PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Oscar châu Á - cuộc "tổng kết" điện ảnh châu lục

Thứ năm, 24/03/2011 16:45

Là giải thưởng thường niên chọn lọc những bộ phim xuất sắc nhất của điện ảnh khu vực, Asian Film Awards (AFA) có thể coi là Oscar của điện ảnh châu Á.

“Rừng Na – Uy” đoạt giải Quay phim

Tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Trần Anh Hùng dựa trên cuốn tiểu thuyết best-seller cùng tên của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami được đề cử tại 3 hạng mục: Nữ diễn viên chính xuất sắc cho người thủ vai Naoko, Quay phim xuất sắc cho nhà quay phim Mark Lee và Thiết kế trang phục xuất sắc cho Trần Nữ Yên Khê. Và Mark Lee đã chiến thắng ở giải Quay phim xuất sắc nhất.

Những cảnh quay ngoại đẹp như mơ giữa thiên nhiên và những cảnh quay nội đẹp như tranh có lẽ là ấn tượng bao trùm rất dễ thấy với bất kỳ ai xem "Rừng Na Uy". Chuyện tình và cả những chuyện không - là - tình của thời thanh xuân của các nhân vật được thể hiện với phong cách hình ảnh có lẽ là rất thích hợp.

 

Những màu sắc tạo hiệu quả thị giác mạnh. Những khuôn hình động mà kể cả trong khi di chuyển máy quay vẫn luôn giữ được bố cục “hoàn chỉnh”. Nhân vật Midori thường xuất hiện trong những khung cảnh tươi sáng và nhân vật Naoko khi nhỏ nhoi ở tận góc của khuôn hình, khi ở trong hay gần thiên nhiên bất ổn lặng lẽ.

Cảnh quay khi Toru nhận được thư của Naoko và chạy như bay lên các bậc cầu thang ký túc xá. Máy quay ở dưới hướng lên, ngước theo những bước chạy hào hứng của anh, lên từng tầng.

Ở một cảnh khác, cũng là những bước chân Toru lên cầu thang, khi anh trở về sau chuyến đi “trả buồn” sau cái chết của Naoko. Máy quay đặt ngang lặng lẽ cùng Toru đi dần lên từng bậc.

 

Không chỉ là 2 trạng thái vui - buồn. Đã là một sự cân bằng hơn - bình thản hơn. Giữa một nhân vật còn XANH với một nhân vật đã đi qua và nếm trải thăng trầm.

… Kỹ thuật quay phim của Mark Lee, nhà quay phim Đài Loan đã từng thực hiện 40 tác phẩm điện ảnh không phải là cái để bàn nhiều. Nhưng vẫn còn nhiều cái thú vị khác.

Những khuôn hình tĩnh đôi khi xuất hiện hơi đột ngột, như vứt một bức tranh vào một tập tranh. Một cảnh quay 2 nhân vật ôm nhau dưới trời tuyết mà sau đó đạo diễn bảo rằng, đó là cảnh đám cưới. Là những ấn tượng thích thú khi xem “Rừng Na – Uy”. Sự lặp lại của Cannes 2010

Ở LHP Cannes năm 2010, người ta chứng kiến sự biểu dương lực lượng của điện ảnh châu Á, với 6/19 phim tranh giải chính thức (2 Hàn Quốc, 1 Iran, 1 Nhật Bản, 1 Trung Quốc và 1 Thái Lan).

Khi đó, các đại diện của châu lục này đã dành những giải thưởng quan trọng, như: Giải Phim xuất sắc nhất cho tác phẩm "Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives" (Thái Lan), giải Kịch bản xuất sắc nhất cho “Peotry” (Hàn Quốc) và giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho diễn viên Pháp Juliette Binoche trong phim "Certified Copy" (Iran).

 

 Cảnh trong phim "Bác Bonnmee" của Thái Lan

Ở giải thưởng điện ảnh châu Á năm nay, kết quả này lại được lặp lại.

Giải thưởng Phim hay nhất châu lục tiếp tục thuộc về bộ phim đã dành giải Cành cọ Vàng 2010 của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul – “Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives” (Bác Bonnmee, người có thể thấy được kiếp trước). Lấy cảm hứng từ một cuốn sách Phật giáo, bộ phim có chủ đề về sự đầu thai này đã vượt qua những tác phẩm của Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Bộ phim nổi bật khác của Cannes 2010 – “Peotry” (Thơ) của đạo diễn Lee Chang Dong dành 2 giải thưởng quan trọng khác: Giải Kịch bản xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Cách đây 3 năm, vị đạo diễn từng là Bộ trưởng Bộ Văn hoá và Du lịch Hàn Quốc này cũng đã từng có chiến thắng kép tương tự ở 2 giải thưởng điện ảnh quốc tế và khu vực này: Phim hay nhất - Diễn viên chính xuất sắc nhất ở LHP Cannes 2007 rồi giải thưởng điện ảnh châu Á 2007.

