Sau khi từ Hồng Kông trở lại Bắc Kinh, Dương Khiết tập trung đoàn phim để báo cáo những gì bà “học hỏi” được trên đường đi “thỉnh kinh” ở Hồng Kông. Đạo diễn Dương cũng quyết định thành lập nhóm kỹ thuật võ thuật để giải quyết kỹ thuật treo người trên không. Bà nhận ra vấn đề các cảnh bay lượn không tạo cảm giác về trọng lượng là bởi chỉ đứng dưới mặt đất nhảy múa sau đó ghép hình thì không thể tạo được cảm giác thật. Để tạo cảm giác này chỉ còn cách treo diễn viên lên cao mà thôi.
Mày mò tìm mua dây cáp
Thế nhưng làm thế nào và có kỹ thuật nào để có thể đưa diễn viên lên cao một cách an toàn và hiệu quả? Nên dùng những vật dụng, thiết bị gì thì không ai rõ. Sau nhiều lần mày mò và cùng suy nghĩ, đoàn Tây Du Ký nghĩ đến việc sử dụng dây cáp để đưa diễn viên lên cao, đồng thời tiến hành đi tìm loại dây cáp bền nhất có thể treo người lên mà không bị đứt.
Đoàn phim cho người trong đội sản xuất phim đi nghe ngóng, tìm hiểu để giải quyết về kỹ thuật cũng như loại dây cáp mà đoàn cần. Phải là loại tốt nhất và nhỏ nhất, chắc chắn nhất. Tiếp đến là mua ròng rọc để lắp trên cột cao. Một trang thiết bị nữa cần đến, đó là bộ bọc lót cho cơ thể diễn viên, nơi tiếp xúc giữa dây buộc với cơ thể người diễn.
Tiến hành tìm tòi và tự nghiên cứu, đề xuất loại trang phục này ít nhất cũng phải giống như loại quần đùi, phải bọc khít được vòng eo, có khả năng ôm đủ quanh cơ thể diễn viên. Có như vậy thì khi nối với dây cáp và kéo lên thì diễn viên coi như đã “bay” lên và biểu diễn các động tác cũng thực sự tự nhiên.
Đội kỹ thuật tiến hành chế tạo trang phục lót và nghe nói ở Thiên Tân có loại dù chuyên dụng trên máy bay có loại thép phù hợp với yêu cầu của đoàn Tây Du Ký. Khi trang thiết bị và vật dụng đã chuẩn bị đầy đủ cũng là lúc nhân viên đoàn Tây Du Ký cũng đã nghiên cứu được kỹ thuật “quá giang long” mà phía làm phim của Hồng Kông từng đề cập đến trước đó.
Mặc dù chỉ với câu nói “Hai cảnh treo người lên giữa không trung, cứ thế kéo là được…”, đến khi đối mặc với thực tế thì Dương Khiết và nhân viên của đoàn cũng ngộ ra một điều, đó là thay vì dùng một ròng rọc sẽ thêm hai hoặc ba ròng rọc, dùng đoạn dây cáp dài liên kết các ròng rọc lại với nhau. Thêm vào đó là dây cáp để treo diễn viên lên. Như vậy khi có người kéo và chạy sẽ làm diễn viên hoạt động theo quỹ đạo và phụ thuộc vào hướng kéo của sợi dây cáp.
Còn về hoạt động nhanh chậm hay độ ngắn dài của dây sẽ phụ thuộc vào người kéo dây cũng như độ dài của dây có là bao nhiêu. Cuối cùng kỹ thuật “quá giang long” cũng đã khám phá ra và đoànTây Du Ký bắt đầu tiến hành thử nghiệm. Ngày đầu tiên được tiến hành tại Nhà hát Nghệ thuật Quân đội Bắc Kinh.
Tại lễ đường Nhà hát Quân đội được sử dụng làm trường quay của doàn, Dương Khiết cho tiến hành quay cảnh Ngộ Không náo động long cung, ép buộc Long Vương để lấy được cây trụ sắt thần Định Hải ở chốn long cung, cảnh ở động phủ của Tề Thiên Đại Thánh và cảnh Tiểu Bạch Long với Cửu Đầu Trùng giao chiến khi Tiểu Bạch Long đốt phủ động, cảnh Sa Tăng và Bát Giới giao đấu dưới sông Lưu Sa Hà, cảnh ở Lăng Tiêu Bảo Điện hay cảnh dưới chân núi Ngũ Hành…
Mặc dù đã biết đến cách thức sử dụng dây cáp đưa diễn viên lên không trung, tuy nhiên về trọng lượng của khối dây lại là một trở ngại tiếp theo. Hơn nữa, Dương Khiết và đoàn phim chưa nghĩ được ra cách để làm mờ đi hình ảnh của dây cáp khi lên hình, thời gian này chỉ còn biết dựa vào sự tương đồng với màu sắc của bối cảnh có thể làm cho sợi dây cáp hòa vào với bối cảnh và cũng rất khó để người xem nhận ra.
