Dòng phim cổ trang Việt dù có từ khá lâu với những cái tên đầu tiên như: Đêm hội Long Trì từng khiến khán giả say mê. Dù không thực sự phát triển nhưng thời gian gần đây, rất nhiều phim Việt cả điện ảnh và truyền hình đã khai thác khá sâu sắc thể loại này.
Nếu các mỹ nhân trong phim cổ trang Việt được hết lời ngợi khen bởi vẻ nữ tính, đài các thì các sao nam cũng không kém phần oai phong.
Dưới đây là một số ngôi sao tiêu biểu từng vào vai trong các bộ phim cổ trang Việt:
Quách Ngọc Ngoan
Năm 2010 có thể coi là một năm đại thắng của Ngọc Ngoan khi tên tuổi của anh vụt sáng với những dự án điện ảnh đình đám. Anh là sao nam duy nhất được giao đảm nhận vai nam chính trong hai bộ phim điện ảnh mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Đó là Long thành cầm giả ca và Khát vọng Thăng Long. Cùng thể loại cổ trang nhưng hai hình tượng của Ngọc Ngoan lại hoàn toàn đối lập.
Với Long thành cầm giả ca, anh được giao đảm nhận vai đại thi hào Nguyễn Du. Hình tượng trong phim của Ngọc Ngoan khá giản dị và thường xuyên xuất hiện với những chiếc áo dài truyền thống. Dáng dấp khoan thai, cử chỉ nhã nhặn và pha cả chút đào hoa Ngọc Ngoan đã làm bật lên tính cách của một đại thi hào dân tộc.
Trong khi đó với Khát vọng Thăng Long, chí lớn của một cậu bé thuở chăn trâu được khắc họa một cách đậm nét. Ở bộ phim này có thể thấy sự biến đổi liên tục hình ảnh của Ngọc Ngoan trước và sau khi lên ngôi vua.
Nếu trong những tháng ngày lam lũ đó là hình ảnh của một chàng trai yêu nước quần nâu áo vải thì đến khi lâm trận lại là một anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất. Đặc biệt, khi lên ngôi vua, hình tượng của Ngọc Ngoan đặc biệt được khen ngợi bởi phong thái đường hòang, toát lên vẻ uy quyền.
Lý Hùng
Từng không ít lần đảm nhận vai trong các phim cổ trang nhưng với Tây Sơn hào kiệt, hình tượng của Lý Hùng nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Với lợi thế về vóc dáng, Lý Hùng khá phù hợp để vào vai hoàng đế Quang Trung trong bộ phim lịch sử tiêu tốn đến 12 tỷ đồng này.
Khi chia sẻ về bộ phim, Lý Hùng từng tâm sự: “Thực sự thì ê kíp luôn cố gắng làm cho cái phim của mình hoàn hảo, nhưng trong bối cảnh phim quá hoành tráng, mình không kiểm soát được hết thì cũng là sơ xuất của mình. Điều này Hùng nhận lỗi với khán giả. Nhưng quan trọng là khán giả khi coi phim, hiểu được mạch phim, thấm được ý nghĩa cốt lõi của phim, cảm nhận được không khí hào hùng mà bộ phim muốn truyền tải”.
Cũng theo Lý Hùng thì vai diễn này hợp với ngoại hình , thế mạnh về võ thuật và gần như được đo ni đóng giày cho anh. Dù đã có nhiều kinh nghiệm ở dòng phim này nhưng trước khi vào vai Lý Hùng đã ra tận Bình Định nhờ các nhà sử học tư vấn về tính cách, giọng nói, tướng đi của Quang Trung. Do đó, dù Tây Sơn hào kiệt dù không thành công như mong đợi nhưng vai diễn của Lý Hùng vẫn được ngợi khen.
Huỳnh Đông
Không phải ngẫu nhiên mà Huỳnh Đông lại được vinh danh hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại giải Cánh diều 2012 với bộ phim Thiên mệnh anh hùng.
