Phim truyền hình Việt thường “bị” khán giả nhắc đến kèm theo những tính từ như nhàm chán, cứng nhắc, xa vời thực tế… Nhưng dù vậy, truyền hình Việt Nam vẫn có rất nhiều bộ phim mà khi nhắc đến, người xem đều dành sự ưu ái và hoài niệm. Vào những năm 90 và đầu thế kỷ 20, có không ít phim truyền hình Việt hay, chinh phục được nhiều thế hệ người xem. Cùng điểm lại những bộ phim vang bóng một thời ấy:
Người Đẹp Tây Đô
Người Đẹp Tây Đô là phim đem đến cho Việt Trinh sự nổi tiếng và danh vọng. Biệt danh “Người đẹp Tây Đô” của Việt Trinh bắt nguồn từ chính bộ phim này. Công chiếu năm 1996, Người Đẹp Tây Đô đã gây sốt khắp Việt Nam.
Người Đẹp Tây Đô xây dựng dựa trên cuộc đời của nữ chiến sĩ tình báo Lâm Thị Phấn (nhân vật Bạch Cúc trong phim). Bạch Cúc là cô gái thông minh, xinh đẹp bậc nhất vùng Tây Đô. Gia đình nghèo khó, lại đông anh chị em nên cô phải làm vợ anh chàng thuộc loại công tử Bạc Liêu. Làm dâu nhà địa chủ, Bạch Cúc chịu nhiều ê chề và đau khổ. Không chịu được cảnh áp bức, cô đi theo đoàn quân khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 và trở thành chiến sĩ tình báo. Bạch Cúc bước chân vào giới cầm quyền của thực dân Pháp, khiến chúng say mê nhan sắc của mình rồi hạ gục. Quá trình hoạt động của Bạch Cúc đầy nguy hiểm và gian nan nhưng cô đã vượt qua được tất cả.
Đồng Tiền Xương Máu
Lên sóng vào năm 1998, Đồng Tiền Xương Máu nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đông đảo người xem. Bộ phim đưa tên tuổi Trương Ngọc Ánh, Chi Bảo, Quyền Linh đến gần hơn với khán giả.
Đồng Tiền Xương Máu tập trung khai thác cuộc sống và số phận của ba người con trong gia đình ông Khải. Anh cả Toàn (Chi Bảo) vì bản tính kiêu căng, tự phụ đã bỏ nhà máy và thành lập công ty riêng. Làm ăn thất bại, Toàn phụ bạc người mình yêu để kết hôn cùng người đàn bà thủ đoạn. Thậm chí, anh phải bán ngôi nhà kỷ niệm của cha để lấy tiền đầu tư kinh doanh. Chuyện tình, chuyện đời của hai cô con gái còn lại của ông Khải cũng được khắc họa rõ nét, qua đó phản ảnh phần nào xã hội Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Giã Từ Dĩ Vãng
Giã Từ Dĩ Vãng xoay quanh cuộc đời của bà Hạnh cùng những mâu thuẫn của thành viên trong gia đình. Bà Hạnh là một người thương chồng, thương con, chấp nhận làm mọi việc để có tiền lo cho con cái. Cuộc đời bà Hạnh đầy thăng trầm khi có lúc phải sống trong nghĩa địa. Quá cơ cực, bà Hạnh dắt díu mẹ già và ba đứa con vào Sài Gòn lập nghiệp rồi tiếp tục hứng chịu những bi kịch. Dù thế, bà và các nhân vật trong phim vẫn cố gắng để thoát ra khỏi hiện tại, “giã từ dĩ vãng” để có ngày mai tươi đẹp hơn.
Giã Từ Dĩ Vãng là phim đầy ấn tượng của Trương Ngọc Ánh. Cô đã thể hiện nhân vật Mỹ - một cô gái ngây thơ, si tình nhưng vì nổi tiếng mà chấp nhận đánh đổi mọi thứ rất thành công. Vai diễn này của Trương Ngọc Ánh được khán giả và giới chuyên môn đánh giá cao.
Người Đàn Bà Yếu Đuối
TFS (Hãng phim truyền hình TP.HCM) chứng tỏ mình là hãng sản xuất phim rất mát tay thời bấy giờ khi cho ra đời một loạt những bộ phim truyền hình ăn khách. Sau Người Đẹp Tây Đô, Giã Từ Dĩ Vãng, Đồng Tiền Xương Máu, Người Đàn Bà Yếu Đuối tiếp tục nhận được sự quan tâm của khán giả.
Người Đàn Bà Yếu Đuối kể chuyện đời của Ngọc (Kim Ngân). Ngọc khi còn ở quê đã tỏ ra mình là người có khả năng buôn bán. Sau biến cố gia đình, Ngọc lên thành phố mưu sinh rồi gặp vô vàn những khổ cực. Cô bị lừa bán vào ổ mại dâm, sau lấy chồng lại phải chứng kiến chồng ngoại tình. Thân phận người đàn bà long đong lận đận, những lúc tưởng hạnh phúc đã ở trong tay nhưng rồi lại mất tất cả. Người Đàn Bà Yếu Đuối chinh phục được trái tim người xem nhờ nội dung sâu sắc về số phận người phụ nữ trong xã hội.
Đất Phương Nam
Chuyển thể từ tiểu thuyết Đất Rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, bộ phim truyền hìnhĐất Phương Nam (1997) nhận được nhiều tình cảm của đông đảo khán giả khi phát sóng. Câu chuyện của cậu bé An đi tìm cha giữa vùng sông nước Nam Bộ cuốn hút và đầy thú vị.
Bên cạnh việc tập trung vào hành trình tìm cha của bé An, Đất Phương Nam đồng thời khắc họa cuộc sống của người dân Nam Bộ trong thời kỳ thực dân Pháp quay lại xâm lược. Họ phải sống trong áp lực của phong kiến và thực dân rồi trở thành những người nông dân khởi nghĩa. Lưu lạc giữa dòng đời, An được đồng bào cưu mang, bao bọc, giúp cậu vượt qua những khó khăn. Đất Phương Nam ghi dấu bởi cốt truyện nhân văn và cảm động, đây cũng là bộ phim dài tập đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ.
Đất Phương Nam giúp các diễn viên nhí trở nên nổi tiếng và được khán giả yêu mến như Hùng Thuận, Phùng Ngọc. Vai diễn An của Hùng Thuận thành công đến nỗi mà sau 17 năm, nhiều khán giả vẫn yêu mến gọi Hùng Thuận là bé An và các vai diễn của Hùng Thuận sau này vẫn không thể qua nổi cái bóng của vai An thuở nào. Còn Phùng Ngọc, sau vai thằng Cò, anh đóng thêm một phim rồi hoàn toàn mất tích trên màn ảnh.