Đã qua rồi cái thời cả năm rạp Việt mới có hai ba lần chiếu phim nội, khán giả nước ta đang dần làm quen với những thuật ngữ tưởng như chỉ dùng cho phim Hollywood như “bom tấn”, "triệu đô", “cơn sốt phòng vé”. Bằng những bộ phim phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại, trau chuốt về hình ảnh, chuyên nghiệp trong khâu quảng bá, không có lý do gì khiến khán giả “làm ngơ” với điện ảnh nước nhà.
Học hỏi cách đi từ các nhà làm phim quốc tế
Tiệm cận với nền điện ảnh quốc tế, những nhà sản xuất phim Việt có sự học hỏi từ các nước, đặc biệt là kinh đô điện ảnh Hollywood. Một trong những kiến thức kế thừa từ điện ảnh Âu Mỹ có thể thấy ngay trong phim Việt là xu hướng làm phim nhiều phần “sequel” như Cô dâu đại chiến 2, Scandal 2, Để Mai Tính 2. Điểm chung của các bộ phim này là đều có phần trước thành công về mặt doanh thu và nhà sản xuất sẽ kể một câu chuyện tiếp nối, đan xen giữa nhân vật cũ và mới trong phần 2 của phim.
Cái được của cách làm phim tiếp nối, đó là đạo diễn không phải “đánh cược” vào đứa con của mình, bởi lẽ họ chỉ cần xây dựng, đào sâu và mở rộng dựa trên những tình tiết vốn từng tạo ấn tượng tốt với khán giả ở phần trước đó. Ở góc độ thị trường, dòng phim sequel đánh vào sự tò mò của khán giả, từ đó có thể dễ dàng lôi kéo số đông người xem đến rạp, đảm bảo doanh thu của phim. Điển hình là bộ phim Để Mai Tính 2 vừa ra mắt với nội dung chính xoay quanh cuộc sống của nhân vật chị Hội (Thái Hòa thủ vai), đây là nhân vật phụ từng một thời gây sốt trong Để Mai Tính mà đạo diễn Charlie Nguyễn xây dựng thành công 4 năm trước.
Thế nhưng, khi phim Việt bắt đầu bước một chân vào xu hướng làm phim mới lạ này thì ở "trời Tây", người ta đã chỉ ra những hạn chế của nó. Hàng loạt tựa phim viễn tưỡng, hành động phần 2, 3 của Hollywood ra mắt trong năm nay đều bị chê thậm tệ vì tình tiết nhàm chán nhưng may mắn bù lại về kỹ xảo. Tiếc thay, kỹ xảo chưa bao giờ là điểm mạnh của điện ảnh Việt. Vì thế, nếu các đạo diễn trong nước muốn đặt nốt chân còn lại vào guồng quay thì sáng tạo về nội dung là việc họ nhất định phải làm để giữ lòng tin của người hâm mộ.
Sự mới mẻ từ những nhân tố đầy tiềm năng
Nếu như giai đoạn đầu của sự phát triển điện ảnh đại chúng, quanh đi quẩn lại chỉ thấy phim của Lê Hoàng, Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng hay mới hơn là Victor Vũ, Charlie Nguyễn thì năm 2014 chứng kiện sự xuất hiện của những nhân tố mới tạo được nhiều ấn tượng như đạo diễn Hàm Trần (phim Đoạt Hồn), đạo diễn Cường Ngô (phim Hương Ga), đạo diễn Quang Huy (phim Thần Tượng), đạo diễn Phi Tiến Sơn (phim Lạc Giới)…
Ra mắt vào cuối năm 2013 đầu năm 2014, Thần Tượng là bộ phim nhựa nhận được sự mong chờ của khán giả lẫn giới chuyên môn. Đối với khán giả, họ muốn xem một Hoàng Thùy Linh trên màn ảnh sau gần 7 năm vắng bóng hay một Harry Lu "lột xác" hotboy để vào vai nam chính đầu tay. Giới chuyên môn vốn đã khá dè dặt trước khả năng lấn sân nghệ thuật thứ bảy của ông bầu ca nhạc Nguyễn Quang Huy thì Thần Tượng là một lời đáp trả đủ sức nặng với 6 giải thưởng ở lĩnh vực điện ảnh, bao gồm Cánh Diều Vàng cho phim truyện điện ảnh, Đạo diễn xuất sắc, Nam diễn viên phụ xuất sắc (Ngô Kiến Huy), Quay phim xuất sắc, Thiết kế mỹ thuật xuất sắc và Phim được báo chí bình chọn.