Có thể nói, thoát khỏi những vai diễn trên màn ảnh nhỏ, đây có thể coi là cú đột phá đối với anh.
Trong vai người duy nhất còn sót lại trong án chu di tam tộc nhà Nguyễn Trãi, ở Huỳnh Đông toát lên khí khái của một gia đình dòng dõi nhưng lại rất gần gũi.
Có thể thấy sự biến đối khá rõ nét trong tính cách nhân vật của Huỳnh Đông trong phim. Đó là một anh chàng hiền lành, chịu khó luyện võ và có phần ngô nghê ở giai đoạn đầu khi còn trên núi. Nhưng khi xuống núi, lăn xả và cuộc sống, dần biết các bí mật thì nhân vật này lại biến đổi thành một người anh hùng hào hiệp trượng nghĩa sẵn sàng vì việc lớn.
Nếu như ban đầu nhiều khán giả còn nghi ngờ diễn xuất của Huỳnh Đông thì sau khi xem xong bộ phim ai cũng phải thán phục anh. Huỳnh Đông không chỉ thể hiện được khí chất của nhân vật Nguyên Vũ mà ánh mắt và cơ mặt trong diễn xuất được thể hiện rất tốt. Đây chính là bước chuyển mình đáng kinh ngạc đối với ngôi sao của Gọi giấc mơ về.
Hứa Vỹ Văn
Không phải là một cái tên hot của làng phim ảnh nhưng Hứa Vỹ Văn dường như lại rất có duyên đối với các phim cổ trang. Những bộ phim mà anh tham gia đều rất đình đám như: Anh chàng vượt thời gian, Thái sư Trần Thủ Độ …
Trong Thái Sư Trần Thủ Độ, anh vào vai Lý Huệ Tông. Được biết, để vào vai này anh đã phải thay đổi rất nhiều từ đi đứng, nói năng. Đặc biệt, nhân vật của Hứa Vỹ Văn với hai quá trình biến đổi từ thái tử Sảm cho đến vua Lý Huệ Tông nên đòi hỏi càng cao hơn.
Khi chia sẻ về vai diễn này anh rất hào hứng: “Nói thật là tôi lo âu vô cùng, chỉ biết chia sẻ với bạn thân. Những lời động viên của bạn bè cùng với sự ham mê đóng phim cổ trang trong người đã cổ vũ, động viên tôi rất nhiều. Ngoài ra, tôi còn sự hỗ trợ và giúp sức nhiệt tình của đoàn phim nên cảm thấy mỗi ngày mình càng có hứng thú với vai diễn của mình”.
Trong khi đó trong Anh chàng vượt thời gian, một mình phải đảm nhận hai vai diễn cũng là khó khăn không nhỏ với Hứa Vỹ Văn.
Vai diễn đầu tiên của anh là Hải Anh – một đạo diễn trẻ tuổi ước mơ giúp cha vợ tương lai hoàn thành một dự án phim cổ trang lớn. Nhưng bất ngờ sau đó anh bị tai nạn giao thông và rơi vào hôn mê sâu.
Trong lúc chết lâm sàn, Hải Anh mơ thấy mình là một nhà khoa học trẻ và bắt đầu khám phá chuyến du hành vượt thời gian thú vị thông qua chiếc chìa khóa siêu năng và bản đồ từ trường kích hoạt lỗ hổng vượt thời gian. Và lúc này, nhật vật thứ hai do Hứa Vỹ Văn đảm nhận xuất hiện hoàng tử khờ Khải Hưng.
Có thể nói, tạo hình cổ trang hoàng tử khờ của Hứa Vỹ Văn không nhận được nhiều thiện cảm. Diễn xuất trong phim của anh cũng không được đánh giá cao. Phim sau này còn dính lùm xùm liên quan đến tiền bạc và buộc phải dừng phát sóng sau khi kết thúc phần 1.