Hồ Quốc Khánh, người con trai thứ ba trong gia đình trầm ngâm nhớ về cuộc đời và những vai diễn của mẹ mình, NSƯT Thu An.
"Mẹ tôi là người đam mê với nghiệp diễn, dường như nó đã ăn sâu vào trong máu và trở thành một phần cuộc sống của cụ. Cả đời đi đóng kịch, đóng phim, đến khi về hưu vẫn đau đáu với nghề. Cụ từng ngồi bán nước trà chỉ vì muốn hàng ngày tiếp xúc với những con người giản dị và đời thường nhất. Để rồi suy ngẫm về cuộc sống và cả những vai diễn của mình trên màn ảnh.
Năm 2009, cụ bị gãy xương chậu, đến năm 2010 thì bị ngã tới mức phải nằm một chỗ. Vậy mà chỉ cần còn có chút sức khỏe, là cụ sẵn sàng đi theo những vai diễn. Niềm đam mê lớn quá, khi bị bệnh tật không nói, chỉ cần khỏe là sẵn sàng đi đóng phim. Khi ngồi bán nước trông cụ có cảm giác người đã yếu lắm, nhưng chỉ cần có người mang kịch bản đến nói “có vai này cụ có đóng được không?” là giống như có sức mạnh vô hình gì đó đẩy đi, cụ lại vội vã theo đoàn làm phim. Nhiều lúc con cháu sợ cụ mệt, nhưng niềm đam mê của cụ lớn quá, cũng chẳng ai dám ngăn, thôi thì còn sức lực, còn sống ý nghĩa với cuộc đời. Mặc dù mẹ tôi đam mê nghệ thuật, nhưng các con và cháu của cụ lại không ai theo con đường nghệ thuật. Có lẽ với nghệ thuật cũng cần có cái duyên. Nhưng chúng tôi có tâm hồn yêu nghệ thuật, có lẽ thế cũng là đủ...". Người con trai của NSƯT Thu An nghẹn ngào không nói tiếp nên lời... Những bức ảnh hiếm hoi...
Nguyên giám đốc nhà hát kịch Hà Nội, đạo diễn Hoàng Quân Tạo, một trong những người đầu tiên tuyển dụng và tổ chức thành lập đoàn kịch Hà Nội bồi hồi nhớ lại người đồng nghiệp gắn bó với mình từ những ngày đầu khó khăn thời bao cấp. Thấm thoắt mà đã hơn 40 năm... "Thu An không đóng vai chính nhiều, kể cả trên kịch lẫn phim truyền hình. Nổi tiếng trên sân khấu kịch với Bức tranh mùa gặt, Thu An mới bước vào đóng phim truyền hình, mặc dù trong vở đó Thu An chỉ là nhân vật chính thứ, nhưng lại nổi tiếng hơn cả nhân vật chính của vở kịch. Có thể khi xem vở kịch Bức tranh mùa gặt hay Giờ phút quyết định người ta quên nhân vật chính, nhưng sẽ nhớ ngay đến Thu An.
Thu An hóa thân rất tài tình vào mỗi vai diễn, từ một vai xẩm sang vai người tư sản theo địch di cư vào Nam hay người nông dân đều rất đạt. Không vào được những vai trẻ, sang trọng nhưng ngược lại lại rất chịu suy nghĩ, giàu sáng tạo. Ví dụ vai má Bảy, vai xẩm là vai phụ nhưng đều tạo được tính cách riêng không lập lại, mỗi vở kịch là một tâm hồn khác, tính cách khác, dáng dấp, động tác tới phát âm của mỗi tầng lớp khác...". Đến bây giờ, hơn 40 năm đã trôi qua mà người đạo diễn đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm vẫn giữ được những tấm hình hiếm hoi của NSƯT Thu An khi bà còn là diễn viên của Nhà hát kịch Hà Nội...
Và một số vai diễn khác: