PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Phim truyền hình Việt: Những cuộc vượt vũ môn không ngoạn mục

Thứ sáu, 05/04/2013 17:11

Dù đã hết sức nỗ lực, dù đã có một số bộ phim “được lòng” công chúng, nhưng phim truyền hình Việt Nam, phần đa vẫn mang tiếng là dở, nhạt. Vì sao nên nỗi?

Kịch bản – nghèo chất văn học

Khâu đầu tiên cho bất cứ một bộ phim nào là kịch bản. Nhiều năm trở lại đây, phim truyền hình chỉ chấp nhận nhiều tập, phải từ vài ba chục tập trở lên (tới cả trăm tập). Bởi vậy, kịch bản từng tập khó lòng mà được chau chuốt, nhất là luôn phải chạy theo thời gian. Vậy nên nhiều khi chỉ là những phác thảo ý tưởng, sơ lược cốt truyện nhằm chuyển tải một ý đồ tư tưởng, một nội dung tuyên truyền nào đó. Nội dung thường dễ hiểu, chỉ dừng lại ở bản thân câu chuyện diễn ra trong phim, rất ít tính khái quát, triết lý nên thiếu sâu sắc. Con người thì mờ nhạt. Đời sống nội tâm, tinh thần các nhân vật ít khi được đào sâu tới mức cần thiết. Vậy nên có thể nói khái quát là tính văn học mờ nhạt. Sẽ không có gì quá đáng nếu nói khá nhiều phim THVN hiện nay chỉ có thể gọi được là những câu chuyện truyền hình.

Chất văn học luôn là cái cốt lõi, yếu tố tiên quyết tạo nên giá trị của bất cứ tác phẩm văn nghệ nào (thuộc tất cả các chủng loại). Đó là những phát hiện, khám phá liên quan đến thế giới tinh thần phong phú và sâu sắc của con người. Chất văn học nghèo nàn, mờ nhạt sẽ khiến tác phẩm trở nên hời hợt, không thể khiến công chúng thưởng thức đón nhận và ưa thích.

Tăng Thanh Hà và Lương Mạnh Hải trong phim Bỗng dưng muốn khóc

Thay thế cho tính văn học như đã nói, nhiều kịch bản phim truyền hình chỉ thuần túy là những câu chuyện nhằm minh họa, thuyết lý hoặc tuyên truyền, giáo huấn một ý đồ tư tưởng đã định trước. Kịch bản văn học vốn đã không được viết tỉ mỉ, kỹ lưỡng, đến khi triển khai thành kịch bản phân cảnh lại luôn được sửa chữa, thay đổi tại hiện trường (khi quay phim) cho phù hợp với bối cảnh, diễn viên v.v… nên khó đạt được sự nhất quán, và vì thế cũng không thể mang lại chất lượng như mong muốn.

Đạo diễn – bất cập với yêu cầu

Đạo diễn điện ảnh - đúng nghĩa của từ này - là một công việc khó khăn, đòi hỏi phải có trình độ hiểu biết về nhiều phương diện: văn học, triết học, âm nhạc, mĩ thuật, mĩ học, thậm chí cả lịch sử, địa lý và nhiều lĩnh vực xã hội khác. Nhưng có lẽ vì rất ít kịch bản có giá trị văn học như đã nói mà các đạo diễn cũng tự hạ thấp yêu cầu về năng lực. Đạo diễn truyền hình thời này dường như ít khi có mặt trên phim trường. Người thay mặt đạo diễn có quyền chỉ đạo buổi quay phim đưa cho các diễn viên những mẩu kịch bản có vai của họ rồi hướng dẫn qua. Diễn viên thì cứ thế mà răm rắp làm theo, miễn góp ý, thay đổi. Diễn viên nào muốn “góp ý”, vừa chẳng được gì, lại mất lòng đạo diễn, về sau chẳng bao giờ họ mời đóng nữa. Có những chi tiết đạo diễn yêu cầu diễn viên làm đi làm lại tới cả chục lần, mặc dù ngay lần diễn đầu tiên, ai cũng thấy là đã rất ổn. Vậy nên đã gây cho diễn viên sự ức chế do mất hết cảm xúc. Trong trường hợp trên, không hẳn là đạo diễn khó tính mà là đã quá chú trọng những chi tiết không đáng phải mất nhiều thời gian trong khi những giá trị khác lẽ ra cần được quan tâm thì lại bị bỏ qua. Có người nói không ngoa về tình hình đạo diễn như trên: có lẽ 1 một đạo diễn phim truyền hình hiện nay chỉ nên làm đạo diễn phim quảng cáo sẽ vừa sức hơn.

