PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Phim cổ trang: Đâu chỉ cần đào tạo diễn viên là đủ

Thứ ba, 28/06/2011 10:18

Kể từ đầu năm 2009, một loạt những ầm ĩ của các phim truyền hình lịch sử Việt đã được khởi động và gây tốn không ít bút mực của giới báo chí.

Học diễn viên cổ trang để đi tắt, đón đầu

Trong khi Nhà nước vẫn đang giẫm chân tại chỗ và bó tay với việc đào tạo lớp diễn viên cổ trang thì Việt Charm đã có kế hoạch đổ bộ vào lĩnh vực còn thiếu và yếu này. Ở một khía cạnh nào đó, đây là một động thái đáng hoan nghênh vì sự táo bạo và mạnh tiền của đơn vị khi diễn viên dòng phim này của chúng ta vẫn còn đang chập chững.

Theo những gì Việt Charm khẳng định, những thí sinh tham dự khóa học không chỉ học về diễn xuất, các bạn trẻ còn được đào tạo một số kỹ năng “mềm” khác như: cưỡi voi, cưỡi ngựa, sử dụng vũ khí cổ trang, đánh đàn, chơi cờ, vẽ tranh thủy mặc, viết thư pháp... và đặc biệt là những kiến thức căn bản về lịch sử, văn hóa và truyền thống dân tộc. Cứ theo cách nói này, phải trải qua 3 tháng theo khóa học, diễn viên của chúng ta mới hóa thân thành nhân vật lịch sử ra trò.

"Huyền sử thiên đô"

Nhưng, nếu nói các diễn viên đóng phim cổ trang đều là amater thì có phần oan cho họ. Họ trước khi nhận lời vào vai diễn phim cổ trang, cũng đã phải dùi mài kinh sử dữ lắm. Hứa Vĩ Văn dù không thành công với “Anh chàng vượt thời gian”, nhưng với “Trần Thủ Độ” thì nghe nói, phải học hành rất cẩn trọng từ cách ăn nói, cách đi lại, phong thái để phù hợp với bối cảnh. “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” hay “Huyền sử thiên đô” đều phải mời những diễn viên kỳ cựu của sân khấu, các chuyên gia của lịch sử và văn hóa… hướng dẫn, dạy dỗ, cầm tay chỉ việc làm sao cho ra một người Việt cổ.

Cơn sốt phim lịch sử đã hạ nhiệt từ Đại lễ, những bộ phim cổ trang được kỳ vọng mới chỉ ra mắt được một, còn lại, hoặc là vẫn đang chờ cơ hội lên sóng, phim thì đang làm hậu kỳ, phim thì còn dang dở… vậy ở thời điểm này, đào tạo diễn viên cổ trang để làm gì.

Đứng trước câu hỏi này, Việt Charm khẳng định sẽ bảo hộ đầu ra cho những diễn viên xuất sắc nhất. Và một động thái tích cực nhất trong việc mở lớp đào tạo là sàng lọc diễn viên tham dự vào dự án làm phim lịch sử của Việt Charm có tên “Mắt biển”!

Tìm đâu “vốn” để chạy đường dài

Nhà nước không dám mạnh tay đầu tư cho phim lịch sử, các đơn vị sản xuất tư nhân nhảy vào thì nhiều lùm xùm. Kể từ đầu năm 2009, một loạt những ầm ĩ của loạt phim truyền hình lịch sử Việt đã được khởi động và gây tốn không ít mực của báo chí. Những ai trong đó, liệu còn kiên trì với mục đích, làm phim lịch sử vì tình yêu dân tộc. Vì phim khi chưa kịp ra mắt, đã vấp phải đủ mọi phiền hà từ hội đồng xét duyệt đến sự tham gia quá đà của các chuyên gia sử học làm phá vỡ sự sáng tạo và hư cấu trong nghệ thuật điện ảnh.

“Huyền sử thiên đô” được hậu thuẫn bởi một ekip làm phim mạnh, với sự đầu tư có tập trung của Sao thế giới nhưng cũng chỉ cầm chừng làm đến tập 42/70. Chưa kể đến, Nhà đài cũng mới chỉ dám mạnh dạn ký hợp đồng phát sóng 20 tập đầu để thăm dò dư luận. Chính vì việc thận trọng đó dẫn đến những thông tin chẳng hay ho gì cho nhà Đài khi dừng phát sóng một phim lịch sử khi mới chỉ 20 tập để thay thế bằng phim lịch sử khác.

“Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” giờ này vẫn bị dư luận phản đối

“Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long” giờ này vẫn bị dư luận phản đối dù phim chưa từng lên sóng một ngày. Việc đầu tư hàng trăm tỷ vào một phim lịch sử, ở thời điểm dòng phim này đang cần có công cuộc khởi động mạnh mẽ, âu cũng là một việc đáng để dư luận công nhận. Nhưng sửa chữa tới ba lần, Hội đồng duyệt phim quốc gia thông qua nhưng bộ phim vẫn còn lận đận chưa biết khi nào mới có thể lên sóng. Nhất là ở thời điểm này, dư luận càng phản đối mạnh mẽ thì cơ hội đến với khán giả lại càng mong manh.

Còn một loạt những phim khác, vẫn còn là ẩn số dù nó đã từng rất rình rang trên báo chí vào dịp Đại lễ năm ngoái như vụ hủy vai của Á hậu Thiên Lý trong “Trần Thủ Độ”.

Thế cho nên, khi có đơn vị mạnh tay mở lớp đào tạo diễn viên cổ trang, để dọn đường cho phim “Mắt biển” với lời hứa sẽ có một “Liên hoan phim cổ trang đầu tiên tại Việt Nam” trong khuôn khổ Festival Huế 2012 khiến ai cũng vừa mừng, vừa nghi ngại. Nhưng có lẽ vì quá đao to búa lớn nên phía bên chủ dự án – Việt Charm đã phải đính chính thông tin sẽ không có “Liên hoan phim cổ trang Việt Nam lần thứ I” mà thay vào đó chỉ là chương trình “Tuần lễ phim lịch sử Việt Nam”. Đơn vị này sẽ chỉ thực hiện việc chiếu phim với ý nghĩa tôn vinh các tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Việt cùng những người đã góp phần làm nên dấu ấn của bộ phim đó.

Nói cho thực chất, Việt Nam chưa có lớp đào tạo diễn viên cổ trang nào cho phim ảnh, ngoài lớp học diễn xuất chung chung cho sân khấu. Vì thế, việc chọn những gương mặt nào vào vị trí giảng dạy cũng là một bài toán khó giải. Hai nghệ sỹ Hoàng Dũng và Minh Hòa, liệu có đủ vốn để đứng ra đào tạo các diễn viên thành người lịch sử?

Với việc mở lớp này, liệu các mạnh thường quân có lòng với phim cổ Việt có dám mạnh tay đầu tư vào việc mở lớp đào tạo đạo diễn phim cổ trang, nhà biên kịch viết kịch bản phim cổ trang… hay rộng hơn là xây dựng hẳn một phim trường để phục vụ cho dòng phim cổ trang Việt.

VNMedia
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới