Kể từ khi được công chiếu vào ngày 14/2, bộ phim Ngôi nhà trong hẻm đã gây sốt tại các rạp chiếu phim. Theo công bố của đơn vị phát hành, qua 6 này công chiếu, bộ phim đã thu về 10 tỷ VND tiền vé. Đây là con số đáng mơ ước đối với tất cả những nhà làm phim Việt Nam. Tuy nhiên, việc cháy vé không đồng nghĩa với việc chất lượng của bộ phim không có điều đáng nói.
Những hạt sạn khó hiểu Ngôi nhà trong hẻm kể về một cặp vợ chồng trẻ có tên Thành - Thảo sống trong một ngôi nhà bị linh hồn của những đứa trẻ mồ côi ám. Sau khi đánh mất đứa con đầu lòng họ bỗng nhiên phải đối diện với hàng loạt những điều bí ẩn xảy ra. Đầu tiên là vào giữa đêm hôm thanh vắng, trong ngôi nhà bỗng vang lên những tiếng cười, tiếng bước chân chạỵ nhảy của đám trẻ con. Tiếp đến, người vợ thì đột nhiên thay đổi tính nết và trở nên đáng sợ. Cô nhất quyết không cho đem xác đứa con sơ sinh đã chết đi chôn mà giữ lại trong phòng ngủ. Cô cũng bỗng nhiên như trở nên dữ tợn với những ánh mắt hằn học, căm phẫn và luôn tìm cách giết chồng. Còn người chồng thì vừa phải đối mặt với công việc làm ăn gặp khó khăn, sự đe dọa từ phía các công nhân, sức ép từ người mẹ tới những biểu hiện thất thường của người vợ. Bộ phim đã ném các nhân vật vào một tình huống căng thẳng, đầy huyền bí. Chỉ tới khi người chồng phát hiện ra căn nhà bị vong hồn của những đứa trẻ mồ côi từng sinh sống ở đó ám thì bức màn bí mật mới được vén lên.
Việc xây dựng bộ phim dựa trên những oan hồn chưa được siêu thoát còn ám ảnh cõi trần không có gì mới. Phần đa các bộ phim kinh dị của Việt Nam đều xoay quay nội dung này. Tuy nhiên, với nội dung đó, bộ phim tạo ra được một hoàn cảnh để khán giả có cơ hội trải qua những cảm giác căng thẳng tột độ, sợ hãi và lo lắng cho số phận các nhân vật trong phim.
Thế nhưng, tiếc thay cơ hội đó đã không được các nhà làm phim biến thành sự thực. Có đôi chỗ thay vì căng thẳng, sợ hãi, lo lắng cho các nhân vật thì khán giả xem phim lại cười ồ lên trước những tình huống vô lý. Ngôi nhà trong hẻm được xây dựng với một nội dung lỏng lẻo. Các chi tiết được kết nối với nhau một cách khiên cưỡng, không có sự thuyết phục. Việc việc mất đứa con chỉ đóng vai trò khiến tâm trạng của cặp vợ chồng này chìm vào đau khổ chứ không có sự kết dính với việc vong hồn của những đứa trẻ quay về quấy quả họ. Bộ phim cũng không làm nổi bật lên được động cơ khiến vong hồn của những đứa trẻ mồ côi ám a trong đối với cặp vợ chồng này. Đó không phải là sự trêu đùa hay quấy rối bình thường nhưng nó cũng chẳng chúng có mục đích gì. Thêm vào đó những mâu thuẫn khác trong phim như mẹ chồng - nàng dâu, mối quan hệ của người chồng với những công nhân trong công ty đang đứng bên vực phá sản không được đẩy lên cao trào. Bộ phim dường như thiếu đi hẳn những chi tiết thắt nút để đấy cảm xúc của khán giả lên. Bộ phim cứ như một câu chuyện được kể một được kể một cách trình tự với một giọng điệu đều đều.