Diễn viên – ai cũng làm được

Đóng góp vào sự hạn chế về chất lượng của nhiều phim THVN hiện nay còn có cả đội ngũ diễn viên. Quá nhiều gương mặt quen thuộc. Không phủ nhận nhiều diễn viên không đến nỗi thiếu tài năng nhưng vì tần suất đóng phim quá nhiều mà trở nên nhàm, nhất là các vai họ đảm đương chẳng có gì khác nhau ở nhiều phim, lại có tính cách mờ nhạt. Tâm lý của nhiều đạo diễn là rất ngại tìm kiếm những gương mặt diễn viên mới, thành thử cứ mời những người đã diễn nhiều trước ống kính cho chắc ăn, khỏi phải mất công phân tích nhân vật, hướng dẫn, uốn nắn, mà thị phạm cho diễn viên làm theo thì họ không có khả năng bởi đạo diễn phim truyền hình không từ diễn viên mà nên, họ chẳng biết gì về diễn xuất. Diễn viên chính cần người quen thuộc đã đành, ngay cả những diễn viên phụ, chỉ loáng thoáng xuất hiện trên phim, họ cũng muốn mời những người đã “nhẵn mặt” vì sẽ nhanh, đỡ mất công tìm kiếm. Từng xảy ra sự việc đáng buồn cười: có khán giả cùng một lúc bấm điều khiển chuyển nhiều kênh trên tivi đều thấy một diễn viên xuất hiện. Ngán quá, họ tắt, không muốn xem nữa. Có lẽ các đạo diễn đã không nghĩ tới khả năng: nhiều khi người xem không thích xem phim của mình chỉ vì “dị ứng” với một vài diễn viên nào đó. Họ đã mất cảm tình thì cứ thấy diễn viên đó có mặt trong phim nào là ghét luôn phim đó.

Bản thân năng lực diễn viên cũng là điều đáng bàn. Có lẽ ngoại trừ các diễn viên chính có mặt ngay từ đầu tới cuối phim, còn thì những vai phụ không cần biết kịch bản viết về đề tài gì, có cốt truyện ra sao. Đến lúc quay, người thư ký đưa cho người sắm vai phụ những mẩu kịch bản có lời thoại, diễn xuất của họ. Ngay lập tức họ tranh thủ cố gắng đọc qua tại chỗ. Thuộc được lời thì càng tốt, nếu không sẽ được nhắc. Cũng vô hại, và không thể khác, vì thường những vai phụ này không có cá tính gì đặc biệt, diễn viên gần như chỉ làm công việc nói kịch bản, chứ không có gì để phải…diễn! Và như thế, người ta có cảm giác bất cứ ai cũng có thể làm được diễn viên, lên được màn ảnh nhỏ.

Làm nghệ thuật hay… gia công hàng hóa?

Bất cứ một tác phẩm văn nghệ nào cũng là một sản phẩm, và là một thứ hàng hóa đặc biệt. Đã là hàng hóa thì phải tuân thủ mọi quy luật khắc nghiệt của thị trường. Nhưng làm ra “hàng hóa” văn nghệ ngoài sự thông minh của bộ óc, còn có sự tác động rất nhiều của con tim. Có thể nói, thứ hàng hóa đặc biệt này là sản phẩm của tâm hồn con người. Tuy phim truyền hình là một thứ công nghệ hội thêm nhiều yếu tố khác ngoài nghệ thuật (kỹ thuật, kinh tế…) nhưng sản phẩm cuối cùng là nghệ thuật, mang dấu ấn của trái tim nghệ sĩ. Vậy nên nó đích thực phải là lao động nghệ thuật sáng tạo. Nhưng quan sát thực trạng làm phim truyền hình như đã nói thì thấy hoàn toàn như một sự gia công sản phẩm theo đơn đặt hàng trước. Rất ít thấy không khí sáng tạo nghệ thuật thực sự ở những bộ phim vào loại tầm phào, vô bổ (đang chiếm tỷ lệ lớn nhất hiện nay), mà chỉ thấy cách làm việc luôn phải đuổi theo thời gian của ê kíp làm phim.

Có thể bị câu thúc bởi yêu cầu gia tăng phim nội, cần đảm bảo chỉ tiêu thời lượng phát sóng nào đó mà những người làm phim THVN phải “vắt chân lên cổ” để hoàn thành nhiệm vụ, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng cuối cùng. Nhưng công chúng thì không bao giờ để ý và cảm thấy điều đó. Với họ, chỉ có điều duy nhất: phim có hay, có bổ ích, thỏa mãn được nhu cầu hưởng thụ của họ không mà thôi. Vậy nên, rất cần xem xét lại việc do phải chạy đua với số lượng mà buộc phải bất cập về chất lượng.

Với cung cách làm phim như nói trên thì số phim dở, nhạt chiếm tỷ lệ quá lớn là điều dễ hiểu vậy.

Nhà Báo & Công Luận