 

 Cảnh trong phim "Thơ" của Hàn Quốc

Được đề cử ở cả 2 hạng mục: Nữ diễn viên chính - phụ xuất sắc nhất, “The Housemaid” (Người giúp việc) - bộ phim Hàn Quốc từng tranh giải tại LHP Cannes của đạo diễn Im Sang Soo đã chiến thắng ở hạng mục Nữ diễn viên phụ.

“Aftershock” (Đường Sơn đại địa chấn), bộ phim gây xôn xao dư luận trong năm qua của đạo diễn ăn khách Phùng Tiểu Cương (Trung Quốc) nhận 4 đề cử và dành chiến thắng ở 2 hạng mục: Nữ diễn viên và Hiệu ứng hình ảnh.

Với vai diễn người mẹ buộc phải chọn lựa 1 trong 2 đứa con giữa cơn động đất kinh hoàng dựa trên một sự kiện có thật, Tử Phàm đã vượt qua các tên tuổi nổi tiếng hơn của điện ảnh châu Á, như: Jeon Do Yeon, Dương Tử Quỳnh, Rinko Kikuchi…

Ở hạng mục Nam diễn viên chính, những gương mặt quen thuộc của điện ảnh Hoa ngữ như Châu Nhuận Phát và Cát Ưu đều đứng sau Ha Jung Woo – nam diễn viên trẻ của Hàn Quốc, trong bộ phim “The Yellow sea” (Biển vàng).

 

 Cảnh trong "Đường Sơn đại địa chấn" của Trung Quốc

"Peepli Live" - bộ phim Ấn Độ từng được đề cử Giải thưởng lớn tại LHP Sundance (LHP độc lập lớn nhất thế giới) nhận giải dành cho Nhạc phim và bộ phim "I saw the Devil" của Hàn Quốc dành giải Dựng phim... Năm ngoái, bộ phim "Chơi vơi" của Việt Nam nhận 3 đề cử (Kịch bản, Quay phim và Âm nhạc). Năm nay, điện ảnh Việt Nam không có đại diện nào lọt vào vòng đề cử của AFA.

Cuộc tổng kết của điện ảnh châu Á Ra đời năm 2007, Asian Film Awards (AFA) được các nhà sáng lập tự hào là giải thưởng uy tín vinh danh các nhà làm phim và các thành tựu điện ảnh trên toàn lãnh thổ. Đây có thể coi là Oscar của điện ảnh châu Á, với việc công bố danh sách đề cử và trao giải hàng năm ở 14 hạng mục, đối với các bộ phim của các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, khác với Oscar chỉ cho phép mỗi nước ngoài Mỹ tự chọn lựa một đại diện duy nhất của mình (rồi trên cơ sở đó Viện Hàn lâm mới chọn ra danh sách đề cử), AFA có một Hội đồng đề cử và một Ban giám khảo đích thân làm công việc chọn lựa phim từ đầu. Phim được xét là phim châu Á, trong năm xét giải phải thỏa mãn ít nhất 1 trong 3 điều kiện: Hoặc đã được phát hành và chiếu thương mại tại một nước nào đó. Hoặc đã được chiếu ra mắt tại các LHP quốc tế. Hoặc đã nhận giải thưởng điện ảnh quốc gia.  Hội đồng đề cử AFA là một nhóm các tổ chức điện ảnh đại diện cho các nước (hiện mới có 8 nước có đại diện trong Hội đồng đề cử và Công ty BHD của Việt Nam là 1 trong số đó). Ban giám khảo AFA là một nhóm các chuyên gia uy tín của nền công nghiệp điện ảnh thế giới. Mỗi tổ chức trong Hội đồng đề cử có thể đề cử tối đa 3 phim của nước mình. Ngoài ra, mỗi thành viên BGK có thể giới thiệu thêm từ 1 đến 2 phim đề cử ở mỗi hạng mục. Từ danh sách này, AFA sẽ chọn lựa và công bố danh sách đề cử chính thức (gồm 10 hạng mục có 5 đề cử và 4 hạng mục có 6 đề cử) trước lễ trao giải 1 tháng. Từ danh sách đề cử, giải thưởng ở từng hạng mục được quyết định bằng hệ thống bình chọn o­nline (được bảo mật). Tham gia bình chọn là Ban giám khảo cùng Ban Bình chọn của AFA. Nếu BGK chủ yếu là những nhà tổ chức LHP, nhà phê bình, nhà sản xuất thì Ban Bình chọn quy tụ nhiều gương mặt nhà làm phim nổi tiếng của khu vực. Vì thế, ở góc độ chuyên môn, Asian Film Awards là giải thưởng sáng giá nhất trong khu vực châu Á. Dù mới có thâm niên 5 năm nhưng AFA xứng đáng xếp trên các liên hoan phim hàng đầu châu lục như LHP Pusan (Hàn Quốc), LHP Thượng Hải (Trung Quốc), LHP Bangkok (Thái Lan)…

Theo VNMedia