PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Phim cổ trang Việt: Bước thế nào cho chắc?

Thứ bảy, 02/07/2011 10:54

Dòng phim cổ trang Việt đang được dư luận đặc biết chú ý trong thời gian gần đây. Làm thế nào để một bộ phim về lịch sử có thể đứng được, điều đó cần sự nỗ lực không chỉ từ một phía.

Phim lịch sử thì đừng sai lệch lịch sử

Phải nói rằng đây là yếu tố cần đầu tiên để một bộ phim lịch sử, cổ trang có thể thuyết phục được công chúng. Một bộ phim lịch sử được xây dựng nghĩa là đã đào sâu vào một giai đoạn lịch sử nhất định của dân tộc, vì thế cũng có những nét đặc trưng rất riêng về tình tiết, nhân vật, bối cảnh, phục trang… Và để có một bộ phim lịch sử đúng nghĩa thì không có cách gì thuyết phục hơn ngoài một nội dung đúng với lịch sử.

Những yêu cầu đầu tiên của một bộ phim lịch sử là... phải đúng lịch sử!

Dòng phim cổ trang lịch sử Việt Nam thời gian qua đã chứng kiến không ít sự phản đối không chỉ của dư luận mà còn ở rất nhiều nhà chuyên môn về bản chất lịch sử được nêu ra trong bộ phim. Lấy ví dụ ở bộ phim “Lý Công Uẩn – đường tới thành Thăng Long”, Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã không dưới một lần xuất hiện trên các mặt báo và chỉ ra những điểm sai lệch lịch sử có trong tình tiết bộ phim. Cùng với sự bóp méo lịch sử và hình tượng những nhân vật có trong lịch sử, giáo sư phát biểu: “Những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó là xuyên tạc lịch sử trong một tác phẩm nghệ thuật mà hơn thế, qua đây, việc giáo dục truyền thống anh hùng của dân tộc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng!”.

Đồng quan điểm với Giáo sư Lê Văn Lan, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã lên tiếng về những tình tiết lịch sử có trong hàng loạt các bộ phim lịch sử được sản xuất trong thời gian gần đây. Thế mới có chuyện, những bộ phim cổ trang vừa xây dựng xong đã bị chắn lại bởi hàng rào kiểm duyệt của những nhà thẩm định, những người có chuyên môn thực sự.

Chưa có nền

Cũng như xây dựng một ngôi nhà, việc sản xuất phim lịch sử cũng phải có một cái nền vững chắc nhất định. Cái nền đó, trước hết là ở những người sản xuất, từ phông kiến thức về lịch sử, đến những tìm tòi, tham khảo để làm sao hoàn thành một bộ phim lịch sử cho đúng “chất”. Người biên kịch là người chịu trách nhiệm chính về nội dung của một bộ phim cần am hiểu lịch sử về giai đoạn diễn ra trong bộ phim hơn ai hết. Đạo diễn cũng cần phải biết để từ đó chỉ đạo diễn xuất, trang phục, đạo cụ làm sao cho hợp lý mà vẫn không mất đi hồn cốt của nội dung lịch sử, diễn viên thì cần phải có sự đào tạo chuyên nghiệp hơn nữa để nhập vai, toát lên tính cách, phẩm chất của những nhân vật vốn đã được thừa nhận trong lịch sử.

Để đào tạo một diễn viên phù hợp với phim cổ trang không phải là chuyện dễ

Nhà sử học Dương Trung Quốc khi được hỏi về vấn đề này đã thẳng thắn thừa nhận: “Ta thấy, những nước làm phim lịch sử hay thường là những nước có một di sản lịch sử (vật thể và phi vật thể) rất phong phú và cùng thời gian nó lại tích lũy được không chỉ kinh nghiệm mà những công cụ (dịch vụ) rất chuyên nghiệp”.

Quả đúng như vậy, phim về lịch sử Việt Nam khá sao được khi đến một phim trường dành cho phim cổ trang cũng không có, khi có rất ít sự đầu tư cho việc bồi dưỡng nhân lực (có đủ trình độ, sự am hiểu) để sản xuất tốt một bộ phim cổ trang?

Khán giả cũng đừng quá khắt khe!

Những ý kiến kể trên mới chỉ là điều kiện ban đầu để có thể có một đội ngũ sản xuất chuyên nghiệp về dòng phim cổ trang ở điện ảnh Việt Nam. Nhưng trên phương diện khán giả, hiểu và thông cảm với những khó khăn của những nhà làm phim cũng là một điều nên có.

Khán giả, dư luận là những người thưởng thức những sản phẩm được làm ra từ những nhà sản xuất nghệ thuật. Vì vậy, điều họ quan tâm hơn hết là sự thỏa mãn đối với bản thân, rằng bộ phim với nội dung, chi tiết và cảnh quay như thế có làm hài long mình hay không. Tuy nhiên, xét trên một góc độ nào đó, khán giả cũng đừng quá khắt khe với dòng phim cổ trang Việt Nam.

Mong khán giả Việt đừng quá khắt khe với dòng phim cổ trang còn quá non trẻ ở VN

Dư luận lên tiếng phản đối không ngừng nghỉ khi đâu đó có một tin về bộ phim A, B không đạt chuẩn về nội dung, hình thức. Lập tức bộ phim đó bị “đánh” tơi tả. Khán giả thì lại không ngừng ca bài ca muôn thuở “đến bao giờ…” mặc dù trong số họ, rất ít người đã từng được xem tận mắt những gì họ cho là sai lệch đó. Mới biết rằng, sự định hướng trong dư luận cũng là một điều cần có khi một tác phẩm ra đời, chưa nói đến những tác phẩm mang nhiều ý nghĩa lớn hơn như những bộ phim cổ trang, lịch sử.

Khán giả, đương nhiên có quyền đánh giá, nhưng xin đừng quá khắt khe với những gì còn nhiều khó khăn để gây dựng thành, huống hồ với dòng phim lịch sử còn quá non trẻ ở Việt Nam.

Xin trích dẫn ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc: “Nói như vậy nhưng chúng ta vẫn mong muốn sau này qua trải nghiệm, các nhà làm phim Việt Nam có thể tìm ra những giải pháp hay hơn, nhưng vào cái thời “khởi đầu nan” này, xin mọi người hãy cởi mở, khoan hòa hơn, cũng là bớt chủ quan hơn!”.

Đứng trước vô vàn khó khăn, thử thách, phim cổ trang lịch sử Việt Nam vẫn đang cố bước đi thật vững chắc. Cũng như ở nhiều lĩnh vực khác, sự đầu tư cho một bộ phim cổ trang ra “chất Việt” không phải là dễ. Một lần nữa, bài toán kinh phí đầu tư được đặt ra!

Lao Động
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới