Chân trời tím (cuối 1969, đầu 1970)
Giai đoạn điện ảnh Việt Nam từ năm 1970 có nhiều đổi mới, phát triển, từ việc ra đời nhiều giải thưởng điện ảnh tới việc sản xuất phim màu và các đề tài làm phim đa dạng hơn. Trong đó, một đề tài hấp dẫn được các nhà làm phim khai thác là thế giới giang hồ, vũ nữ với những phim Sau giờ giới nghiêm, Xa lộ không đèn, Mãnh lực đồng tiền, Loan mắt nhung…
Cuối năm 1969, đầu năm 1970, bộ phim Chân trời tím được ra đời với chi phí sản xuất khổng lồ 14 triệu đồng thời kỳ đó. Bên cạnh nữ diễn viên chính Thanh Lan, nữ diễn viên Kim Vui đảm nhận vai Liên, một ca sĩ phòng trà, cũng để lại nhiều dấu ấn mạnh mẽ.
Thời đó, cảnh diễn viên nữ khỏa thân hay cảnh chăn gối là một điều vẫn còn rất e ngại. Trong bộ phim này, Kim Vui có dịp mặc áo tắm và khỏa thân trước giá vẽ của nhân vật họa sĩ.
Những đường cong cơ thể tuyệt mĩ của nữ diễn viên này từng được nhà phê bình Hồ Trường An miêu tả rất mãnh liệt: “Kim Vui mặc áo dài thì áo dài phải mang ơn chị, vì nhờ chị mà áo mới đạt được cái đẹp trong công việc bợ ngực bó eo người mặc. Cái eo của chị thon, lưng chị dài, đùi chị cũng dài, ngực và mông chị đều cao và lồng lộng nét tròn mê hoặc. Chị mặc áo đầm hở vai, và mang găng tay kéo lên khuỷu tay, áo và găng đều bằng nhung đỏ hay nhung đen thì quá choáng lộn, quá bốc lửa như Rita Hayworth trong phim Gilda. Kim Vui cuốn tóc từng lọn boucles anglaises thì đẹp và sang như bà hoàng”.
Vậy là ở trong Chân trời tím, khán giả được tận mắt kiểm nghiệm những lời “có cánh” đó. Vào vai một ca sĩ phòng trà xinh đẹp, tài sắc nhưng luôn cô đơn, Kim Vui và bạn diễn nam Ngọc Đức có cảnh “khóa môi” trên giường được diễn tả rất chân thực. Cũng chính nhờ vai Liên, Kim Vui đoạt giải Văn học nghệ thuật toàn quốc khi đó.
Tiếng hát học trò (1970)
Đây là một bộ phim tâm lý dành cho lứa tuổi mới lớn của đạo diễn Thái Thúc Nha, được nữ diễn viên Thanh Lan đảm nhiệm vai chính. Trong phim, Thanh Lan vào vai một cô nữ sinh mới lớn, trải qua những giai đoạn khó khăn về tinh thần do tan vỡ mối tình đầu, chán chường cuộc sống. Trong một cảnh phim, Thanh Lan ôm chặt hai cánh tay mình cô đơn, trống trải, ánh mắt buồn bã và tuyệt vọng. Cô chỉ che hờ phần cơ thể phía trước bằng một tấm chăn trắng mỏng, phía sau là tấm lưng trần mỏng manh.
Đây là vai chính đầu tiên tron sự nghiệp điện ảnh của “nữ diễn viên, ca sĩ đẹp nhất miền nam Việt Nam" này (danh hiệu mà Thanh Lan được đạo diễn Lê Dân trao vào cuối năm 1974). Cũng chính vai diễn của Tiếng hát học trò đã mang tới cho cô giải nữ diễn viên nhiều triển vọng tại Giải thưởng văn học nghệ thuật trước năm 1975.
Cô gái trên sông (1988)
Từ bài thơ “Tiếng hát sông Hương” của nhà thơ Tố Hữu, đạo diễn Đặng Nhật Minh viết và sản xuất nên bộ phim Cô gái trên sông, được xếp vào một trong những tác phẩm phim truyện nhựa kinh điển của điện ảnh Việt. “Trên dòng Hương Giang/ Em buông mái chèo/ Trời trong veo/ Nước trong veo/ Em buông mái chèo/ Trên dòng Hương Giang/ Trăng lên trăng đứng trăng tàn/ Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng…”. Nghệ sĩ ưu tú Minh Châu khi đó được đảm nhiệm vai nữ chính là Nguyệt, một cô gái điếm lênh đênh trên sông Hương thời chống Mỹ. Thời đó không ai dám chiếu bộ phim, bởi theo như đạo diễn Đặng Nhật Minh giải thích, “bộ phim bị coi là đã bôi nhọ hình ảnh người chiến sĩ cách mạng”. Phải tới LHP Việt Nam lần thứ 8, phim mới được minh oan bằng giải Bông Sen Bạc, nữ diễn viên Minh Châu cũng giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc.
Trong phim, nhân vật Nguyệt đã cứu một đồng chí cộng sản trong đêm truy lùng của cảnh sát ngụy. Chính bởi cảnh cả hai cùng nằm trong chăn, chỉ thò bàn chân ra ngoài đã khiến đám lính ngụy lầm tưởng họ là một đôi tình nhân trên thuyền và bỏ qua. Sau đêm gặp gỡ định mệnh ấy, Nguyệt rơi vào những giằng xé tình cảm giữa người tình cũ là một sĩ quan cộng hòa với người chiến sĩ cộng sản cô vừa cứu. Viết về cuộc đời của một cô gái điếm, vậy nên, nhân vật Nguyệt của nghệ sĩ Minh Châu nhiều lần phải cởi áo trong phim. Vì những ánh mắt, những quan niệm còn rụt rè về chuyện khỏa thân trên phim mà ban đầu diễn viên Minh Châu một mực từ chối đóng những cảnh này. Sau khi được nhà quay phim năn nỉ, cô mới bằng lòng. Cho tới giờ, nữ nghệ sĩ này vẫn khóc vì Cô gái trên sông.
Những cảnh khỏa thân của Nguyệt thật gợi cảm. Tấm lưng trần trắng phau nằm úp xuống tấm phản đặt trên thuyền, một gương mặt đẹp như một bông hoa rừng. Rồi cảnh tắm trên sông Hương toát lên vẻ đẹp nõn nà của một người con gái đẹp. Cả những cảnh làm tình cũng được quay một cách nghệ thuật, để nói lên cuộc đời của một cô gái “trên sông”. Những phân cảnh ngắn nhưng không thể thiếu ấy không phải là điều duy nhất đọng lại, đặc biệt với khán giả thời ấy, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã mang tới những chân giá trị mà không phải ai cũng dám nói.
Anh chỉ có mình em (1992)
Bộ phim hai năm liên tiếp đoạt giải mai vàng năm 1993, 1994, nam diễn viên chính Lê Công Tuấn Anh và nữ diễn viên chính Thu Hà đều giành giải diễn viên chính xuất sắc.
Trong hồi ức về câu chuyện tình yêu đẹp giữa Hoan (Lê Công Tuấn Anh) và Vân (Thu Hà), cảnh hai người cùng trao nhau đêm tình yêu trước khi chia tay được miêu tả quá chân thực tới mức bị những kẻ xấu lạm dụng đăng trên mạng với những tiêu đề sai lệch.
Điều đáng chú ý hơn cả trong bộ phim không phải là cảnh “yêu” say đắm của đôi bạn trẻ này, mà chính là câu chuyện sự thật tàn khốc về hậu quả của chiến tranh với những chiếc giấy báo tử không chính xác khiến người hậu phương đau đớn mà người trở về cũng rơi vào bi kịch. Bộ phim đề cao tình yêu và sự chung thủy, điều có giá trị hàn gắn những vết thương trong thời kỳ chiến tranh.