Hương Ga lại là một ví dụ khác minh chứng cho sự chiếm lĩnh phòng vé của phim Việt. Ra mắt vào cuối mùa hè 2014, bộ phim nhựa này làm mãn nhãn khán giả với các pha hành động song hành cùng tính nhân văn khi đề cập tới những thân phận bên lề xã hội. Tất nhiên để “nhặt sạn” cho Hương Ga thì không phải là ít song với một tác phẩm điện ảnh 90 phút chuyển thể từ tiểu thuyết thì việc cân bằng giữa văn học - giải trí sao cho không mất đi tinh thần của nguyên tác và mang lại cảm xúc cho khán giả đã là một thành công đáng ghi nhận.
Bên cạnh những đề tài quen thuộc thì các nhà làm phim Việt cũng sẵn sàng thử sức với thể loại phim mang màu sắc tâm linh có phần ghê rợn. Mất Xác của đạo diễn Đỗ Thành An dựa theo một sự kiện gây xôn xao dư luận hay Đoạt Hồn của đạo diễn Hàm Trần từng thu về 12 tỉ đồng chỉ sau 4 ngày công chiếu. Không hẹn mà gặp, các tựa phim kinh dị do Việt Nam sản xuất, phát hành trong năm đều mượn yếu tố ma quỷ để đề cập vấn đề cao hơn là sự tàn ác, nhẫn tâm của con người với con người.
Khẳng định mình ở liên hoan phim quốc tế
Bên cạnh những bộ phim mang tính thị trường được PR bài bản thì một số ít phim Việt lại rẽ sang hướng đi mang nặng tính nghệ thuật và bất ngờ giảnh nhiều giải lớn nhỏ tại các liên hoan phim (LHP) quốc tế. Dĩ nhiên, một khi các nhà làm phim độc lập đề cao tính nghệ thuật thì đồng nghĩa với việc sẽ khó mà có thể tiếp cận được số đông đại chúng vì bộ phim không thể “chen chân” vào rạp. Đập cánh giữa không trung(đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp), Những đứa con của làng (đạo diễn Đức Việt), Nước 2030 (đạo diễn Nghiêm Minh), Căn phòng của mẹ (đạo diễn Síu Phạm)... là những bộ phim được đề cử tranh giải tại các LHP lớn như LHP Venice, LHP Ba lục địa tại Pháp, LHP Quốc tế Ấn Độ, LHP tài liệu Đông Nam Á Chopshots … nhưng khán giả nước nhà lại ít khi nghe đến.
Rào cản giữa các nhà làm phim độc lập và khán giả vẫn sẽ là vấn đề dài hạn nhưng ít nhiều thì trong năm 2014, rào cản đó cũng phần nào được xóa bỏ. Việc dễ thấy nhất là trong những ngày LHP quốc tế Hà Nội diễn ra, khán giả trẻ tự mình xếp hàng đến rạp hoặc đồng ý chen chúc ngồi hàng ghế phụ để có cơ hội xem các bộ phim trong liên hoan, đặc biệt là phim Việt Nam. Trong vô vàn những sự lựa chọn từ dòng phim thương mại giải trí đơn thuần, việc khán giả đến với phim nghệ thuật là một tín hiệu đáng vui mừng đối với các nhà làm phim độc lập ở Việt Nam dẫu vẫn biết rằng chặng đường đi của họ sẽ còn lắm gian nan.
Vẫn còn đó những câu chuyện buồn của loạt phim Việt “cúng cụ” hay khán giả phải xem những bộ phim chọc cười nhảm nhí nhưng không thể phủ nhận 2014 là một năm chuyển mình đầy tích cực của điện ảnh trong nước. Hi vọng, các nhà làm phim, nhà phát hành và khán giả có thể đến với nhau gần hơn nữa để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh thực sự "giàu có" về mọi phương diện.