Dù việc Charlie Nguyễn tạm bỏ phim hành động để làm phim hài xem ra sẽ có nhiều người nuối tiếc, nhưng dù sao thì cũng phải thông cảm cho anh bởi “thời thế. thế thời, thời phải thế”.
Trong những năm gần đây, phim Việt đã được ưu tiên rất nhiều để có thể cạnh tranh với phim nước ngoài tại các rạp. Các hãng phim tư nhân xuất hiện nhiều hơn, với những dự án phim đậm chất giải trí theo phong cách hài hước, nhẹ nhàng hoặc phiêu lưu, hành động. Nhưng trong khi dòng phim hài hước luôn giành thế thắng về doanh thu với con số tiền tỷ thì phim hành động lại liên tiếp thất bại khi đem ra rạp.
Sau bản án cấm phát hành dưới mọi hình thức dành cho Bụi đời chợ Lớn, Charlie Nguyễn quyết định bắt tay vào làm phim Tèo em với lý do: “Làm phim hài hiện tại sẽ là một phương án an toàn”. Dường như các nhà sản xuất, kể cả những người tâm huyết và thành danh nhờ dòng phim hành động như Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn cũng đã phải lắc đầu ngán ngẩm.
Phải nói rằng, dàn diễn viên – đạo diễn gốc Việt đổ bộ về Việt Nam như Johnny Trí Nguyễn, Dustin Nguyễn, Charlie Nguyễn,… đã đem lại cho dòng phim hành động Việt Nam một làn gió mới. Những phim như Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng để lại ấn tượng mạnh với những màn võ thuật đẹp mắt, nội dung hấp dẫn và đặc biệt là sự kết hợp ăn ý, những cảnh nóng bỏng của Ngô Thanh Vân và Johnny Trí Nguyễn.
Những phim sau đó đi theo dòng phim hành động này dường như không còn nhận được sự khen ngợi dễ dàng của khán giả như trước mặc dù vẫn có sự tham gia của những diễn viên cũ. Ngô Thanh Vân, Johnny Trí Nguyễn, Dustin Nguyễn,…không còn là những cái tên mới. Những màn võ thuật, những cảnh hành động cũng đã được khen nhiều rồi. Cái khán giả soi tiếp theo là bố cục, nội dung, ý nghĩa của phim và điều đáng buồn là chất lượng của những điều này ngày càng giảm. Các nhà sản xuất phim hành động liên tiếp thua lỗ nặng nề về doanh thu.
Tuy nhiên, cũng phải tính đến sự khắt khe của Hội đồng thẩm định phim đối với thể loại phim này màBụi đời chợ Lớn và Đường đua là một điển hình. Bụi đời chợ Lớn bị cấm chiếu vì “có nhiều cảnh bạo lực, không phù hợp với thực tế xã hội” còn Đường đua phải sửa lên sửa xuống vì “phim phơi bày một xã hội đen tối, bế tắc với sự xuất hiện của các băng nhóm xã hội đen, cùng những cảnh cờ bạc, hãm hiếp, đâm chém, giết người lạnh lùng không ghê tay”.
Nhưng nhiều người đặt câu hỏi: phim bạo lực, quá nhiều cảnh nóng thì Hội đồng cấm chiếu hoặc yêu cầu chỉnh sửa, còn các phim hài nhảm nhí và vô nghĩa sao vẫn cứ được công chiếu tràn lan một cách hết sức dễ dàng. Điều này có lẽ chẳng có gì khó hiểu, bởi bạo lực và cảnh nóng là cái ai cũng nhìn thấy và khó mà tranh cãi được, còn thế nào là nhảm nhí thì cách nhìn của Hội đồng thẩm định và khán giả đôi khi lại có nhiều khác biệt.
Không phải ngẫu nhiên là Charlie lại cho rằng làm phim hài bây giờ là phương án an toàn. Bởi không tính đến sự dễ dàng để qua khâu kiểm định thì chi phí sản xuất không cao, đầu tư kịch bản không cần quá cầu kỳ, cứ xem các phim hài bây giờ thì chỉ cần hài hước mà chẳng cần chú ý nhiều đến nội dung phim vẫn cứ lãi tiền tỷ như thường.
Các con số 25 tỷ trong 1 tuần của Hello cô Ba, 57 tỷ trong 4 tuần của Mỹ nhân kế hay gần 60 tỷ củaNhà có 5 nàng tiên là con số mơ ước đối với bất cứ nhà sản xuất nào. Võ lâm truyền kỳ, Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Thiên sứ 99, Hello cô ba, Mỹ nhân kế, Nàng men chàng bóng ...dù bị chê tơi tả vì nhảm nhí, dù có được liệt vào hàng thảm họa thì vẫn chẳng thấy có mấy phim kêu lỗ mà hầu như nhà sản xuất nào cũng cười rạng rỡ vì thắng lợi.
Trong khi đó, sản xuất phim hành động vừa tốn công sức, tiền của, đầu tư kịch bản, nhiều nguy hiểm, khó được ra rạp mà lại rất dễ thua lỗ nặng nề chứ đừng nói tới có lãi. Dù có kiên nhẫn theo đuổi tới đâu thì có lẽ cũng đến lúc những người có tâm huyết với dòng phim này cũng phải nản lòng.
Thực tế là phim hài nhảm đang thắng thế, cứ nhìn vào danh sách phim tham gia LHP 18 vừa rồi cũng đủ thấy. Nhưng lý do vì sao phim hài nhảm lại đua nhau nở rộ? Câu trả lời hết sức đơn giản: vì thị hiếu khán giả, vì phim dễ làm, dễ bán vé, dễ thu tiền. Khán giả cứ đua nhau chê phim hài là nhảm, nhưng không hiểu sao lại cũng cứ đua nhau mua vé vào xem. Vì sao có cái nghịch lý ấy thì phải hỏi khán giả, nhưng thực tế thì chắc chính khán giả cũng chẳng thể nào tự mình lý giải nổi mình.