Ngoài ra còn vấn đề sử dụng loại dây cáp càng nhỏ thì lại càng dễ bị đứt. Mặc dù khi đó đoàn Tây Du Ký đã phải đặt mua loại dây thép của bên không quân, loại dây cáp được cho là bền và chắc chắn nhất, rất khó bị đứt. Kết cục là khi mua về lại gây ra không ít rắc rối cũng như vấn đề phát sinh.
Bát Giới và Sa Tăng sa sầm vì đứt dây cáp
Trong cảnh quay Bát Giới giao chiến với Sa Tăng, có đoạn Bát Giới bị treo lên cho cảnh “bay” từ trên bờ xuống đáy sông Lưu Sa. Cảnh này dùng hai dây cáp treo hai bên đầu của sân khấu và thực hiện cảnh “quá giang long”.
Đúng lúc Bát Giới vác bờ cào đuổi đánh Sa Tăng thì dây thép đứt phựt một cái, thấy tiếng Mã Đức Hoa (vai Bát Giới) rơi đánh cạch, lớp hóa trang phần bụng phồng lên và tuột ra khiến dây cáp siết càng chặt, Mã Đức Hoa gần như ngộp thở, may không có tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Cảnh tiếp theo khi Sa Tăng lao vào tấn công Bát Giới, cảnh quay thực hiện từ xa đến gần, quay phim nằm rạp phía trước sân khấu để quay, Diêm Hoài Lễ (vai Sa Tăng) thân hình cũng khá to lớn nên sức nặng cũng vì thế mà gia tăng, vừa hét vừa cầm bảo khí và lao về phía máy quay, đang “bay” thì dây lại đứt phựt một cái. Cả người lẫn chiếc xẻng là vũ khí rơi bộp xuống trúng đầu quay phim, báo hại hai người ngã vật ra sàn nhà. Quay phim bị đập trúng đầu, nổ đom đóm mắt, phần đầu bị giáng một cú khá nặng nhưng may không tổn thương, cả máy quay cũng không bị hỏng hóc, hư hại gì nhiều.
Trong khi Sa Tăng vì có quay phim chắn đỡ phía dưới nên không bị trực tiếp đập xuống đất và không hề hấn gì. Đạo diễn Dương Khiết giờ nghĩ lại vẫn còn thấy hoảng hồn và cảm thấy liều lĩnh và dại dột, cái gì cũng dám làm dám thử và không thận trọng chút nào. Khi đó bà chỉ cần nghĩ nếu thấy có hiệu quả thì sẽ thực hiện chứ không nghĩ đến hậu quả. Khi thực hiện xong bộ phim Tây Du Ký thì Dương Khiết mới biết cách sử dụng dây chuyên dụng để đưa diễn viên lên cao. Sau khi thực hiện xong bộ phim, có người hỏi Dương Khiết sao dám liều lĩnh sử dụng loại dây cáp bình thường để thực hiện cảnh treo dây, Dương Khiết ngớ người quay lại hỏi: “Treo dây là gì?”.
Kinh nghiệm đúc kết của Dương Khiết và nhân viên kỹ thuật trong đoàn đó là, khi treo diễn viên lên để đóng các động tác bay nhảy trên không hay biến hóa sẽ cho cảm giác chân thực hơn là chỉ đứng một chỗ dưới đất. Còn về vấn đề diễn viên bị ngã khi treo dây, mọi người thống nhất là do dây cáp không còn đủ bền, vì vậy cần phải liên tục thay mới sau mỗi lần sử dụng, vấn đề cần quan tâm đó là phải chú ý đến thay dây cáp mới.
Đến lượt Ngộ Không bất tỉnh
Một chuyện có liên quan đến kỹ thuật trên mà Dương Khiết nhớ lại. Thời gian tháng 7/1984, đoàn thực hiện cảnh quay Thái Bạch Kim Tinh thỉnh Ngộ Không lên thiên đình được quay tại khu vực chùa Giới Đài ở Bắc Kinh. Khi Ngộ Không hay tin sẽ được phong quan nên vui sướng đến mức nhún một cái đã lên đến tận chín tầng mây. Chính hành động “nhún” này phải thực hiện thật nhanh, đến nỗi Thái Bạch Kim Tinh có đuổi cũng không kịp.
Vị trí đoàn phim thực hiện cảnh quay này tại khu vực rừng cây ở lưng chứng núi phía ngoài chùa Giới Đài. Tại đây đoàn dựng một vị trí làm ngai báu ngồi cho Ngộ Không, phía dưới thực ra là một phiến đá bằng phẳng và đủ lớn. Ngoài ra còn chuẩn bị cả dụng cụ treo dây để thực hiện cảnh quay “nhún” của Ngộ Không.
