PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Những phim Việt có kết thúc tranh cãi nhất

Thứ năm, 15/11/2012 09:07

Đoạn kết của những bộ phim Việt này đã làm dấy lên một làn sóng tranh cãi trong dư luận.

Sao em vội lấy chồng

Là bộ phim được sản xuất trong thời kỳ phim "mỳ ăn liền" của Việt Nam, Sao em vội lấy chồng có kết cấu khá đơn giản, đồng thời cũng chạy theo trào lưu tình yêu bi kịch của thời kỳ đó. Phim có sự hội tụ của dàn diễn viên tên tuổi như Việt Trinh, Lê Tuấn Anh, Hồng Đào, Thái San, Hồng Tơ...

Sao em vội lấy chồng xoay quanh câu chuyện tình tay tư của 4 nhân vật Sơn Ca (Việt Trinh) - Lâm (Thái San) - Khắc Bình (Lê Tuấn Anh) - Thiên Trang (Hồng Đào). Trong đó, Sơn Ca và Lâm vốn có tình cảm với nhau từ thuở thiếu thời. Nhưng sau đó, họ chia xa vì khoảng cách địa lý. Sơn Ca lập gia đình với Khắc Bình. Lâm đi học ở nước ngoài và Thiên Trang là người mà anh thường thư từ trò chuyện (Thiên Trang cũng rất yêu Lâm).

Trong nửa cuối phim, Lâm trở về nước và bỗng nối lại tình cảm với Sơn Ca (cô tạm ly thân với chồng vì anh này ngoại tình). Thiên Trang mặc dù rất yêu Lâm nhưng quyết định ra đi để chúc phúc cho hai người. Khi khán giả đinh ninh rằng câu chuyện tình của Sơn Ca và Lâm sẽ kết thúc tốt đẹp ở đây thì bộ phim lại quay ngoắt 180 độ khi để cho Sơn Ca phát hiện ra tình cảm của Thiên Trang dành cho Lâm. Cô quyết định hy sinh tình cảm của mình bằng cách quay lại với chồng, để Lâm và Thiên Trang ở bên nhau.

Việt Trinh

Trong cảnh cuối, khi chồng Sơn Ca đến đón cô, cô vẫn đau khổ khi phải chia tay với Lâm. Đoạn kết này khiến khán giả vô cùng thắc mắc vì độ... vô lý "đùng đùng" của nó. Rất nhiều người bày tỏ:"Phim hay nhưng kết thúc không hợp lý chút nào. Thứ nhất tự dưng vì tình yêu của cô bạn mà tha thứ cho chồng mình. Thứ hai anh chồng nhìn cô vợ chia tay người yêu trong đau khổ mà vẫn chấp nhận được"; "Nếu tôi là đàn ông, tôi chẳng muốn một cô vợ với cái xác không hồn. Kết thúc như vậy gượng ép quá! Sống gượng ép, không hòa hợp thì không khí trong nhà sao mà hạnh phúc được"; "Việt Trinh đóng hay, nhưng nhân vật trong phim của cô mâu thuẫn quá!"...

Chỉ còn lại tình yêu

Là bộ phim nằm trong series phim về Cảnh sát hình sự, Chỉ còn lại tình yêu nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả màn ảnh nhỏ Việt Nam ngay từ những tập đầu phát sóng. Nhân vật chính của phim là Thắng - một cảnh sát hình sự điển trai đang điều tra một vụ án nhằm triệt phá đường dây buôn ma túy, tàng trữ thuốc lắc trên địa bàn thành phố. 

Phim xoay quanh các tình tiết của chuyên án này, khi Thắng phát hiện ra nhiều đầu mối rắc rối, trong đó có Lợi (Việt Anh đóng) - một doanh nhân thành đạt nhưng đồng thời cũng là một tên trùm sản xuất thuốc lắc. Lợi cũng là người đã cướp đi Hiền - người yêu của Thắng và trở thành chồng cô. Nhưng sự thật trớ trêu là bé Cam, con gái Lợi thực tế lại chính là con của Hiền và Thắng.

Việt Anh

Phim hấp dẫn khán giả bởi cuộc đấu trí căng thẳng giữa tội phạm và cảnh sát, giữa hai người đàn ông (Lợi và Thắng) với những mối quan hệ rắc rối "tình - thù". Thế nhưng, đoạn kết phim lại làm cho khán giả "chưng hửng". Đa phần khán giả nhận xét kết phim quá sức vô lý, thiếu các tình tiết dẫn dắt. Trong đó, có việc Thắng đơn thương độc mã đột nhập vào nhà Lợi - bị cho là vô lý vì không có cảnh sát nào lại đơn độc đột nhập vào nhà một tên trùm ma túy lớn. Ngoài ra, ở đoạn cuối, sau khi Lợi bị bắn chết, phim lập tức chuyển đến cảnh gia đình Thắng gồm Thắng, Hiền và bé Cam đoàn tụ trong bệnh viện. Cô bé Cam chỉ cần nghe 1 câu nói của mẹ đã lập tức nhận người xa lạ làm bố, mà không thắc mắc gì nhiều. 