Không chỉ yếu với phần kịch bản, bộ phim còn có sự xuất hiện của hàng loạt các chi tiết thừa thãi, gây khó hiểu và mắc cười. Chẳng hạn như, chiếc tiểu sành đựng thi thể đứa con mới mất để trong phòng ngủ của vợ chồng Thành - Thảo suốt một thời gian mà vẫn không bốc mùi, nhất là ngay trong thời tiết Sài Gòn quanh năm nắng nóng. Vậy nhưng khi người chồng chỉ cần quẹt que diêm ném vào là chiếc tiểu cháy bùng bùng như đã được tẩm dầu. Người vợ lấy rừu chặt đứt hai ngón tay của chồng nhưng máu chưa kịp tung ra dù chỉ một giọt thì đã thấy chúng đông khô lại hay như chi tiết Thành phải khổ sở lấy mảnh giấy, vo viên mấy sợi thuốc lá lại thành điếu thuốc để hút cũng gây khó hiểu. Đầu tiên, vợ chồng Thành có hoàn cảnh tương đối khá giả chứ không nghèo nàn tới mức không mua bao thuốc mà phải dùng giấy cuốn như thập nhiên những năm 80 của thế kỷ trước như thế. Tiếp đến, khi Thành đang cuốn dở điếu thuốc thì thấy sự xuất hiện của bóng ma. Anh ta bỏ dở và chạy theo. Hình ảnh tờ giấy gói những sợi thuốc lá đó xuất hiện rất rõ trong khuôn hình. Khán giả cứ tưởng rằng sẽ có bất ngờ gì xảy ra với nó nhưng rồi lại giống như những chi tiết khác, nó lại trôi tuột đi và để lại sự thắc mắc trong lòng khán giả.
Điểm sáng của Ngôi nhà trong hẻm
Tuy nhiên, bên cạnh những hạn chế trên, Ngôi nhà trong hẻm cũng có những điểm sáng không thể phủ nhận được. Đầu tiên có lẽ phải kể tới cảnh quay đầu phim khá ấn tượng và đầy kịch tính. Vào một đêm mưa gió trong một căn nhà đang xây dở dang, người vợ đột nhiên trở dạ. Tiếng thét của người đàn bà đau đẻ, những giọt máu xối ra trước sự luống cuống bất lực của người chồng thực sự khiến khán giả sởn gai ốc. Sự thẫn thờ và bàng hoàng của bà đỡ khi phát hiện đứa trẻ đã chết lưu trong bụng và chỉ còn cách lấy đứa trẻ này ra thì mới cứu được sinh mệnh của người vợ. Chỉ với cảnh quay ấy, nhiều khán giả đã có chút mừng thầm khi nghĩ rằng sau hàng loạt những bộ phim kinh dị mắc cười của điện ảnh Việt, cuối cùng họ cũng được xem một bộ phim kinh dị thực sự. Chỉ có điều, niềm hi vọng của họ, một lần nữa lại không trở thành sự thực. Bên cạnh đó, phần diễn xuất của Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn cũng khá ổn, đặc biệt là Ngô Thanh Vân. Cô đã lột tả được hình ảnh của một người đàn bà khi vừa trải qua nỗi đau mất con và những ám ảnh bí ẩn trong tâm lý. Từ tiếng thét của cô khi trở dạ, ánh mắt dữ tợn và có phần hoang dại khi bị ám cho tới vẻ thất thần và vô hồn khi vào căn phòng mà hai vợ chồng đã chuẩn bị cho đứa trẻ trước khi nó ra đời...Với vai diễn này, Ngô Thanh Vân thực sự đã chinh phục được cả những khán giả khó tính. Cô đã đạt được mục đích là thoát ra khỏi hình ảnh một "đả nữ" vốn đóng đinh với cô trong suốt thời gian qua.
Riêng với Trần Bảo Sơn, có lẽ diễn xuất của anh trong Ngôi nhà trong hẻm chưa thực sự xuất sắc và khiến công chúng hả hê như trong Ngã tư định mệnh. Tuy nhiên, ít nhiều anh cũng làm nổi bật lên được những diễn biến tâm lý phức tạp của người chồng. Anh đã thoát ra khỏi hình ảnh một chàng trai hào hoa, chuyên dùng đồ hiệu trong Ngã tư định mệnh để trở thành một ông chồng khốn khổ, đáng thương và có những lúc rơi vào tình trạng thảm hại. Ngoài phần diễn xuất, chất lượng âm thanh và hình ảnh của Ngôi nhà trong hẻm thực sự khiến khán giả hài lòng. Đã có không ít cảnh quay khiến khán giả phải giật mình sợ hãi.
Khó có thể coi Ngôi nhà trong hẻm là một bộ phim kinh dị thực sự. Tuy nhiên, trong tình trạng mà phần đa những bộ phim kinh dị của Việt Nam đều khiến người xem cảm thấy mắc cười hơn là sợ hãi thì Ngôi nhà trong hẻm ít nhiều cũng đã để lại ấn tượng tốt trong lòng khán giả. Bộ phim được khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 14/2.