Những năm thập niên 70, Nguyễn Chánh Tín là một trong những cái tên được khán giả "nhớ mặt, thuộc tên" nhiều nhất. Với vẻ ngoài lãng tử và lối diễn xuất chuyên nghiệp, chân thực, ông đã giành được những thành tựu khiến nhiều người phải ghen tỵ trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình. Cùng điểm lại những bộ phim đã mang ông tới gần hơn với khán giả:
Vĩnh biệt tình hè (1974)
Vĩnh biệt tình hè được sản xuất năm 1974 do Lê Mộng Hoàng làm đạo diễn. Đây là bộ phim đầu tiên mà diễn viên Chánh Tín được giao vai chính. Trước đó, ông đã được góp mặt trong bộ phimĐời chưa trang điểm của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc với một vai nhỏ.
Trong Vĩnh biệt tình hè, Chánh Tín đã có nhiều cơ hội để khoe hết khả năng diễn xuất của mình. Câu chuyện tình yêu lãng mạn nhưng cũng đầy bi kịch của chàng sinh viên nghèo và cô tiểu thư nhà giàu đã làm nức lòng khán giả ở thời kỳ đó, các suất chiếu đều đầy nghẹt khán giả tuổi teen Sài Gòn cũng như khắp các tỉnh Miền Nam. Cái tên Nguyễn Chánh Tín trở nên “nổi như cồn”, cũng chính nhờ phim này mà ông đã được nhiều đạo diễn, nhiều hãng phim nhận ra được khả năng diễn xuất mà mời hợp tác.
Ván bài lật ngửa (1982 - 1987)
Ván bài lật ngửa là một trong những bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam sau năm 1975. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm của nhà văn Trần Bạch Đằng, kể về quãng đời hoạt động của nhân vật lịch sử có thật ngoài đời - anh hùng liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo với bí danh Chín T. Bộ phim có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên Chánh Tín, Thanh Lan, Thúy An… Cho tới nay, đây vẫn được xem là một đỉnh cao của điện ảnh Việt Nam.
Sự nghiệp điện ảnh của Chánh Tín gắn liền với vai diễn vị Đại tá Nguyễn Thành Luân. Diễn xuất của ông trong phim được đánh giá cao với lỗi diễn chân thật, mới lạ. Với vai diễn để đời này, tại LHP Việt Nam lần thứ 6 năm 1983, Nguyễn Chánh Tín đã giành được giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Vai diễn Nguyễn Thành Luân đã mang lại vinh quang cho đời diễn viên của ông, nhưng đồng thời chính Nguyễn Chánh Tín cũng đã làm cho vai diễn đó có sức sống mãnh liệt trong lòng khán giả điện ảnh cho đến tận bây giờ. Đây cũng là vai diễn đưa Chánh Tín đến với hào quang và danh vọng.
Ngôi nhà oan khốc (1992)
Sau 10 năm kể từ thành công của Ván bài lật ngửa, Nguyễn Chánh Tín quay trở lại phim trường trong một vai trò hoàn toàn mới mẻ: diễn viên chính kiêm biên kịch. Lúc bấy giờ, Ngôi nhà oan khốclà bộ phim hiếm hoi của điện ảnh Việt làm thuộc thể loại phim kinh dị.
Trong phim, NSƯT Chánh Tín vào vai một tỷ phú, sống trong ngôi nhà bị ma ám mà nhiều người đồn rằng đó là oan hồn người vợ quá cố của ông về đòi mạng. Một thời gian sau, Hương – vợ mới của ông đến sống tại ngôi nhà này, lúc đó những bí ẩn bắt đầu hé lộ. Bộ phim đoạt doanh thu 1 tỷ đồng – một con số gây chấn động ở thời kỳ đó. Sau sự thành công vang dội của Ngôi nhà oan khốc, Nguyễn Chánh Tín tiếp tục bắt tay thực hiện tiếp một loạt phim theo đề tài kinh dị khác nhưChiếc mặt nạ da người, Xác chết trên cao nguyên…
Bến sông trăng (2000)
Bộ phim truyền hình được sản xuất vào năm 2000 đã đánh dấu sự trở lại của NSƯT Chánh Tín với dòng phim tâm lỹ xã hội. Trong phim, ông đóng vai "phiên bản già" của diễn viên Chi Bảo - nhân vật bác sĩ Thẩm. Bác sĩ Thẩm yêu một nữ bệnh nhân xinh đẹp của mình nhưng vì hoàn cảnh nên phải chia tay khi cả 2 đã có một đứa con. Cô con gái lớn lên và tiếp nối những câu chuyện éo le của số phận. Dù không còn ở thời kỳ đỉnh cao của diễn xuất, nhưng vai diễn bác sĩ Thẩm của Chánh Tín được đánh giá cao bởi lối diễn chân thật, có chiều sâu. Bộ phim này giành được nhiều tình cảm của nhiều khán giả, chứng tỏ rằng cái tên Chánh Tín vẫn còn nhiều sức hút.
Dòng máu anh hùng (2007)
Bộ phim có đề tài lịch sử này được ra mắt công chúng lần đầu vào năm 2007 và ngay lập tức tạo tiếng vang không chỉ trong nước mà cả trong khu vực. Bối cảnh chính của phim là cuộc khởi nghĩa chống Pháp vào thập niên 1920. Phim có sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng như Ngô Thanh Vân, Johny Trí Nguyễn, Dustin Nguyễn, và đặc biệt, Chánh Tín cũng tham gia diễn xuất bên cạnh vai trò nhà sản xuất. Nhiều thành viên của Hội đồng Duyệt phim quốc gia khi xem Dòng máu anh hùng thời điểm đó đều nhận định, đây là bộ phim võ thuật Việt Nam hay nhất từ trước đến nay. Đây cũng là bộ phim tư nhân có chi phí đầu tư cao nhất lúc bấy giờ và từng gây nên một cơn sốt phim chiếu rạp suốt thời gian dài.
Thế nhưng, không quá khi nói rằng Dòng máu anh hùng là bộ phim định mệnh của Chánh Tín khi chính nó đã đưa ông vào cảnh nợ nần như hiện nay. Kinh phí để thực hiện bộ phim lên tới 1,5 triệu USD, NSƯT Chánh Tin đã phải vay ngân hàng đến 8,3 tỷ. Dù doanh thu trong nước có ấn tượng nhưng bộ phim bị vi phạm bản quyền quá nhiều khi mang công chiếu ở nước ngoài khiến bộ phim thất thu nghiêm trọng, đẩy Chánh Tín vào cảnh nợ nần chồng chất. Từ một người diễn viên đứng trên đỉnh cao danh vọng, cuộc sống lúc về chiều của người nghệ sĩ này trở nên khốn khó hơn bao giờ hết.