉ ekip Mỹ Nhân Kế, mà còn cho cả điện ảnh Việt.
Với một số đặc thù riêng của mình, để có thể đưa kỹ thuật 3D vào một phim cổ trang như Mỹ Nhân Kế là hết sức khó khăn. Trinh Hoan cho biết, nỗi khổ lớn nhất của mọi người chính là việc di chuyển các thiết bị này. Với khối lượng nặng gấp 4 lần so với máy quay thường nên ekip đã phải tìm ra nhiều cách để thực hiện.
Các cảnh quay góc rộng để tạo hiệu ứng hình ảnh cho khán giả tuy đơn giản nhưng lại là một trong những cảnh quay rất khó. Không thể sử dụng một số ống kính đặc biệt như thuờng lệ, ekip đã phải chế ra nhiều thiết bị để khắc phục điều đó. Ngoài hệ thống cáp để quay các cảnh bay, phi thân cho diễn viên mà còn có một hệ thống cáp khác tương tự để treo và di chuyển máy để mở rộng cảnh quay. Điều này giúp tạo ra được hiệu ứng hình ảnh cho phim như khi thực hiện quay bằng flying - cam (treo máy quay trên một thiết bị bay – dạng giống như mô hình máy bay thu nhỏ và thực hiện các góc máy từ trên cao xuống)
Một số cảnh quay khác, ekip lại phải thực hiện một giàn giáo riêng nhằm đưa máy lên các vị trí thích hợp. Đây là một hệ thống đưa máy lên theo từng tầng một và phải rất chắc chắn (do máy rất nặng). Việc tháo lắp, di chuyển máy như thế này đã chiếm rất nhiều thời gian cho các cảnh quay. Chưa kể, ở các góc máy cầm tay (quay phim cầm máy quay trên tay và lia máy theo diễn viên) gần như là không thể sử dụng do máy quá sức nặng. Và để giải quyết vấn đề này ekip đã phải sử dụng xe cẩu để thả dây xuống, treo máy quay lên.
Hậu kỳ: thử thách với 365 cảnh xóa dây và kỹ xảo
Sau hơn 3 tháng thực hiện phim đầy gian khổ, các diễn viên đã có thể an tâm về nhà và chờ xem thành quả lao động. Nhưng đó chính là lúc ekip thực hiện hậu kỳ phim mới bắt đầu cơn “ác mộng” của mình. Nhằm giảm chi phí cho phim, phần hậu kỳ này được thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam. Trinh Hoan chia sẻ: “Việc này tuy khó nhưng không phải là không làm được. Xem như chúng ta học hỏi thêm kinh nghiệm. Nếu đem ra nước ngoài làm thì chi phí cho công đoạn này sẽ tăng lên gấp 6 lần – một con số không hề nhỏ. ”
Ngay từ lúc thuê thiết bị và kỹ thuật từ Hồng Kông, Trinh Hoan đã được khuyến cáo “hạn chế các cảnh xóa dây khi quay 3D”. Nhưng với kịch bản của Mỹ Nhân Kế thì điều này là bất khả thi, anh cho biết: “Không thể không dùng dây trong phim, với riêng cảnh đá cầu – là có thể hạn chế xóa dây nhiều nhất chúng tôi cũng không thể làm khác hơn. Các tư thế mà diễn viên biểu diễn trong phim thì ngay cả các vận động viên cầu mây chuyên nghiệp cũng không thể làm nổi. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ cảnh quay này nhưng cũng không tài nào tiết chế được.”
Công việc làm hậu kỳ của 3D nặng gấp 3 lần so với phim 2D. Kỹ thuật xóa dây cũng khó khăn hơn nhiều. Mỹ Nhân Kế có đến 365 cảnh cần phải xóa dây, xóa phông nền không cần thiết cùng các kỹ xảo, hiệu ứng. Số lượng nhân viên thực hiện phần hậu kỳ cho phim đã lên tới con số hơn 40 người. Bình thường, nếu là 2D, các hình ảnh không nổi lên thì người thực hiện chỉ cần xóa dây một lần, nhưng với 3D thì phải xóa dây 2 lần, một lần cho mắt phải và một lần cho mắt trái, sau đó phải chồng lại với nhau sao cho hình ảnh thật trùng khớp.
Chính vì thế, để đảm bảo mọi việc được suôn sẻ, ba tháng trước khi quay, ekip của phim đã phải làm việc trước với công nghệ 3D tại Hồng Kông. Tạm gọi là “làm nháp”, nghĩa là phải thực hiện quay 3D với các cảnh quay có dây kéo, bay nhảy… rồi sau đó thực hiện luôn hậu kỳ xóa dây, hoàn chỉnh phim. Sau khi cảm thấy mọi thứ đã khá ổn và ekip Việt Nam có thể xử lý hết các công đoạn làm hậu kỳ thì phim mới bắt đầu bấm máy.
