Bí mật Tam giác vàng - diện mạo mới cho phim hình sự
Bộ phim “Bí mật Tam giác vàng” được đạo diễn Nguyễn Dương chuyển thể từ tiểu thuyết “Liên minh tay ba ở Tam giác vàng” của nhà văn Nguyễn Như Phong - cũng là biên kịch của bộ phim. Bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng từ bối cảnh đến nhân vật với số tiền lên đến gần 20 tỉ đồng cho 38 tập phim. Cảnh trong phim đa phần được quay tại Lào và Thái Lan. Tình tiết trong phim được xây dựng trên những vụ án có thật, những trải nghiệm của Nguyễn Như Phong và có sự cố vấn của Đại tá Nguyễn Đức Trung nên mang lại cho người xem cảm giác chân thật và cuốn hút trên từng tập phim.
Bộ phim cho người xem thấy cái nhìn toàn cảnh và chân thực về thế giới ma túy giữa bốn nước Việt Nam – Lào – Thái Lan – Myanmar, về cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ giữa những chiến sĩ công an và những tên tội phạm ma túy. Nội dung phim không hoàn toàn mới nhưng nội dung và cảnh trong phim không chỉ gói gọn trong phạm vi Việt Nam hay mang tính quốc tế “lý thuyết” như nhiều phim hình sự trước đây. Những bối cảnh thật của khu Tam giác vàng, những cảnh quay lung linh tại Lào và Thái Lan đã tạo cho khán giả một ấn tượng đặc biệt.
Các vai diễn cũng tạo được dấu ấn mạnh với khán giả và đa phần đều rất nhập vai. Một số nhân vật được đánh giá cao như Văn Báu – vai Thượng tá Minh, Bình Xuyên – vai Đại tá Vượng, Văn Tùng – vai Chiến Lão Phật gia và Hồng Nhung – vai Nathavon. Đặc biệt là Hồng Nhung, cô đã thể hiện khá xuất sắc hình tượng của một trùm ma túy thông minh, sắc sảo, đa nghi và lạnh lùng.
Tuy kết thúc của phim có làm khán giả hơi hụt hẫng và không hài lòng nhưng xét cho cùng thì đó là một kết thúc hợp lý và phản ánh đúng thực tế. Đặc biệt là kết thúc mở đối với mối tình giữa Hoàn và Cay Xỉ dù khiến người xem không thực sự thỏa mãn nhưng đó là một cái kết hợp lý khi Hoàn là một Thượng úy công an còn Cay Xỉ lại là con gái của một cựu trùm buôn ma túy. Hơn nữa, khoảng cách địa lý và hoàn cảnh gia đình cũng khiến hai người khó có thể đến được với nhau.
Trò đời – hướng đi mới cho điện ảnh Việt
Trong khi, thị trường phim Việt đang bão hòa với những bộ phim dài tập nhàm chán và thiếu sáng tạo trong kịch bản thì Trò đời lại chọn một hướng đi khác – chuyển thể tác phẩm văn học xưa.
Trò đời sử dụng kết hợp ba tác phẩm của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng: Số đỏ, Cơm thầy cơm cô và Kỹ nghệ lấy tây. Vũ Trọng Phụng nổi tiếng là một nhà văn trào phúng, phiên bản phim Số đỏ trước đó cũng đã rất thành công, cho nên không có gì ngạc nhiên khi Trò đời được khán giả nhiệt tình ủng hộ và háo hức chờ đợi.
Sự thành công của phim Số đỏ đã trở thành cái bóng quá lớn cho bất kỳ một bộ phim nào muốn sử dụng cùng một đề tài. Tuy nhiên, các nhà làm phim Trò đời đã khéo léo sáng tạo nên một hình ảnh rất khác cho Xuân Tóc đỏ so với phiên bản cũ. Vì thế khi xem phim, khán giả đều ngạc nhiên và thích thú khi nhìn thấy một con người rất khác của Xuân Tóc đỏ. Không quá tập trung vào nội dung chính của câu chuyện cuộc đời Xuân Tóc đỏ giai đoạn “lên voi” , Trò đời lại kể cho khán giả nghe câu chuyện về cuộc đời của Xuân trước khi hắn được ghi tên vào trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Đó là hình ảnh của một gã ma cô khôn vặt, thủ đoạn nhưng lại rất có tình nghĩa với những người cùng khổ như mình.
Đũi cũng là một nhân vật đã được tạo dựng rất thành công trong Trò đời. Nhân vật này đã có một sức sống mới so với nguyên mẫu trong Cơm thầy cơm cô của Vũ Trọng Phụng và là vai diễn ấn tượng nhất trong phim. Có thể nói, Trò đời đã lột xác một cách thành công cho các nhân vật của Vũ Trọng Phụng.
Trong khi, phim Việt đang đói kịch bản hay và khán giả đã quá nhàm chán với cảnh “giàu như phim Việt” thì sự thành công của Trò đời đã mở ra một hướng đi mới cho nền điện ảnh Việt Nam hiện nay.
Thái sư Trần Thủ Độ - một bước tiến của phim lịch sử Việt
Phim lịch sử là một thể loại khá non trẻ của điện ảnh Việt Nam. Mặc dù, Việt Nam là một nước có bề dày lịch sử với rất nhiều những nhân vật kiệt xuất nhưng một điều khó là những di tích mà chúng ta còn bảo tồn được tới ngày nay không nhiều, những tư liệu lịch sử về kiến trúc, trang phục, văn hóa của thời kỳ phong kiến xưa cũng rất ít ỏi. Thế cho nên, đa phần bối cảnh của những phim lịch sử là những cảnh dựng tạm bợ theo trí tưởng tượng, thuộc loại “dùng một lần” hoặc sang hơn thì sang Trung Quốc thuê trang phục và trường qua. Vì vậy, phim lịch sử Việt thường bị khán giả chê là nhạt và chán hoặc phim lịch sử Việt Nam mà như phim Trung Quốc. Hơn nữa, những phim lịch sử Việt lại thường được “sáng tạo” một cách quá đà và nhiều khi xa rời lịch sử.
Trong đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, phim lịch sử được dịp nở rộ với Long Thành cầm giả ca, Tây Sơn hào kiệt, Khát vọng Thăng Long hay một số phim truyền hình như Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long, Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử thiên đô,…Tuy nhiên, sau khi công chiếu dịp đại lễ, hầu như chẳng có bộ phim nào tạo được dấu ấn.
Bị đắp chiếu ba năm trời và không có cái may mắn được công chiếu sớm như các phim khác nhưng Thái sư Trần Thủ Độ lại là phim khiến khán giả hài lòng nhất trong loạt phim mừng Đại lễ. Dù vẫn phải thuê phần nào cảnh quay và phục trang của Trung Quốc nhưng các nhà làm phim đã cố gắng tìm hiểu lịch sử để thay đổi trang phục và tăng tối đa những cảnh có thể quay ở Việt Nam. Việc tôn trọng lịch sử, không lạm dụng cảnh quay và trang phục nước ngoài cũng như cố gắng đưa những nét văn hóa thuần Việt vào phim cũng đủ để khán giả không quay lưng với Thái sư Trần Thủ Độ như với nhiều phim lịch sử khác.