Phi Nga
Phi Nga vốn là một diễn viên sân khấu nhưng bà lại có duyên với điện ảnh và nổi tiếng trên mảnh đất này. Bà được biết đến nhờ vai Hoài trong bộ phim kinh điển Chung một dòng sông. Đây là bộ phim truyện nhựa đầu tiên và là tác phẩm không thể không nhắc đến trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.
Để có được vai diễn trên, Phi Nga đã vượt qua rất nhiều thử thách, đặc biệt là niềm tin đối với thành phần chủ chốt của đoàn phim. Vì Phi Nga xuất thân là diễn viên sân khấu nên khả năng ăn nhập với điện ảnh khá gian nan. Song bằng tình yêu mãnh liệt đối với vai Hoài cùng tài năng của mình, Phi Nga đã hoàn thành vai diễn rất ấn tượng.
Nhận xét về nữ diễn viên này, đạo diễn Hải Ninh từng nói: “Từ trước cách mạng, nước ta cũng đã có người đóng phim, chẳng hạn như Nguyễn Tuân trong phim Cánh đồng ma, nhưng phải đến Phi Nga trong Chung một dòng sông thì lần đầu tiên công chúng rộng rãi mới biết đến một diễn viên điện ảnh đích thực. Diễn xuất của Phi Nga ngay từ vai diễn đầu tiên đã rất “điện ảnh”, nghĩa là rất tự nhiên, giản dị, sống động. Một người chưa qua bất kỳ lớp đào tạo diễn xuất nào trong điện ảnh, làm được thế thực là rất đáng quý”.
Ngoài vai diễn xuất sắc trên, Phi Nga còn tham gia các phim: Vật kỷ niệm, Trên vĩ tuyến 17, Rừng O Thắm, Vợ chồng Anh Lực, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… NSND Trà Giang
Trong hàng ngũ những nữ diễn viên thời kỳ phim đen trắng, Trà Giang là một tên tuổi xuất chúng. Bà tham gia nhiều phim và đa phần là những bộ phim lớn của điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu.
Một ngày đầu thu là bộ phim đầu tiên NSND Trà Giang tham gia. Sau đó, bà đóng vai chính trong hai tác phẩm nổi tiếng: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm và Chị Tư Hậu. Đây là hai bộ phim nổi tiếng nhất trong sự nghiệp diễn viên của Trà Giang và cũng là những tác phẩm đỉnh cao của điện ảnh Việt Nam thời phim hai màu đen trắng.
Ngoài ra, Trà Giang còn là “nàng thơ” trong phim của nữ đạo diễn NSND Bạch Diệp. Bà hóa thân thành công vai Nhân trong phim Ngày lễ thánh và vai Hương trong tác phẩm Huyền thoại người mẹ. Diễn xuất tự nhiên của Trà Giang luôn được NSND Bạch Diệp đánh giá rất cao và luôn cưng chiều trong phim của mình.
Các bộ phim nổi tiếng khác của NSND Trà Giang còn phải kể đến: Bài ca ra trận, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu… NSND Như Quỳnh
Năm 19 tuổi, NSND Như Quỳnh đã có vai diễn đầu tiên khá thành công trong phim Bài ca ra trận. Bước vào tuổi 20, bà gây ấn tượng mạnh mẽ khi hóa thân hoàn hảo vai cô Nết khổ cực trong phimĐến hẹn lại lên. Với thành công này, Như Quỳnh đã đoạt giải Diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 3, tổ chức vào năm 1975.
Thời kỳ phim đen trắng, Như Quỳnh còn gây tiếng vang với nhiều vai diễn xuất sắc khác. Bà hóa thân ấn tượng vai Nguyệt trong phim Hà Nội mùa chim làm tổ, vai Diễm Hương bi thương trong tác phẩm ngọt ngào Mối tình đầu. Hai tác phẩm phim đen trắng nổi tiếng Ngày lễ thánh và Hy vọng cuối cùng đều là những mốc son trong sự nghiệp của bà.
Có thể nói sự nghiệp diễn viên của NSND Như Quỳnh trải dài trên hai lĩnh vực điện ảnh và truyền hình. Ở “sân chơi” nào bà cũng để lại những dấu ấn khó quên. Bà từng được đài SBS vinh danh với giải thưởng Diễn viên nước ngoài xuất sắc nhất nhờ vai diễn bà mẹ trong phim Cô dâu vàng của đài này.
