Điện ảnh thế giới ghi nhận hai cách làm phim tiêu biểu của Mỹ và châu Âu, nếu như ở Mỹ hay nói chính xác hơn là Hollywood - nhà sản xuất (studio) sẽ có quyền quyết định nội dung phim, nghệ thuật của phim cho đến khi ra rạp (quyền final cut) thì ở châu Âu, bạn sẽ không thể chiếu rạp nếu bản phim không có chữ ký của đạo diễn.
Một ví dụ cụ thể là bộ phim I come with the rain của đạo diễn Trần Anh Hùng, với mức kinh phí 18 triệu đô la, nhà sản xuất phim người Mỹ khi xem bản dựng đầu tiên của đạo diễn đã nổi khùng lên. Theo như anh Hùng kể lại thì lúc đó họ đã nói với nhau: Mày lừa tao! và sau đó cùng nói: Hùng lừa tất cả chúng ta! Những vụ kiện liên tiếp tại tòa án Paris khiến cho phim không ra nổi vì anh Hùng kiên quyết không ký vào bản dựng lại của nhà sản xuất Mỹ.
Kết cục, hãng phim tại Pháp đe dọa sẽ tuyên bố phá sản và bán lại hãng phim cho phía Mỹ. Đây là lúc Trần Anh Hùng phải chấp nhận nhượng bộ bởi anh biết nếu Mỹ mua, quyền final cut sẽ không còn nằm trong tay đạo diễn nữa. Nhà sản xuất Mỹ được tự do quyết định nội dung phim, thậm chí là đuổi ngay tức khắc đạo diễn và thay vào đó một ê-kip dựng hoàn toàn mới...
Sản xuất và đạo diễn: chuyện dê trắng, dê đen
Nói lại để thấy, cách làm phim của VN gần đây cũng đã bắt đầu nghiêng theo hướng thương mại kiểu Mỹ khi mà quyền quyết định bộ phim thuộc về các nhà đầu tư hoặc sản xuất. Với mục tiêu hướng đến khán giả và làm thỏa mãn nhu cầu của họ, nhà sản xuất thường khống chế đạo diễn cứng đầu muốn theo đuổi ý tưởng của riêng mình nhưng đó lại là ý tưởng không trùng với mong đợi của khán giả).
Mối quan hệ giữa nhà sản xuất và đạo diễn phim Việt có thể ví như hai con dê cùng qua một chiếc cầu, họ phải nhường nhau để cùng đến được bãi cỏ xanh phía bên kia. Trong một buổi cafe điện ảnh, nếu như đạo diễn Vũ Thái Hòa của Giữa hai thế giới luôn nhũn nhặn, cười cầu hòa đầy an toàn thì nhà sản xuất Minh Dofilm lại nóng như đang ngồi trên chảo lửa, lo lắng cho số tiền mình đã bỏ ra khi phim mới chỉ vừa quay xong, chuẩn bị ra mắt.
Trong buổi họp báo ra mắt đoàn phim 3D Bóng ma học đường, khi nhà báo chất vấn đạo diễn, lo ngại chất lượng bộ phim khi đã từng thất vọng với Nhật ký Bạch Tuyết thì ngay lập tức nhà sản xuất Thiên Ngân đã đỡ lời thay cho đạo diễn, khẳng định sự tin tưởng của họ vào chất lượng bộ phim. Bóng ma học đường hay Giữa hai thế giới ít nhiều cũng có doanh thu không đến nỗi làm thất vọng đạo diễn.
Nhưng nhà sản xuất bảo vệ đạo diễn của mình thì có thể nói đến ví dụ của Giao lộ định mệnh. Thời điểm Cô dâu đại chiến đang thành công ngất ngây với doanh thu khủng ở các phòng vé thì cũng là lúc nghi án Giao lộ định mệnh được xới lên khi phim này dự thi giải Cánh diều, nhà sản xuất Phạm Việt Anh Khoa (đại diện Saiga Films) khi đó đã vất vả tìm cách thanh minh cho Victor Vũ. Việc thanh minh bất thành nhưng thái độ và cách hành xử của Anh Khoa trong việc bảo vệ đạo diễn của mình cũng để lại nhiều thiện cảm cho những ai đã tiếp xúc với nhà sản xuất này.
