LHP Việt Nam lần thứ 18 diễn ra tại Hạ Long (Quảng Ninh) từ ngày 11 đến 15/10 với khẩu hiệu: “Điện ảnh Việt Nam - Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập”. Tiêu chí của LHP lần này là hướng đến các tác phẩm điện ảnh mang đậm bản sắc dân tộc, nội dung tư tưởng giàu tính nhân văn, nghệ thuật thể hiện sáng tạo, mới mẻ, chủ động hội nhập quốc tế hiệu quả. Nhưng có đến gần một nửa trong danh sách 23 phim truyện nhựa tham gia LHP lần này “đóng mác” phim thảm họa.
Hello cô Ba
Một trong những ứng cử viên “sáng giá” cho ngôi vị quán quân “Phim thảm hoạ của Việt Nam” là Hello cô Ba có mặt tại LHP quốc gia năm nay. Công thức hài nhảm và tận dụng một dàn diễn viên tên tuổi: Hoài Linh, Kim Thư, Tấn Beo, Hiếu Hiền, Phi Nhung, NSƯT Việt Anh… để câu khách là công thức chưa bao giờ “nguội” của hãng Phước Sang.
Hầu như năm nào cũng thế, các phim Tết của Phước Sang luôn được xếp vào danh sách “thảm hoạ điện ảnh”. Nhưng nghịch lý là các phim của họ luôn có doanh thu cao chót vót. Theo thống kê sau mùa phim Tết 2012, Hello cô Ba là phim “bội thu” nhất với doanh thu lên tới trên dưới 25 tỷ đồng.
Trong phim này yếu tố gây hài đặt lên hàng đầu nhưng là kiểu “cù lét” khán giả bằng cách cho nhân vật có những hành động ngốc nghếch nhất có thể, sự hốt hoảng, la hét luôn thường trực trên gương mặt từng diễn viên. Hoài Linh được xem là "con át chủ bài" của phim với nhiều màn giả gái thái quá. Nhưng đó vẫn chỉ là những mảng miếng hài cũ kỹ, quen thuộc được Hoài Linh "xào nấu" lại. Bối cảnh thì được chọn qua loa. Nói không quá, chẳng có sự đầu tư nào cho bộ phim ngoài tiền cát-xê trả diễn viên.
Giấc mộng giàu sang
Công Hậu được biết đến gần 30 năm nay với hàng trăm phim trên cương vị diễn viên. Bộ phim đầu tay của anh với cương vị đạo diễn mang tên Giấc mộng giàu sang lại làm khán giả lắc đầu ngao ngán.
Bộ phim được đạo diễn Công Hậu làm để hướng đến khán giả bình dân nhưng lại bình dân đến mức quá cẩu thả. Nội dung phim thiếu chặt chẽ, các tình tiết lỏng lẻo. Bị các cụm rạp lớn từ chối phát hành, Giấc mộng giàu sang chỉ được sắp lịch chiếu ở một số rạp nhỏ. Không có gì phải ngạc nhiên khi khán giả “tặng” danh hiệu thảm hoạ cho Giấc mộng giàu sang.
Ranh giới trắng đen
Ranh giới trắng đen thuộc thể loại phim hành động, phản ánh mối quan hệ xã hội và tình cảm của con người với nhau. Phim xoay quanh hành trình giải cứu em gái khỏi nhóm xã hội đen của Tâm (Võ Thành Tâm đóng). Anh chàng làm nghề chỉ đạo võ thuật trong các đoàn làm phim . Cuộc đấu sinh tử của Tâm được sự trợ giúp của đội cảnh sát hình sự cùng nhiều người bạn nước ngoài.
Đây là bộ phim có kịch bản rất hời hợt, đường dây, cốt truyện lỏng lẻo, phần kỹ thuật dựng cẩu thả với những màn cắt ghép vô tội vạ. Ví như, chẳng hiểu thế nào mà các diễn viên có thể chạy rầm rập qua lại giữa cảnh bãi biển và cảnh những đường phố Sài Gòn. Rồi chuyện ba diễn viên người Indonesia vào vai các đạo diễn, diễn viên qua Việt Nam làm phim có thể nói được tiếng Việt vanh vách.
Dù mang danh nghĩa phim hợp tác quốc tế giữa Việt Nam - Indonesia nhưng bộ phim khiến khán giả hết hồn vì sự tụt hậu của nó khi mang hơi hướng phim cảnh sát Hong Kong… cách đây 30 năm. Điều này khiến khán giả vừa xem vừa cười khúc khích, không phải vì phim hài hước mà bởi những tình tiết ngô nghê đến khó chịu.
Cát nóng
Được chọn làm phim chiếu khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội năm 2012, nhưng bộ phim Cát nóng của đạo diễn Lê Hoàng đã làm điện ảnh nước nhà phải mất mặt với bạn bè quốc tế. Cái táo bạo của vị đạo diễn là việc dùng máy quay phim truyền hình cho dự án điện ảnh này. Lê Hoàng tự tin cho rằng: “Bộ phim được quay bằng máy quay truyền hình, nhưng đó lại là một bộ phim nhựa…Là phim nhựa hay không là do cái đầu”.
Nội dung không phức tạp nhưng phải đến 30 phút đầu, khán giả khó có thể hiểu bộ phim đang nói về điều gì. Thay vào đó là những lời thoại vô nghĩa và dài lê thê. Người xem còn cảm thấy bực bội vì tính cách nhân vật “ngây thơ” đến vô lý. Ví dụ như không hiểu tại sao một cô gái hồn nhiên như Cát lại... “trèo lên giường” của anh chàng Nam chỉ để cầu xin anh “đừng ăn dông!”.
Phim có quá nhiều cảnh phản cảm, đặc biệt là những cảnh máu me khi đầu bếp chế biến món dông, cảnh cô Tuyết cầm dao chặt đầu con dông, cảnh dông bị nướng chín, phơi mình trên đĩa, cảnh hàng trăm con dông bị cháy… Người xem khó có thể hiểu được vì sao Lê Hoàng phải lạm dụng những cảnh tàn sát dông rùng rợn như thế trong một phim được cho là đậm chất nhân văn về tình yêu của con người với loài động vật này.