Phim Việt ngày càng khai thác mạnh yếu tố bạo lực
Không chỉ giới hạn trong những phim hành động, cảnh bạo lực xuất hiện trong hầu hết các phim điện ảnh. Như một “gia vị” không thể thiếu, cảnh bạo lực đã góp phần tăng kịch tính cho phim đồng thời nhưng cũng có tác dụng ngược của nó.
Nếu như trước kia, yếu tố bạo lực trong phim Việt đơn giản chỉ là đánh nhau, bắn súng và những màn võ thuật thì bây giờ các đạo diễn táo bạo hơn khi đưa vào phim của mình những cảnh bạo lực thuộc nhiều hình thái khác nhau, như: bạo lực hành động, bạo lực tinh thần, bạo lực lời thoại...
Cảnh bạo lực trong phim Việt thời gian qua đã bị cắt bỏ cũng như hạn chế rất nhiều sau khâu kiểm duyệt gắt gao của các cơ quan chức năng. Rõ ràng, phim mà chúng ta đang xem chưa hoàn toàn là phim hành động, có khi là tâm lý tình cảm xen kẽ tính chất bạo lực như Lấy chồng người ta, Ngôi nhà trong hẻm, Bẫy cấp 3 và sắp tới đây là Bụi đời chợ lớn.
Không hẳn là bước phát triển hay làm mới trong phim điện ảnh hiện nay, thế giới đã làm rất thành công những phim có yếu tố bạo lực. Chúng ta đi sau nhưng cũng đã có những yếu tố bạo lực được xếp vào hàng thành công và tạo bất ngờ cho phim.
Tuy nhiên, ở mức độ giới hạn cho phép, cảnh bạo lực trong phim vẫn là yếu tố đáng suy xét để hạn chế độ tuổi khán giả hiện nay, bên cạnh yếu tố tình dục nhạy cảm. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho Bẫy cấp 3 đã không thể ra rạp, và Bụi đời chợ lớn cũng nằm trong hoàn cảnh “treo” ngày chiếu vô thời hạn.
Xem xét yếu tố bạo lực trong 2 phim đã được công chiếu gần đây là Lấy chồng người ta và Ngôi nhà trong hẻm sẽ thấy nó được biểu hiện khá rõ. Mỗi phim chọn một cách thể hiện rất riêng nhưng tựu chung đều là những cảnh bạo lực nảy sinh từ trong gia đình, góc nhìn mang yếu tố con người và tình cảm nhiều hơn.
Từ mâu thuẫn tình cảm, sự ám ảnh dẫn đến hành động bạo lực, tranh giành và có cả giải thoátNgôi nhà trong hẻm đã đi theo một quy trình liên hoàn với một cái kết có hậu. Tuy nhiên, yếu tố bạo lực trong phim lại được lồng ghép với yếu tố ma quái khiến các nhân vật dường như không kiểm soát được bản thân mình dẫn đến có những hành động có phần ghê rợn.
Trong khi đó, với Lấy chồng người ta, những cảnh bạo lực trong gia đình đã bị cắt xét khá nhiều khi ra rạp. Tuy nhiên, phim vẫn đầy tính nặng nề với những đánh đấm về thể xác, những hành hạ về mặt tinh thần. Có thể nói, nếu nói về những phim liên quan đến đề tài bạo hành gia đình thì đây có lẽ là bộ phim tiêu biểu.
Và ngay cả cái chết của nhân vật do Thái Hòa đảm nhận ở phần kết của bộ phim cho thấy, sự bế tắc chưa được giải quyết một cách triệt để. Để đảm bảo an toàn, phim đã gắn mác cấm trẻ dưới 16 tuổi.
Tuy cả 2 phim đều đã bị cắt khá nhiều cảnh bạo lực “nặng” nhưng rõ ràng, khán giả vẫn không nào quên được những phân đoạn rượt đuổi, be bết máu, cầm búa... Và rõ ràng, những bộ phim này không hẳn là dễ xem đối với mọi đối tượng khán giả.
Yếu tố bạo lực ngày càng biến hóa
Nếu như trong các phim hành động võ thuật thì cảnh quay đánh nhau có yếu tố võ thuật tạo nên điểm nhấn thu hút người xem thì ở các phim kinh dị thì cảnh bạo lực có thiên hướng về tinh thần được phát huy rất cao.
Tuy nhiên, ở phim Scandal – Bí mật thảm đỏ, hay trước đó là Giao lộ định mệnh, đạo diễn Victor Vũ hay đan xen cả 2 yếu tố bạo lực hành động và bạo lực tinh thần cùng với nhau nên hiệu ứng tâm lý khá tốt.
