1. Nhân vật chị Sứ (diễn viên Hiệp Định) - phim Hòn Đất
Trong bộ phim Hòn Đất của cố đạo diễn Hồng Sến (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của cố nhà văn Anh Đức), vai chị Sứ được giao cho Ngô Thị Hiệp Định (sinh năm 1954). Khi đó bà đang là giáo viên dạy sử của trường Trung học sư phạm TP.Hồ Chí Minh. Do sinh vào lúc hiệp định Geneva được ký nên bà có tên là Hiệp Định. Vai chị Sứ năm 1982 là lần đầu tiên Hiệp Định đóng phim.
Sau vai diễn để đời này, Hiệp Định quay lại với nghề dạy học dù nhận được không ít lời mời đóng phim khác. Suốt 30 năm qua, Hiệp Định vẫn giữ mái tóc dài mượt xõa kín bờ vai như thời đóng vai chị Sứ năm nào. Cô giáo dạy sử nay đã về hưu, hiện bà cùng chồng và con gái thứ hai sống trong một căn nhà ở phường Tân Phong, quận 7, Tp. Hồ Chí Minh.
2. Nhân vật chị Tư Hậu (NSND Trà Giang) - phim Chị Tư Hậu
Chị Tư Hậu là một trong những bộ phim đầu tay của Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1962, được chuyển thể từ tác phẩm Một chuyện chép ở bệnh viện của nhà văn Bùi Đức Ái. NSND Trà Giang, người thủ vai chị Tư Hậu là lứa sinh viên đầu tiên của Trường Điện ảnh sân khấu Việt Nam. Đây là một trong những vai diễn được xem là kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem, giúp NSND Trà Giang giành huy chương bạc Liên hoan Phim Quốc tế Moskva năm 1963.
Ngoài ra, NSND Trà Giang còn tham gia rất nhiều phim như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Làng nổi, Người không biết nói, Ngày thánh lễ…, nhưng ấn tượng về vai diễn trong phim Chị Tư Hậu quá sâu sắc, khiến đến tận bây giờ nhiều người vẫn gọi bà bằng cái tên của nhân vật này. Sau bộ phim Dòng sông hoa trắng (1989-1990), NSND Trà Giang không còn tham gia điện ảnh mà chuyển sang làm kinh doanh, trở thành đại biểu Quốc hội khóa V, VI, VII và thử sức với lĩnh vực hội họa. Hiện NSND Trà Giang đang sống tại TP. Hồ Chí Minh. Con gái bà - Bích Trà - là một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng, từng giành nhiều giải thưởng cả trong và ngoài nước.
3. Nhân vật Mỵ (cố NSƯT Đức Hoàn) - phim Vợ chồng A Phủ
Cố NSƯT Đức Hoàn thuộc lớp nghệ sĩ đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Bà sở hữu tài năng diễn xuất thiên phú và hàng loạt vai diễn ấn tượng. Một trong số đó là nhân vật Mỵ trong phim Vợ chồng A Phủ (1961). Năm ấy, khi vừa tốt nghiệp lớp diễn viên, Đức Hoàn lọt vào mắt xanh của đạo diễn Mai Lộc bởi vẻ đẹp của một thiếu nữ miền sơn cước và ngay lập tức được vào vai Mỵ. Đây là vai diễn đẹp và vinh quang nhất trong cuộc đời Đức Hoàn.
Là cô gái Hà Nội chính gốc nhưng Đức Hoàn đã thể hiện rất thành công vai diễn một thiếu nữ miền cao, gây ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả, tạo ra sức sống lâu bền cho nhân vật dù đã hơn nửa thế kỉ trôi qua. Vai diễn xuất sắc này đem lại cho bà giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ hai năm 1973. Đức Hoàn cũng cho rằng các vai diễn về sau của mình như chị Hoan trong Đi bước nữa, vợ Đoàn trong Bình minh trên rẻo cao, Kiều Trinh trong Sao tháng Tám khó vượt nổi vai Mỵ. NSƯT Đức Hoàn mất vì bạo bệnh vào ngày 2/4/2003 tại Hà Nội, hưởng thọ 66 tuổi.