Bãi cỏ non xanh và “tâm lý Bollywood”
Tại sao Phạm Việt Anh Khoa lại bênh vực Victor Vũ? Hay cũng giống như nhiều chuyện bên lề khác, rằng Long ruồi - để mời được đạo diễn Charlie Nguyễn thì nhà sản xuất cũng phải nhượng bộ để đạo diễn có quyền đối với việc kiểm soát diễn viên tham gia phim, kể cả việc diễn viên đó hoàn toàn không phải là gương mặt ăn khách, tài năng hay là người mà nhà sản xuất muốn.
Tuy nhiên, Charlie Nguyễn chỉ là đạo diễn hiện trường còn người dựng và quyết định bản final cut lại thuộc về một đạo diễn khác do nhà sản xuất chỉ định. Nghĩa là quyền lực hai bên đã ở mức tương đối.
Vậy quyền lực của khán giả nằm ở đâu? Tại sao lại có cơ chế cân đối quyền lực giữa sản xuất và đạo diễn, nhất là sản xuất bao giờ cũng quan trọng hơn? Nhà sản xuất luôn muốn để thành phần sáng tác không đi quá xa, đây cũng là một cách tôn trọng khán giả, đặt thị hiếu của khán giả lên hàng đầu với tiêu chí càng có cơ chế giám sát lẫn nhau thì càng dân chủ và an toàn. Nhưng nếu thay vì giám sát nhau để có một sản phẩm tốt nhất, cả hai lại quay ra bắt tay nhau, điều có thể thấy trước là bộ phim gần như mất kiểm soát về chất lượng.
Có thể so sánh với các nước láng giềng, tại sao cùng là phim thương mại mà một số nước có thể xuất khẩu được, một số nước lại không? Xuất khẩu được chỉ khi sản phẩm có chất lượng đạt chuẩn, chưa nói là tốt hơn. Hàn Quốc xuất khẩu được phim nhưng Bollywood của Ấn Độ thì khó lòng làm được chuyện này dù mỗi năm họ sản xuất cả ngàn phim.
Nhiều khán giả nước ngoài khi xem phim thương mại VN đã rất ngán ngẩm bởi đa số phim còn ở một trình độ giải trí quá thấp. Nghĩa là khán giả Việt được “cho gì ăn nấy”, khó để biết hưởng thụ điện ảnh của họ đang ở cấp độ nào. Thái độ nước đôi của khán giả có thể thấy ở cách lựa chọn mua vé xem cả những siêu phẩm lớn đến từ Hollywood lẫn phim Việt dễ dãi.
Điều này đã được gọi tên là “tâm lý Bollywood”, nó giải thích vì sao Bollywood vẫn sống tốt mà chẳng cần xuất khẩu đi đâu. Họ có một số lượng khán giả quan tâm đến những bối cảnh quen thuộc, những nhân vật nói cùng tiếng mẹ đẻ với mình, và sẵn sàng chấp nhận nó ở một trình độ không cao. Cách phim Việt sống nhờ tâm lý này đang gây nhiều tranh cãi, bởi xét cho cùng, nó không nâng cao được trình độ thưởng thức điện ảnh của khán giả nếu không muốn nói là kéo lùi.
Và nếu chừng nào nụ cười đồng lõa của nhà sản xuất cùng đạo diễn vẫn nở trên môi, thì phải đặt ra câu hỏi: Liệu có lần thứ hai không, khán giả sẽ lại quay lưng với phim Việt bởi họ không thể mãi là một bãi cỏ non xanh?