Lần quay đầu vì gặp khá nhiều trở ngại do việc thực hiện quay trong rừng cây, nhân viên cầm dây kéo cũng chạy khá chậm nên không có được cảm giác Ngộ Không bay vun vút như yêu cầu. Tổng động viên thêm lực lượng cho nhân viên kéo dây, xác định hướng chạy để khi hô diễn là chạy theo đúng hướng đó. Tuy nhiên, Dương Khiết lại không để ý đến hướng chạy của nhân viên kéo dây lại là có độ dốc và trượt. Khi hô “Diễn!”, Tôn Ngộ Không nhảy lên một cái là đã lên tận mây xanh, đằng này lại rơi bịch xuống đất vì dây kéo bị đứt. Lục Tiểu Linh Đồng rơi từ độ cao 6m xuống.
Lúc này mọi người ai cũng ngồi thần mặt, trong phút chốc không ai nói với nhau một lời. Dương Khiết liền nói lớn để mọi người cùng “tỉnh” lại rồi gọi nhỏ nhẹ tên của Lục Tiểu Linh Đồng: “Cậu Kim Lai! Kim Lai!” (tên thật của Lục Tiểu Linh Đồng). Không thấy Kim Lai có động tĩnh gì, khi này mọi người mới nhốn nháo quây quanh Kim Lai. Phó đạo diễn Tuần Hạo can ngăn mọi người không được động vào Kim Lai.
Dương Khiết rùng mình và bắt đầu thấy lo lắng, bà chỉ nghĩ Kim Lai ngã không đến nỗi nặng, cho rằng ông chỉ bị thương nhẹ chứ không ngờ đến mức này. Sau khi được các bác sĩ xét nghiệm, Kim Lai ngoài bị xây xước da bên ngoài và không bị tổn thương gì nghiêm trọng. “Ơn trời, thật đúng là nhờ ông trời có mắt phù hộ”, Dương Khiết lẩm nhẩm.
Ngày hôm đó Kim Lai bị ngã một trận đau nhưng bù lại cảnh quay “lên trời” cũng đã thành công, hơn nữa lại rất đạt. Còn lý do vì sao dây cáp bị đứt là bởi đội kỹ thuật không chú ý đến yêu cầu là phải “nhanh”, những người được bố trí cầm dây để kéo đứng ở địa thế dốc và chạy, nhanh thì có nhanh nhưng đến khi cần dừng thì “phanh” không kịp. Có người thì dừng được tức khắc, có người thì tiếp tục bị trượt vì mất đà, dẫn đến dây bị kéo căng và đứt, còn Kim Lai thì rơi bịch xuống đất, ngã cũng không phải bình thường mà khá ê ẩm. May mà trước khi thực hiện quay cảnh này, quay phim đã yêu cầu cho dọn dẹp hết đá lớn đá nhỏ trên mặt đất, không để lại những vật cứng dễ gây tổn thương.
Cảnh Ngộ Không trước lúc bay lên thì bên dưới còn có đám khỉ vây phía dưới, khi bay lên thì phía dưới còn diễn viên Hạng Hán trong vai một lão khỉ vẫn chưa rời đi, vì vậy Ngộ Không ngã cũng rơi trúng người Hạng Hán, cú ngã này của Kim Lai cũng đã đỡ đi rất nhiều vì rơi trúng người Hạng Hán, mặc dù Kim Lai vẫn dính đòn khi bị bất tỉnh và mất tri giác trong lúc ngã khiến cả đoàn sợ hết hồn.
Ngộ Không tai qua nạn khỏi nhờ tượng Quan Âm
Có điều kỳ lạ là khi Kim Lai trở lại khu tập thể nghỉ ngơi, phát hiện bức tượng gốm nhỏ tạc hình Quan Âm thường ngày ông vẫn để bên cạnh cửa sổ để thờ phụng bỗng dưng biến đâu mất. Bức tượng gốm này ngày ngày Kim Lai vẫn thắp một nén nhang cầu nguyện, đồng thời ông cũng yêu cầu nhân viên phục vụ trong đoàn nhất định không được đụng đến, thậm chí cả việc lau cùi cửa sổ Kim Lai cũng không cho cô tạp vụ động tay tới bên cửa sổ nơi ông đặt bức tượng. Ấy vậy mà sau khi từ viện trở về thì tìm không thấy bức tượng đâu. Kim Lai căn vặn hỏi han từng nhân viên phục vụ một nhưng ai nấy đều nói không nhìn thấy, hơn nữa ngày hôm đó không ai quét dọn phòng của ông. Kim Lai lục lọi tìm kiếm khắp phòng, sau mới phát hiện thấy bức tượng bị rơi xuống đất ngay phía đầu giường nằm của Kim Lai.
Liệu có phải do bức tượng tự rơi xuống đất và vỡ hay không? Kim Lai kết luận, như vậy vụ tai nạn vừa xảy ra mà ông không bị thương nặng cũng là nhờ có Quan Âm nâng đỡ và bức tượng là vật thế thân cho ông. Mọi người trong đoàn có phần thắc mắc và nghi ngờ về câu chuyện trên nhưng không ai lý giải nổi được nguyên nhân.