4. Nhân vật Thị Nở (diễn viên Đức Lưu) - phim Làng Vũ Đại ngày ấy
Thị Nở là một nhân vật kinh điển trong văn học Việt Nam và từng xuất hiện trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy (1984), chuyển thể từ 3 tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao là Sống mòn, Chí Phèo và Lão Hạc. Vai diễn "người phụ nữ xấu nhất trên màn ảnh" được giao cho diễn viên Đức Lưu. Bà tham gia khá nhiều vai diễn, song được nhớ nhất là 2 vai chính trong phim Cô gái công trường và Làng Vũ Đại ngày ấy.
Sau vai Thị Nở, bà từ bỏ nghiệp diễn để về Thành ủy Hà Nội làm ở ban Đối ngoại, giữ chức thư ký thường trực của Ủy ban Đoàn kết với các nước. Thị Nở là vai diễn quá lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của Đức Lưu. Đã có lần bà ngỏ ý với đạo diễn Đặng Nhật Minh muốn đóng vai mẹ của Đặng Thùy Trâm trong phimĐừng đốt, nhưng đạo diễn sợ khi bà xuất hiện trên màn ảnh khán giả lại thốt lên: "Ô Thị Nở" thì hỏng. Năm 2012, nghệ sĩ Đức Lưu được phong tặng danh hiệu NSƯT khi đã ngoài 70 tuổi.
5. Nhân vật chị Dậu (diễn viên Lê Vân) - phim Tắt đèn
Nghệ sĩ Lê Vân, một cô gái Hà Nội quý phái đã vào vai chị Dậu trong bộ phim Tắt đèn (sản xuất năm 1981) của đạo diễn Phạm Văn Khoa một cách đầy thuyết phục. Nhân vật chị Dậu như được "tái sinh" qua diễn xuất đầy cảm xúc của Lê Vân. Vai diễn này đã đưa tên tuổi của diễn viên Lê Vân đến gần hơn với công chúng.
Sau nhân vật chị Dậu, Lê Vân còn đảm nhận một loạt vai diễn ấn tượng trong các bộ phim khác như Duyên trong Bao giờ cho đến tháng 10, Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong Đêm hội Long Trì. Sau khi đóng phim Lời thề (1996), Lê Vân dừng lại ở nghiệp diễn (và nghiệp múa) khi mới 38 tuổi. Năm 2006, chị xuất hiện trở lại với cuốn tự truyện gây tranh cãi Lê Vân, yêu và sống.
6. Nhân vật Thị Mịch (diễn viên Yến Chi) - phim Giông tố
Một tác phẩm khác của nhà văn Ngô Tất Tố lại tiếp tục được các nhà làm phim xây dựng lại, đó là Giông tố. Bộ phim xoay quanh cuộc đời Thị Mịch, một cô gái quê mùa, sắp lấy chồng nhưng trớ trêu thay lại bị Nghị Hách hiếp dâm mà có thai. Từ đó, những biến cố trong cuộc đời ập đến. Trong phim, người ta vẫn nhắc đến NSND Trọng Khôi đầy ấn tượng qua vai diễn Nghị Hách và cũng không quên nhân vật Thị Mịch do Yến Chi thủ vai.
Yến Chi tốt nghiệp khoa diễn viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 1990 và được giữ lại trường giảng dạy, sau đó chuyển vào công tác tại TP.HCM. Hiện chị đang là Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM.
Dù không có nhiều vai diễn, nhưng nhắc đến Yến Chi, người ta nhớ ngay đến Thị Mịch trong phim Giông tố, Duyên trong Mảnh đất tình đời, và gần đây nhất là vai Nam Phương hoàng hậu trong Ngọn nến hoàng cung.
7. Nhân vật bác sĩ Đặng Thùy Trâm (diễn viên Minh Hương) - phim Đừng đốt
Năm 2009, hiện tượng văn học Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được tái hiện lại qua bộ phim Đừng đốt (ban đầu bộ phim mang tên Đừng đốt, trong đó có lửa). Nhân vật Đặng Thùy Trâm do diễn viên Minh Hương thể hiện.
Minh Hương sinh năm 1982, từng tốt nghiệp khoa tiếng Đức của Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện cô đang là Biên tập viên của một đài truyền hình. Mới đây, vai diễn bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã mang về cho nữ diễn viên Minh Hương giải “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim về lòng yêu nước thời chiến “Phòng tuyến Volokolamsk”, Nga.