Như Quỳnh còn là gương mặt được nhiều đạo diễn Việt kiều và nước ngoài săn đón khi quay phim tại Việt Nam. Bà thành công với những nhân vật trong các tác phẩm lớn của đạo diễn Trần Anh Hùng làMùa hè chiều thẳng đứng và Xích lô. NSƯT Lê Vân
Đối với dân mộ điệu điện ảnh Việt Nam, NSƯT Lê Vân là diễn viên đẹp và tài năng bậc nhất thời kỳ phim đen trắng.
Với gương mặt đẹp và sáng cùng tài diễn xuất đa dạng, Lê Vân được các đạo diễn tin tưởng chọn lựa đóng các vai diễn lớn. Một trong số đó có đạo diễn Đặng Nhật Minh – tác giả của tác phẩm Bao giờ cho đến tháng Mười.
Với vai Duyên trong Bao giờ cho đến tháng 10 đã đem đến cho NSƯT Lê Vân giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985. Diễn xuất của Lê Vân trong bộ phim này được nhiều người yêu thích và ngợi ca. Ánh mắt khổ sầu của người phụ nữ mất chồng, hết lòng vì nhà chồng để nhận lấy đau thương cho riêng mình, Lê Vân khiến người xem thổn thức đến “nổi cả da gà.”
Ngoài vai diễn đình đám trên, NSƯT Lê Vân còn thành công với vai chị Dậu khổ cực trong tác phẩm cùng tên của đạo diễn NSND Phạm Văn Khoa. Người ta kể lại rằng, khi bắt đầu làm phim Chị Dậu, mặc dù mọi khâu đã hoàn tất nhưng vì chưa tìm được diễn viên ưng ý để vào vai chị Dậu nên 5, 6 năm đạo diễn Phạm Văn Khoa vẫn kiên quyết không bấm máy cho đến khi gặp được nghệ sĩ Lê Vân. Và không phụ lòng tin của đạo diễn, Lê Vân đã hoàn thành vai diễn xuất sắc.
Bên cạnh hai vai diễn bất tử trong hai tác phẩm trên, NSƯT Lê Vân còn thành công trong các phim nổi tiếng: Đêm hội Long Trì, Thương nhớ đồng quê… NSƯT Minh Châu
Nữ diễn viên xinh đẹp Minh Châu là một gương mặt lớn của điện ảnh Việt Nam. Bà ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người hâm mộ với những vai diễn vô cùng cá tính trên màn ảnh.
Xem bà diễn, người ta có thể cảm nhận thấy tình yêu của bà dành cho điện ảnh rất sâu đậm. Có lẽ vì thế, vai diễn nào của NSƯT Minh Châu cũng đều có hồn, có chiều sâu và chất riêng.
Trong sự nghiệp diễn viên đình đám của mình, NSƯT Minh Châu thành công với nhiều dạng vai trên cả màn ảnh rộng lẫn màn ảnh nhỏ. Tuy nhiên, đỉnh cao trong nghề của bà phải kể đến thời kỳ phim đen trắng. Vào thời đó, Minh Châu nổi như cồn nhờ hóa thân xuất sắc vào các hai vai đã trở thành bất tử, trong hai phim Cô gái trên sông và Người đàn bà nghịch cát.
Vai cô gái điếm Nguyệt trong phim Cô gái trên sông đã trở thành bất tử trên màn ảnh Việt nhờ diễn xuất điêu luyện của NSƯT Minh Châu. Diễn xuất có hồn, khắc họa chân thực số phận trắc trở và gian truân của Nguyệt được nữ diễn viên xinh đẹp này hoàn thành xuất sắc. NSƯT Minh Châu đã được trao giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất LHP Việt Nam lần thứ 8 vào năm 1988 nhờ vai này.
2 năm sau đó, NSƯT Minh Châu lại được vinh danh lần thứ hai cùng hạng mục ấy tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 9 với vai Liên trong phim Người đàn bà nghịch cát của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Đây cũng là vai diễn đỉnh cao trong sự nghiệp đầy vinh quang của NSƯT Minh Châu.