Chia sẻ về cảnh quay hiệu ứng 3D, Trinh Hoan cho biết:. “Có thể 3D của Mỹ Nhân Kế sẽ khó lòng so sánh với những tác phẩm nổi tiếng nhưng với riêng ekip Việt Nam chúng tôi thì đó đã là một thành công lớn. Đó là tất cả những thành quả tốt nhất mà chúng tôi đã đạt được sau những ngày tháng vật lộn với chuẩn 3D. Rất hy vọng là khán giả sẽ đón nhận tác phẩm này”
Hơn 3 tháng để hoàn thành bối cảnh
Trong thời gian ekip hậu kỳ chuẩn bị cho những bản quay nháp thực hiện kỹ thuật 3D thì cũng là lúc ekip thiết kế của họa sỹ Mã Phi Hải bắt đầu công việc chuẩn bị bối cảnh cho Mỹ Nhân Kế.
Chia sẻ về công việc chọn bối cảnh phim cho Mỹ Nhân Kế, Mã Phi Hải cho biết: “Tôi được Dũng giao kịch bản khoảng 2 năm trước. Lúc đấy, tôi củng Dũng và cả họa sĩ ý tưởng là anh Quang – anh trai của Dũng cùng ngồi lại phác thảo bối cảnh ra giấy rồi lên đường đi tìm địa điểm. Đi suốt mấy tháng trời, cuối cùng tôi được giới thiệu cho resort Ngọc Sương một resort cách khá xa đất liền. Cả đoàn vui mừng vì từ phác thảo đến bối cảnh ngoài đời thật giống nhau đến 70 %. Song phần nội thất, nhà cửa thì chúng tôi phải thiết kế lại để làm sao cho đúng với cái hồn của bộ phim.”
Để có thể hoàn tất công đoạn thiết kế, cả ekip với gần 30 người đã mất khoảng thời gian hơn 3 tháng. Địa hình ở resort Ngọc Sương chủ yếu là đá và cát rất khó để dựng nhà nên phần này ekip phải mất 1 tháng rưỡi mới hoàn thành xong phần khung của căn nhà – Đường Sơn Quán. Yêu cầu của “hắc điếm” là phải mang vẻ đẹp cổ kính nhưng lại vừa sang trong nên cả đoàn lại phải mất rất nhiều công sức để pha trộn giữa tre và gỗ cộng thêm mạ đồng cho tất cả các chân cột trong nhà. Gần 11.000 cây tre đã được sử dụng cho thiết kế này, toàn bộ số tre được sàng lọc rất kĩ càng và vận chuyển từ nơi mua về tới tận khu resort.
Ngoài hắc điếm, thì phòng của Kiều Thị, Đào Thị và khu hồ tắm sinh hoạt của các mỹ nhân cũng là một trong những chi tiết khiến các khán giả bất ngờ. Phòng của Đào Thị thị nhỏ nhắn, đơn giản, đúng với tính thiết kế theo kiểu “ma mãnh”, có nhiều bộ phận, cơ quan để tránh người khác xâm phạm. Khu hồ tắm nguyên sơ của resort rộng đến 70 mét vuông, vì thế để có một hồ tắm với độ rộng vừa đủ và có nhiều đá như trong phim, ekip của Mã Phi Hải phải di dời đá, ngăn hồ tắm ra làm hai.
Mã Phi Hải cho biết thêm: “Tôi và mọi người phải tự thiết kế lại tất cả đồ đạc trong hắc điếm (Đường Sơn Quán) sao cho phù hợp nhất. Khán giả xem phim sẽ thấy từ cái bàn, cậy nến, cái chén, cái đĩa đến ống tre tất cả đều do đoàn tự chế để pha được chất cổ trang lẫn hiện đại. Thích nhất là gian bếp vì nó ấm cúng.
Phía cổng đi vào hắc điếm, khán giả sẽ thấy ngờ với dòng chữ hơi giống Trung Quốc nhưng thực ra đó là chữ Việt được chúng tôi viết cách điệu. Ở đó có nhiều đá, nhưng trong số những tảng đá ấy có 2-3 tảng đá giả. Vì có những cảnh nhân vật đánh nhau, bị ném vào đá vèo vèo, nếu không làm đá giả thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. ”
Như vậy, có thể nói với Mỹ Nhân Kế, kỹ thuật làm phim 3D tại Việt Nam lại có thêm những trải nghiệm mới khi được thực hiện cho một phim hành động cổ trang. Chắc chắn, kết quả cuối cùng của phim sẽ mang lại cho khán giả Việt những cảm xúc hoàn toàn mới lạ. Mỹ Nhân Kế - tác phẩm 3D duy nhất vào dịp tết 2013 sẽ được công chiếu trên toàn quốc kể từ ngày 10/02/2013.