1. I am Sam – Tôi là Sam (2001)
Đã 10 năm kể từ khi bộ phim ra mắt nhưng I Am Sam vẫn cuốn hút, gây xúc động trong lòng khán giả nhiều lứa tuổi.
Sau “chuyện tình một đêm” giữa Sam và người phụ nữ vô gia cư xa lạ, một sinh linh đã được hình thành. Nhưng người mẹ vô tâm đã bỏ rơi đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Sam đã nhận nuôi đứa bé, bất chấp căn bệnh thiểu năng quái ác. Sam vụng về chăm con từng ngày, đặt tên con là Lucy theo một bài hát của nhóm The Beatles. Biết được câu chuyện cảm động trên, bà hàng xóm tốt bụng Annie cùng những người bạn thiểu năng đã giúp Sam vượt qua những tháng ngày vất vả “gà trống nuôi con”.
Lucy lớn lên ngày một xinh đẹp và thông minh, là một đứa trẻ hoàn toàn bình thường. Nhưng chính từ đây câu chuyện chuyển sang một bước ngoặt. Cô bé Lucy kiên quyết bỏ học vì sợ mình rồi sẽ thông minh hơn bố. Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em đã đưa em đi, lấy lý do Sam không có khả năng chăm sóc Lucy toàn diện khi bản thân Sam chỉ có IQ của một đứa trẻ lên 7. Ngày Lucy và Sam rời xa nhau cũng chính là sinh nhật 7 tuổi của em.
Với sự giúp đỡ của bạn bè và người quen, Sam đã tìm mọi cách để đưa Lucy quay trở về. Câu chuyện sẽ diễn biến như thế nào khi trong tay Sam không có nhiều tiền để thuê luật sư, mà anh cũng chẳng chứng minh được rằng mình có khả năng đem đến cho Lucy một cuộc đời sung đủ?
Với diễn xuất đầy triển vọng của Dakota Fanning cùng diễn viên gạo cội Sean Penn, I am Sam sẽ là một lựa chọn không tồi để thưởng thức và cảm nhận tình cha con. Tin chắc rằng câu chuyện cảm động trên đủ sức lay động cả những khán giả khó tính nhất.
2. Father of the Bride – Bố của cô dâu (1991)
Có mấy ai hiểu được tấm lòng tựa trời biển của người làm mẹ, của kẻ làm cha: Nuôi nấng con gái qua biết bao tháng ngày với tình thương vô tận, để rồi một ngày phải chứng kiến cô bé rời khỏi vòng tay, chững chạc bước đi và tạo dựng hạnh phúc cho riêng mình. Những xúc cảm mâu thuẫn ấy đã được thể hiện một cách xuất sắc qua bộ phim Father of the Bride.
Có một người cha lúc nào cũng lo lắng thái quá cho con gái mình - George Banks, thuộc tầng lớp thượng trung lưu, chủ một công ty giày thể thao ở California. Cũng có một cô con gái được yêu chiều hết mực - Annie. George những tưởng tháng ngày được ở bên con gái sẽ là mãi mãi. Nhưng...
Một ngày nọ, Annie về nhà và giới thiệu Bryan, tuyên bố rằng cô muốn lấy anh làm chồng dù cả hai mới quen nhau được 3 tháng. Người cha thương con gái vô biên này không chịu được cảnh phải sống xa Annie. “Bần cùng sinh đạo tặc”, ông nghĩ ra cách bất lịch sự nhất để phá đám con gái mình. Quyết tâm càng tăng cao khi ông biết mình phải chi một khoản tiền rất lớn cho đám cưới, dù người vợ có cố gắng can ngăn đến chừng nào.
Những tình tiết lố bịch nhưng cũng vô cùng hài hước này sẽ dẫn bộ phim đến đâu? Đám cưới của Annie sẽ trở nên như thế nào? Góp mặt bởi danh hài Steve Martin, Father of the Bride là một trong những lựa chọn hàng đầu trong dịp cuối tuần. Xem xong bộ phim này, biết đâu bạn sẽ hiểu bố thương mình đến chừng nào và yêu luôn bộ phim đấy.
3. The Pursuit of Happyness – Truy tìm hạnh phúc (2006)
Truy đuổi khắp thế gian, kiếm tìm cho được hai tiếng “hạnh phúc”, để rồi cuối cùng ta nhận ra “hạnh phúc” cũng có nghĩa là gia đình. Triết lý ấy được thể hiện rõ qua The Pursuit of Happyness, câu chuyện có thật về chàng trai vô gia cư Chris Gardner. Diễn xuất tài tình của Will Smith cùng chính con trai mình - Jaden Smith - đã tái hiện lại câu chuyện trên một cách cảm động nhất. Bộ phim đem đến cho Will Smith đề cử Oscar năm 2007 cho hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
Lấy bối cảnh năm 1981, nhân vật Chris là người luôn thất bại trong kinh doanh. Một lần nọ, Chris đầu tư hết vốn liếng dành dụm của cả nhà vào “Máy soi xương”, để rồi cuối cùng dẫn đến cảnh tay trắng. Vợ anh - Linda - đã không chịu được sự thất bại của chồng mà bỏ nhà, để lại anh và đứa con thơ Christopher. Chris sau đó bị phong tỏa tài khoản, bị tịch thu nhà và cả thẻ tín dụng. Lang thang ngoài đường cùng con trai, anh dần trở nên tuyệt vọng vì không tìm được một việc làm ổn định.
Có những khi hai cha con chịu khó khăn đến tột cùng, có những khi cha con tìm mãi không ra một chỗ ngủ đàng hoàng, phải chui vào toilet công cộng để ngủ; nhưng cả hai vẫn cùng nhau đẩy lùi khó khăn và truy tìm hạnh phúc của chính mình.
Từ “happyness” do những đứa trẻ nguệch ngoạc viết nên gửi cho ta một thông điệp: hạnh phúc không từ trên trời rơi xuống, hạnh phúc là do bản thân ta tạo nên.
4. Finding Nemo – Đi tìm Nemo (2003)
Fan của Disney và Pixar thì quá quen thuộc với bộ phim này rồi nhỉ? Dù sản xuất từ năm 2003, Finding Nemo vẫn luôn giữ trong mình một sức hút nhất định với bất kì khán giả nhỏ tuổi nào.
Thật sâu dưới lòng biển có một gia đình cá hề, bao gồm Nemo và bố Marlin. Nemo mồ côi mẹ từ bé, chỉ có bố Marlin là gia đình. Vì sự mất mát đó của con, Marlin luôn tìm mọi cách bảo bọc Nemo, đưa cho con điều tốt nhất. Thế nhưng những suy nghĩ đó đã bất đồng với Nemo, bởi cậu tự cho rằng mình có khả năng tự lập và bố Marlin không bao giờ tin mình.
Một ngày nọ, Nemo bị vướng vào lưới bắt cá và bị lạc đến tận bên kia bờ đại dương. Marlin quá lo lắng cho con trai, đã quyết định vượt qua ngần ấy khoảng cách để kiếm tìm Nemo. Trên đường đi, Marlin đã gặp cô bạn Dory bị mắc chứng quên nặng. Dory đã nhiệt tình giúp đỡ Marlin trong cuộc hành trình. Cũng chính nhờ Dory, Marlin hiểu ra rằng con trai anh có thể tự chăm sóc cho chính mình.
Marlin sẽ giải cứu được Nemo chứ? Mâu thuẫn giữa hai cha con có giải quyết được không? Phim vẽ nên một bức tranh đầy cảm động về tình cha con và khiến ta nhận ra những giá trị đích thực trong cuộc đời này.