Phim Việt hóa từ đâu ra? Năm 2004, Hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (TFS) phối hợp cùng công ty FNC Hàn Quốc thực hiện phim “Lẵng hoa tình yêu”, giữa lúc máu trắng, ung thư, chuyện tình tay ba, danh gia vọng tộc thập niên 90 của xứ Hàn bắt đầu làm ngấy khán giả Việt, và khái niệm “Phim Việt hóa” vẫn còn chưa xuất hiện trong từ điển của những người làm nghề. Lần đầu tiên, một bộ phim truyền hình với ý tưởng kịch bản của nước ngoài được các biên kịch Việt Nam sửa đổi để phù hợp với điều kiện nước nhà lên sóng. Cũng từ đây, khán giả Việt bắt đầu tiếp xúc với cách làm phim "sit-com” mà thế giới đã đi trước vài thập kỷ: phần lớn bối cảnh được dàn dựng trong trường quay, âm thanh được thu đồng bộ, phim thực hiện trong thời gian ngắn…
Hai “ông lớn” VTV và HTV dường như đã nhắm được tương lai của phim truyền hình sau tín hiệu đáng mừng mang tên “Lẵng hoa tình yêu”, các dự án phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài bắt đầu được rục rịch triển khai dưới hình thức “Việt hóa”. Nhưng nếu như “Lẵng hoa tình yêu” đã quá khôn khéo khi xóa sạch không tì vết những yếu tố ngoại nhập để trở thành một bộ phim thuần Việt đúng nghĩa thì hầu hết các bộ phim về sau của VTV lẫn HTV lại chỉ tập trung ăn theo sự nổi tiếng của những bộ phim đình đám ở nước bạn, vì thế chỉ mới chạm đến ngưỡng “kể chuyện người ta”, tức là dùng người mình đóng kịch bản của họ, cái “chất Việt” đáng ra phải là yếu tố chủ đạo thì lại thiếu hụt trầm trọng. Nhìn lại danh sách đang dài lên từng ngày của các tác phẩm truyền hình “50:50” này, dễ dàng nhận ra sự chênh lệch trong nguồn gốc của nguyên tác. Trong khoảng hơn một chục phim Việt hóa 7 năm qua, chỉ vài phim lấy kịch bản từ Âu-Mỹ và Trung Quốc, còn lại phần lớn đều đến từ Hàn Quốc. Dường như ngành công nghiệp truyền hình của xứ sở kim chi vẫn là một địa chỉ tin cậy của các nhà sản xuất Việt đang loay hoay tìm hướng phát triển khi người Việt đang dần trở nên khó tính hơn với các tác phẩm “cây nhà lá vườn” có phần dễ dãi. Nhạt như… phim Việt hóa! Ấy vậy mà khi đã có trong tay kịch bản – cái sườn chính tạo nên thành công của phim xứ người, các nhà sản xuất của chúng ta vẫn làm khán giả ngao ngán, thậm chí là phát bực. VTV là đơn vị đầu tiên thực hiện chiến lược “người Việt dùng hàng Việt” trên màn ảnh khi khai sinh ra khung giờ vàng cho phim truyền hình. Để bắt kịp với trào lưu làm lại các phiên bản phim nổi tiếng thế giới, bộ ba VTV-BHD-hãng phim Việt cho ra đời đứa con tinh thần đầu tiên – “Cô gái xấu xí được” mua bản quyền của “Betty la Fea” (Colombia), trong khi đó VTV và Mesa hợp tác sản xuất “Những người độc thân vui vẻ” (nguyên tác “Ngôi nhà mới trong nắng” của Trung Quốc). Hai dự án xã hội hóa hoành tráng nhất thời điểm đó, được đầu tư công phu với trường quay hoành tráng ở hai miền, dàn diễn viên tài năng đầy hứa hẹn sẽ là bước chuyển mình cho phim Việt.
Chuyển mình đâu chưa thấy, chỉ thấy sự rầm rộ quảng bá bắt đầu tắt ngúm sau một thời gian phim lên sóng. Quả thực, cả hai bộ phim đều có tính giải trí tương đối tốt, nhưng sau một năm chiếu liên tục, sự nhàm chán và tẻ nhạt của hai phim là điều thấy rõ. Khán giả bắt đầu mệt mỏi với việc nhai đi nhai lại các màn tấu hài khiên cưỡng, tình huống phim ngày càng sống sượng, chưa kể một tập phim 45 phút bắt đầu từ hơn 9 giờ tối nhưng tận 10 giờ rưỡi mới kết thúc vì bị chèn quảng cáo. Kết quả, “Những người độc thân vui vẻ” dừng lại ở tập 171, tức là vừa hơn một phần ba dự án dài hơi, sau một năm rưỡi lên sóng. Loay hoay với phim hài không xong, nhà Đài lại bắt đầu khai thác mỏ phim tâm lý xã hội điển hình của Hàn Quốc. “Anh em sinh đôi” phiên bản Việt với cái tên “Có lẽ nào ta yêu nhau” tiếp tục “bức tử” khán giả trong khung giờ đẹp nhất buổi tối của VTV1. Được BHD mạnh tay đầu tư về bối cảnh, đạo cụ, cộng với cách làm phim mới mẻ, nhưng bộ phim của đạo diễn Tống Thành Vinh tiếp tục là thất bại điển hình của sự hợp tác VTV-BHD. Tương tự, “Ngôi nhà hạnh phúc” – dự án được chờ đợi nhất năm 2009 của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng không tránh khỏi thất bại thê thảm được báo trước. Tuy có phần yên tâm vào vị đạo diễn tài năng, khán giả vẫn không thể không hoài nghi khi một kịch bản quá thành công của Hàn Quốc được làm lại theo phong cách Việt Nam. Như một hệ quả tất yếu, bộ phim ban đầu kích thích trí tò mò của người xem có biểu hiện rệu rã sau những tập đầu tiên, khác hẳn với những phát ngôn tự tin của ông đạo diễn. Khi câu chuyện phim đã nắm rõ như lòng bàn tay, khán giả bắt đầu khó chịu với kiểu “dở người dở ta”.
“Người mẫu” phiên bản Việt là một ví dụ khác của việc quảng bá rình rang trước khi lên sóng. Dàn diễn viên trẻ đẹp của phim không cứu nổi sự nhàm chán, nhạt nhòa thấy rõ về nội dung. Có phần khá hơn, “Cầu vồng tình yêu” bước đầu trấn an người xem với những tình tiết ra được phần nào chất Việt Nam. Tuy nhiên, khán giả lại la ó vấn đề đài từ của diễn viên. Mặc dù phần biểu cảm khá tốt, nhưng nhiều diễn viên thoại vô cảm như trả bài. Những MC, người mẫu tuy không phải lần đầu tham gia đóng phim, nhưng đài từ thực sự là vấn đề báo động đối với các bộ phim được thu tiếng trực tiếp. Đừng vỗ mặt khán giả! Điểm lại phim truyền hình Việt hóa trong những năm qua, chỉ có một vài cái tên đã làm khá tốt so với kỳ vọng của khán giả. Dù gió có thổi có thể xem là dự án thành công nhất cho tới thời điểm này.
Với một cốt truyện không quá phức tạp xoay quanh cuộc sống của một gia đình tứ đại đồng đường thế kỷ 21, ekip thực hiện đã khéo léo biến một kịch bản nước ngoài thành câu chuyện của người Việt với chất Việt rõ rệt. Không chú trọng PR quá nhiều, lại phát trên HTV3 nên lượng khán giả của Dù gió có thổi có phần lép vế hơn các dự án Việt hóa khác. Tuy nhiên, bộ phim đã làm hài lòng cả những khán giả khó tính nhất suốt 200 tập phim. Làm phim với các kịch bản nổi tiếng của nước ngoài không còn là điều mới mẻ trên thế giới. Có thể dễ dàng chỉ ra một số cái tên thành công vượt trội về chất lượng nghệ thuật lẫn doanh thu như “Ugly Betty” của Mỹ, “Boys over flowers” của Hàn Quốc… đều có xuất phát điểm là các dự án nổi tiếng của nước khác. Nhưng rõ ràng xem “Ugly Betty” hay “Boys over flowers” không có cảm giác như đọc lại câu chuyện của những bộ phim gốc. Nguyên nhân chính từ việc kịch bản đã được gọt dũa cẩn thận để phù hợp với văn hóa của mỗi quốc gia, dàn diễn viên tốt, ekip thực hiện chuyên nghiệp đã không sa đà và quá lệ thuộc vào bản gốc.
Ngày càng nhiều bộ phim “thảm họa” được gắn mác Việt hóa như: Cô nàng bất đắc dĩ, Có lẽ nào ta yêu nhau… Khán giả liên tục bị “vỗ vào mặt” bởi sự hời hợt, qua loa, thiếu giá trị nghệ thuật, hài không ra hài, tâm lý xã hội cũng chưa đúng kiểu. Nhưng có một nghịch lý là phim Việt hóa chưa bao giờ thất bại về doanh thu. Ngược lại, dù bị khán giả phàn nàn về chất lượng nhưng những bộ phim dở vẫn đem về nguồn lợi lớn cho sản xuất. Tuy vậy giá trị của một bộ phim không phải chỉ được đong đếm qua lợi nhuận quảng cáo. Người xem cần lắm những phim truyền hình chất lượng, dù đó có phải Việt hóa hay không, bởi trước sự xâm nhập mạnh mẽ của các dòng phim giải trí chất lượng cao của nước ngoài, khán giả đang được trao tận tay quyền quay lưng lại với phim Việt bất cứ lúc nào.