PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Những 'cái khó' đang kìm hãm điện ảnh Việt

Thứ ba, 27/08/2013 14:20

Vậy, điều gì đang kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt.

Châu Á đang có những nền điện ảnh phát triển mạnh mẽ, không ngừng phát triển trong châu lục và đang dần vươn ra thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… Ngay cả trong khu vực Đông Nam Á, nền điện ảnh Thái Lan, Indonesia cũng có những bước đi đáng kể. Còn với điện ảnh Việt, dù ngày có nhiều phim ra rạp hơn nhưng về chất lượng nội dung và nghệ thuật thì vẫn còn nhiều điều phải bàn. Nhìn kỹ ra, ta thấy vẫn còn nhiều thứ đang kìm hãm điện ảnh nước nhà.

Nhà sản xuất chỉ nhìn vào doanh thu

Số lượng phim ra rạp của điện ảnh Việt Nam không ngừng tăng lên theo từng năm. Nhưng chất lượng các bộ phim lại đi xuống, nhà sản xuất phim “sợ” lỗ nên tìm mọi cách để truy hồi vốn và có được lợi nhuận khi phim ra rạp. Dễ dàng nhận thấy được điều này qua một số bộ phim như Hello cô Ba, Thiên sứ 99, Nhà có 5 nàng tiên, Lệnh xóa sổ, Biết chết liền… Đặc điểm chung của những bộ phim này là ít đầu tư vào nội dung, thay vào đó là tìm những yếu tố mà khán giả tò mò để gây chú ý như: mời các diễn viên quen thuộc được được yêu mến; chọn những hotboy, hotgirl làm diễn viên; đánh mạnh vào yếu tố câu khách; tập trung quá nhiều vào cảnh đánh đấm…

Vì vậy, nhiều bộ phim được các nhà phê bình và truyền thông đánh giá thấp, nội dung nhạt nhưng vẫn liên tục lập kỷ lục về doanh thu phòng vé. Có lẽ, giá trị thương mại là quan trọng trong một nền điện ảnh gắn liền với kinh tế thị trường. Ở một mặt khác, ngoài giá trị của đồng tiền, các nhà sản xuất và làm phim cần chú trọng vào yếu tố chất lượng nội dung và nghệ thuật nhiều hơn để vươn xa hơn ra khỏi biên giới Việt Nam và đến với thế giới.

Hệ thống giáo dục phim ảnh chưa đảm bảo

Cũng như các ngành học khác tại Việt Nam, điện ảnh với cơ sở vật chất vẫn còn thiếu và yếu nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu của những học viên có niềm đam mê. Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển, vì thế để đòi hỏi một môi trường đào tạo và hoạt động điện ảnh so với chuẩn chung của các nước phát triển và có nền điện ảnh tiên tiến thực sự là một điều khó khăn. Với một môi trường học tập vẫn còn lạc hậu so với thế giới thì việc cho ra đời những nhà làm phim và diễn viên tài năng là rất khó.

Thực tế cho thấy nhiều bạn tốt nghiệp những trường đào tạo trong nước vẫn đang loay hoay với con đường của mình, những người có thực lực và điều kiện hơn thì tiếp tục du học ở những nền điện ảnh phát triển để tìm tòi và học tập những thứ mới mẻ hơn. Một đạo diễn trẻ từng là thủ khoa của trường Đại học sân khấu điện ảnh, sau khi tiếp xúc với những nền giáo dục điện ảnh tốt hơn, cũng cho rằng anh đã “có một môi trường thuận lợi cho sáng tạo. Chứ ở Việt Nam, chưa có những điều đó”.

Người trẻ ít có cơ hội làm phim

Những nhà làm phim trẻ của ngày hôm nay, trong tương lai chính là những người sẽ tạo nên bộ mặt của nền điện ảnh Việt Nam. Nhưng dường như chính những người trẻ này lại chưa được tạo nhiều điều kiện để tham gia vào điện ảnh. Thực tế thì trong những năm gần đây đã có một phong trào làm phim ngắn trong giới trẻ, nhiều dự án hỗ trợ người trẻ làm phim. Thành quả mang lại từ những điều này lại không nhiều, đa số các tác phẩm phim ngắn của các bạn lại kém về mặt chất lượng với nội dung hời hợt.

Những tác phẩm có chất lượng tốt thì chính những nhà làm phim có niềm đam mê phải bỏ tiền túi của mình ra để sản xuất những bộ phim đó mặc dù biết rằng lợi nhuận từ sản xuất phim ngắn hầu như sẽ là con số 0. Việc đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Huy được mời đạo diễn phim Đường đua, có thể nói là hiện tượng cá biệt trong thế hệ trẻ, khi được nhà sản xuất phim Hồng Ánh phát hiện tài năng và mời cộng tác. Điện ảnh Việt vẫn cần nhiều những sự hỗ trợ từ phía nhà nước và các nhà tài trợ để các nhà làm phim thể hiện được tài năng, nhiệt huyết và lòng đam mê.

Theo Baodatviet.vn
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới