Họ là những nam diễn viên đã bị đóng đinh vào những vai diễn phản diện trên màn ảnh.
Nguyễn Hải
Nghệ sĩ Nguyễn Hải sinh năm 1958, hiện là trung tá, Phó trưởng Đoàn kịch nói Công an Nhân dân. Đã hơn 20 năm trong nghề diễn viên, đồng thời là một chiến sĩ công an, nhưng anh lại vào các vai tội phạm rất thành công.
Anh đã khẳng định tên tuổi với những vai phản diện ấn tượng trong các bộ phim: “Chuyện làng Nhô”, “Cổ cồn trắng”, “Cái chết con thiên nga”, “Bí mật cuộc đời”, “Chạy án”…
Tâm sự về những vai diễn "ác" trong phim, nghệ sỹ cho biết, mình vẫn chưa chán vì suốt ngày được giao vai kẻ xấu: "Nếu chán thì chẳng nhận làm nữa, nhưng mà cũng hơi buồn vì chẳng đạo diễn nào dám cho tôi làm vai chính diện nữa".
NSƯT Trần Đức
Nhắc đến Trần Đức là khán giả nhớ về người chuyên đóng những vai phản diện như giám đốc tham nhũng, quan chức biến chất, trùm xã hội đen hay những gã lăng nhăng chuyên ve vãn phụ nữ trong các phim "Chạy án", "Đầm lầy bạc", "Lời thú nhận của Eva"... Nhưng ai gặp Trần Đức ở ngoài đời đều không khỏi ngạc nhiên bởi khác với tạo hình "ác" trên phim, ông hiện đang là một thầy giáo "chính hiệu", giữ cương vị Trưởng khoa Sân khấu Điện ảnh và Múa, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
NSƯT Trần Đức cười: "Nhiều người gặp tôi đều bảo: "Anh trên phim thấy kinh lắm nhưng ở ngoài thì không hề… kinh". Theo Trần Đức, ông được đạo diễn mời đóng vai phản diện nhiều nhất là từ khi quyết định theo kiểu đầu húi cua. Hình như nhìn khuôn mặt ông, cộng thêm cái đầu húi cua nữa là các đạo diễn không ai bảo ai, nhất quyết nhắm ông vào vai phản diện. Nhiều khi, chỉ cần đạo diễn đưa kịch bản làTrần Đức đã biết mình vào vai gì, đến nỗi, ông đùa rằng: "Thèm được đóng vai lương thiện mà cũng không cho".
NSƯT Trần Nhượng
Với gia tài gần 100 bộ phim thì cũng chừng ấy vai diễn phản diện, NSƯT Trần Nhượng giờ đây luôn ước mơ được đóng một vai “người tốt”. Ông cho biết: "Tôi đã chán vai phản diện rồi!".
Bị đóng đinh vào những vai phản diện nhiều đến nỗi, chính bản thân nghệ sỹ đôi khi cũng thắc mắc là không hiểu vì sao. Tuy có chạnh lòng đôi chút nhưng Trần Nhượng lại nghĩ, chỉ cần ngoài đời mình sống tốt và mọi người xung quanh biết là được. Còn điện ảnh, sân khấu là một cuộc sống khác.
"Đúng là những vai diễn phản diện của tôi đã thành công, được khán giả “nhớ mặt, đặt tên”. Những năm 1980, tôi chuyên đóng vai chính diện trong các phim, kịch truyền hình, đó là những vai thương binh, chủ nhiệm hợp tác xã, nông dân, nhà giáo… có tính cách chịu đựng, mẫu người khắc khổ. Khi béo lên một chút, các đạo diễn mời tôi vào vai phản diện. Tôi không nhớ chính xác đã tham gia bao nhiêu phim có vai phản diện nhưng thực lòng tôi vẫn muốn thay đổi hình ảnh của mình trong mắt khán giả" - nghệ sỹ tâm sự.
Duy Thanh
Duy Thanh cũng là một trong số những diễn viên rất có duyên với vai phản diện. Trời phú cho Duy Thanhcó khuôn mặt và dáng vẻ uy nghi để vào những vai "quan trọng" nhưng bị biến chất: một bí thư Đảng uỷ xã đầy mưu mô, tìm mọi cách để hạ bệ chủ tịch xã (Đất và người); một phó chủ tịch xã chuyển sang làm giám đốc lâm trường, tiếp tục cấu kết với lâm tặc phá rừng đầu nguồn (Khi đàn chim trở về)...
Nhưng ngoài đời, anh thực sự là một diễn viên nghiêm túc, một người tham công tiếc việc. Nghệ sỹ cho biết,Duy Thanh ngoài đời cũng "ghê" nhưng không đến mức như trên phim.
Quốc Quân
Ngoài những vai diễn hài trong thời gian gần đây thì khán giả nhớ đến Quốc Quân là người chuyên đóng các vai lưu manh, đểu cáng, đi bắn, cướp mang theo súng ống... "Không phải diễn viên nào cũng thích những nhân vật như vậy" - Quốc Quân tâm sự - "Nhưng may mắn khi tôi bước sang lĩnh vực hài, khán giả lại thấy một Quốc Quân khác, hài hước và vui vẻ, thế là họ lại dung hòa cho mình".
Quốc Quân cũng cho biết, dù chuyên đóng vai "ác", anh vẫn cảm thấy vui khi được khán giả nhớ đến chứ không hề chạnh lòng, bởi vai diễn là con người trên phim chứ không phải con người ngoài đời thực.