Rất nhiều khán giả tỏ ra bức xúc khi xem đoạn kết phim: "Đoạn kết quá nhanh và đơn giản, còn sự tồn tại của nhân vật Lam nữa cơ mà?"; "Sao kết thúc hụt hẫng vậy? Không nhắc tới Lam sao, hay mẹ của Thắng nhận cháu nội nữa..."; "Không hiểu một kết thúc phim như vậy, tác giả kịch bản nghĩ gì nữa?"; "Kết thúc nhạt quá! Ít ra phải quay cảnh mẹ Thắng biết con mình chưa chết và đoàn tụ với cháu nội chứ"...

Lời thú nhận của Eva

Bộ phim từng phát sóng trên khung giờ vàng của VTV3 năm ngoái này cũng có một đoạn kết làm dấy lên nhiều tranh cãi của khán giả. Phim xoay quanh một nhà biên kịch trẻ có tài - San San, người đã có "tình yêu sét đánh" với Trần Nguyên - ông chủ khó tính góa vợ của một hãng phim lớn. Để chinh phục chàng, San San quyết định dùng "khổ nhục kế" là đóng giả làm osin xin vào nhà Trần Nguyên làm giúp việc.

Ðược mẹ - vốn là một chuyên gia trang điểm, giúp sức, San San buổi sáng là ôsin của ông chủ trẻ, buổi tối lại hóa thành người đẹp sexy để thử nghiệm tình huống trong kịch bản phim của mình đồng thời chinh phục người đàn ông cô yêu.

Bên cạnh San San còn có Nghĩa, cậu bạn thân làm nghề báo luôn ở cạnh giúp đỡ cô. Nhưng thực ra Nghĩa cũng đã thầm yêu San San, điều mà cô không nhận ra mãi cho đến cuối phim...

Huyền Lizzie - diễn viên đóng vai San San trong phim "Lời thú nhận của Eva"

Khác với nhiều phim Việt khác, Lời thú nhận của Eva đã chọn một đoạn kết mở nhưng lại vô cùng... khó hiểu đối với khán giả. Trong cảnh kết phim, San San gặp Trần Nguyên ở đám cưới của mẹ mình. Nhưng lúc tưởng chừng như hai người sẽ đến với nhau thì Nghĩa lại xuất hiện, và cô nàng San San đứng giữa hai người đàn ông của mình, không có một dấu hiệu nào chứng tỏ cô sẽ lựa chọn ai.

Nhiều khán giả xem xong phim còn không ngỡ là bộ phim đã kết thúc. Nhiều người lý luận cho rằng San San sẽ chọn Nguyên, nhưng cũng có người lại bác bỏ và cho rằng cô nàng sẽ chọn Nghĩa. Số còn lại đứng ở giữa và than thở về cái kết "khó hiểu" này: "Làm phim thế này thì đúng là mất công khán giả xem đến tập cuối, kết thúc chẳng ra sao, cứ như đánh đố!"; "Hay là biên kịch không biết nên kết phim ra sao nên bỏ lửng luôn?"; "Chắc là kết thế này vì định làm phần 2"; "Phim hay nhưng kết quá nhảm!"...

Cánh đồng bất tận

Bộ phim điện ảnh này lại gây tranh cãi về đoạn kết phim chủ yếu trong giới phê bình và báo chí. Được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư, đoạn kết của Cánh đồng bất tận có ba chi tiết không giống như trong truyện:

- Một là thay vì kêu tên em mình, Điền, cô bé Nương lại gọi tía.

- Hai là thay vì chỉ cởi áo đắp cho con và bò quanh tìm cách che chắn thân thể con, ông Võ lại ngửa mặt lên và kêu trời.

- Ba là thay vì để Nương hỏi cha một câu run rẩy: "Không biết con bị có con không?", bộ phim lại chuyển sang cảnh mấy tháng sau đó, Nương ôm bụng bầu đi trên đồng lúa thênh thang, ngước mắt trông về ngày mai tươi sáng.

Hình ảnh Nương ôm bụng bầu trong đoạn kết phim "Cánh đồng bất tận"

Nhiều người cho rằng kết thúc phim muốn có hậu hơn trong truyện để không làm "phật ý" khán giả Việt - vốn trung thành với những kết phim "ở hiền gặp lành". Nhưng một bộ phận khán giả yêu mến cuốn sách của Nguyễn Ngọc Tư lại cho rằng kết thúc phim như thế không thỏa đáng và không làm nổi bật được tinh thần của tác phẩm. Chuyển biến tâm lý của người cha cũng quá nhanh và gấp gáp, không phù hợp với tình tiết chung.

Nhưng bộ phận khác lại cho rằng đoạn kết này khá hay, có tính nhân văn sâu sắc, dù chưa đúng tinh thần truyện nhưng lại mở ra một cái nhìn mới, tươi sáng hơn, đặc biệt là câu thoại kết của Nương: "Là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn".

TTVN