Cảnh quay diễn viên Vân Trang rượt đuổi bạn diễn Maya và dùng guốc nhọn đạp nát mặt Maya chính là cảnh quay có thể nói hấp dẫn nhất phim và đẩy câu chuyện lên cao trào. Và điều đó cũng là một phần lý do lý giải cho nguyên nhân vì sao Bẫy cấp 3 không thể ra rạp. Với một bộ phim nhắm đến đối tượng khán giả trẻ tuổi, việc đưa vào quá nhiều tình tiết liên quan đến chết chóc rùng rợn việc qua ải kiểm duyệt càng không hề dễ dàng.
Nhìn vào đối tượng khán giả trẻ đến rạp chiếu phim hôm nay rất đông. Nếu yếu tố bạo lực không xuất phát từ những câu chuyện có hướng tích cực thì phim rất khó được phép công chiếu. Bẫy cấp 3ngay từ trailer đã cho thấy đó là câu chuyện mang một chút yếu tố kinh dị, đan xen là cảnh bạo lực chém giết ở lứa tuổi học sinh. Đề tài này không mới so với thế giới, nhưng sự phù hợp đặt trong bối cảnh xã hội hiện nay là không phù hợp.
Cũng liên quan đến phạm trù này, Hunger Games (Trò chơi sinh tử) cũng từng bị cắt chiếu ở Việt Nam cũng bởi lí do trên. Trước đó, phim được công chiếu công khai tại Mỹ, giành được nhiều giải thưởng lớn nhỏ nhưng về đến Việt Nam, phim đã bị cấm vô thời hạn. Nếu ai đã từng xem qua phim này, chắc chắn đều có chút sốc với một bộ phim có nội dung về trò chơi “giết người để tồn tại”.
Một trong những phim điện ảnh đã bị hoãn thời gian công chiếu là Bụi đời chợ lớn đang bị cho là khá nặng nề về yếu tố bạo lực trên phim vấp phải nhiều luồng ý kiến khác nhau. Đậm chất bạo lực, giang hồ và có thể gây sốc cho khán giả ở những cảnh quay phản ánh khá trung thực đời sống đen tối của giang hồ và những kẻ bụi đời máu lạnh, phim Bụi đời chợ lớn phải đối mặt với nhiều đánh giá khác nhau.
Bản thân đề tài phản ánh của câu chuyện đã ngăn cản nó đến với khán giả rất nhiều. Câu hỏi được đặt ra là những cảnh bạo lực trong phim với vụ thanh toán lẫn nhau giữa 2 băng đảng như trong trailer mới phát hành là vì mục đích gì?
Khán giả dường như chưa nhìn thấy sự phản ánh hướng giải quyết tích cực mà chỉ thấy một thế giới đầy những vụ thanh toán, tranh giành địa bàn của những kẻ sống ngoài pháp luật.
Nếu đem so sánh mức độ bạo lực trên phim Việt với thế giới thì chúng ta vẫn còn nhẹ nhàng lắm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta phải làm những bộ phim có mức độ bạo lực tương đương với các nền điện ảnh khác trên thế giới.
Bởi một lẽ, điện ảnh nói chung và phim ảnh nói riêng vẫn phải có sự phù hợp với nền văn hóa mà nó tồn tại trong đó. Ngay cả trong các bộ phim có tính hành động của chúng ta đều chịu sự chi phối của những ràng buộc về mặt đạo đức, góc nhìn của xã hội. Vì vậy, các yếu tố bạo lực thái hóa gần như không xuất hiện trong phim Việt. Thêm vào đó, tại nước ngoài các phim điện ảnh đều được phân chia theo độ tuổi rất rõ ràng và có phòng chiếu chuyên biệt.
Thực tế cho thấy, những cảnh bạo lực nếu xuất phát từ hành động tự vệ, hay bảo vệ chính nghĩa của các nhân vật anh hùng trong phim thì nó sẽ có động thái tác động tâm lý tích cực. Tuy nhiên, cho dù là tích cực thì nó vẫn được đặt trong vòng giới hạn của phạm trù đạo đức, hoàn cảnh xã hội cụ thể, bởi khi khán giả xem họ không thể tách rời môi trường họ đang sống và tồn tại.
Có chăng, cái mà chúng ta quen gọi là bạo lực trên phim cũng nên được các nhà sản xuất cân nhắc kĩ lưỡng trước khi đưa ra thị trường bởi sức ảnh hưởng và độ lan tỏa đến giới trẻ không hề nhỏ chút nào.