PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Phim Việt: Khi doanh thu che mờ chất lượng

Thứ ba, 22/10/2013 10:27

Để điện ảnh phát triển hơn, chúng ta cần làm nhiều thứ hơn so với những gì đã có ở thời điểm hiện tại.

Những năm trở lại đây, điện ảnh Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Bằng chứng cho thấy là hàng năm, số lượng những bộ phim điện ảnh ra rạp ngày một nhiều hơn, với đủ các thể loại khác nhau từ hài, hành động, kinh dị, tình cảm… Thậm chí, nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn thực hiện những thể loại phim mới, lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, số lượng đôi khi lại không đi cùng với chất lượng khi mà nhiều nhà sản xuất phim chú trọng tới lợi nhuận cho bộ phim của họ mà quên đi chất lượng. Từ đó, những tính từ “nhảm”, “nhạt” là không còn quá xa lạ với phim Việt.

“Nhảm” nhưng vẫn phá kỷ lục về doanh thu

Trong vài năm qua, công thức tạo ra doanh thu khủng cho phim Việt là hài và nhảm, càng nhảm thì doanh thu càng lớn. Cũng vì doanh thu, người ta tìm mọi cách để lôi kéo khán giả đến rạp xem phim. Từ đó, những chiêu trò đa dạng cũng ra đời để kích thích sự hiếu kỳ của khán giả, từ bỏ tiền mời những diễn viên được khán giả yêu mến, cho vào các cảnh nóng, cho tới phóng đại quá mức nội dung phim…

Thực tế cho thấy, những bộ phim nhảm, nội dung thiếu logic vẫn đứng đầu danh sách những bộ phim có doanh thu cao nhất của diện ảnh Việt. Phim Công chúa teen và ngũ hổ tướng (2010) thu về 25 tỉ đồng, trở thành phim có doanh thu cao nhất vào thời điểm công chiếu; Phim 3D Bóng ma học đườngvới chủ đề tuổi học trò nhưng lại có những màn khoe thân táo bạo của dàn diễn viên trẻ đẹp cũng mang lại 22 tỉ đồng; Hello cô Ba, bộ phim “quên” đi nội dung mà chủ yếu tập trung gây cười cho khán giả cũng mang lại doanh thu gần 26 tỉ đồng; gần đây nhất là Mỹ nhân kế tuy rằng có nhận xét giá tốt hơn nhưng vẫn không thoát khỏi bị đánh giá nhảm, phim chỉ xoay quanh các cô gái xinh đẹp đánh đấm và trả thù với doanh thu 59 tỉ đồng, trở thành bộ phim Việt có doanh thu cao nhất cho tới thời điểm này.

Doanh thu luôn là vấn đề được lên hàng đầu với những nhà sản xuất phim. Sản xuất một bộ phim nhưng không có người xem cũng coi như là một thất bại của những người làm phim. Thế nhưng, cũng không thể vì tìm kiếm lợi nhuận mà quên đi nội dung và ý nghĩa của bộ phim muốn đem tới cho khán giả.

Doanh thu là chính, chất lượng nghệ thuật là phụ

Khác với những hãng phim nhà nước, được đầu tư từ đầu tới cuối để ra một sản phẩm điện ảnh mà không cần quá quan tâm đến số tiền mà bộ phim thu được sau khi ra rạp, các hãng phim tư nhân sản xuất phim là để bán, và khách hàng ở đây chính là những khán giả đến rạp xem phim. Nếu khán giả chối bỏ và phim không bán được vé thì nhà sản xuất sẽ lỗ, đồng nghĩa với việc không còn tiền để tái đầu tư sản xuất những bộ phim mới. Vậy nên, khó khăn về doanh thu trở thành nỗi lo, lớn hơn cả chất lượng nghệ thuật của bộ phim.

Khi các nhà làm phim chỉ tập trung vào một số đề tài giật gân câu khách như chân dài, cảnh nóng…, điện ảnh Việt dần tạo ra những lối mòn xấu xí trong tư duy. Chính vì việc làm phim đề cao tính giải trí, thương mại mà quên đi tính nghệ thuật của phim nên mỗi khi một bộ phim ra đời, những bộ phim này đều bị các nhà phê bình và giới truyền thông đánh giá thấp. Hậu quả nhãn tiền là trong Liên hoan phim quốc gia năm 2013, nhiều bộ phim bị đánh giá là “thảm họa” đã trình hồ sơ liên hoan tham dự giải, kể đến như: Nhà có 5 nàng tiên, Cát nóng, Cưới ngay kẻo lỡ, Nàng men chàng bóng…

Đã đến lúc làm hài hoà giữa giải trí và nghệ thuật

So sánh điện ảnh Việt với Hollywood thì quả là khập khiễng. Thế nhưng, phải nhìn nhận rằng các nhà làm phim của điện ảnh Mỹ luôn biết cách cân bằng giữa giải trí và nghệ thuật. Hollywood vẫn những có bộ phim đạt giải thưởng lớn, có chất lượng tốt về nội dung, tất nhiên doanh thu phòng vé cũng ở mức cao. Các nhà làm phim Việt nên bắt đầu nghĩ tới làm phim mà khán giả vẫn mua vé đến xem mà vẫn được các nhà chuyên môn đánh giá tốt.

Các nhà sản xuất phim cũng cần có sự thay đổi tư duy giữa phim giải trí và phim nghệ thuật. Không phải cứ làm phim nghệ thuật là chỉ để đi thi tại các liên hoan phim và ngược lại, mục đích của phim giải trí chỉ là lấy doanh thu.

Với kiểu làm phim như hiện nay, điện ảnh Việt Nam sẽ cần một thời gian rất dài nữa mới có thể vươn ra ngoài biên giới để đến với các quốc gia khác. Những bộ phim như Dòng máu anh hùng, hay gần đây nhất là Lửa Phật vẫn sẽ là những hiện tượng cá biệt khi được các thị trường khác mua bản quyền chiếu. Để điện ảnh phát triển hơn, chúng ta cần làm nhiều thứ hơn so với những gì đã có ở thời điểm hiện tại.

Theo Baodatviet.vn
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới