Treo đầu dê bán... thịt chó
1. Ngay sau Cặp đôi hoàn hảo, Phạm Văn Mách lại được hâm nóng khi được mời vào bộ phim hài tết Hello cô ba của ông bầu Phước Sang. Ngay từ khi phim mới bấm máy cho đến lúc ra lò, cái tên Phạm Văn Mách đã được sử dụng như một "mồi câu" thu hút sự chú ý của khán giả. Hình ảnh chàng nông dân... sáu múi ở trần vạm vỡ cùng với chiếc khăn rằn xuất hiện "rào rào" trên các trang báo mạng khiến người xem nghĩ rằng sự nghiệp của Mách bước sang một trang mới. Và từ đây, thay vì gọi ca lực sỹ, người ta phải gọi anh là ca lực sỹ diễn viên Phạm Văn Mách.
Có thể nói Phước Sang đã rất nhanh nhạy khi đưa cái tên đang có độ "hot" ngang ngửa các hot boy trong thị trường tại thời điểm này vào bộ phim Tết của mình. Không nghi ngờ gì nữa, cái tên Phạm Văn Mách chính là con át chủ bài kéo khán giả đến rạp bên cạnh danh hài Hoài Linh. Bởi dù Mách đóng hay hay dở đều sẽ trở thành tâm điểm của mọi cuộc bàn luận của báo chí và dư luận, mà quan trọng hơn là khán giả đã chịu bỏ tiền đến rạp. Thế nhưng, những người trông đợi anh đã thất vọng khi Phạm Văn Mách không tham dự buổi họp báo ra mắt phim Hello cô ba vào chiều 17/1. Có người trách móc rằng, Mách ham xuất hiện trong các sự kiện âm nhạc, thời trang hơn là quan tâm đến bộ phim đầu tay của mình. Còn nhớ, cách đây chưa đầy 2 tháng, trong khi đáng lẽ Mách phải ở phòng tập để tập luyện cho giải Vô địch Thể hình thế giới thì anh lại thường xuyên "sánh đôi" cùng các "chân dài" hết sự kiện này đến sự kiện khác. Tuy nhiên, khi xem xong phim thì khán giả mới hiểu việc anh không xuất hiện trong buổi ra mắt cũng là điều dễ hiểu. Bởi không giống như sự xuất hiện rầm rộ trên các trang báo, trong phim anh chỉ xuất hiện đúng một phân cảnh với thời lượng chưa tới 5 giây. Vai diễn của anh không có thân phận, tính cách, thế nhưng, trong các bài báo anh được giới thiệu khá trân trọng: “Phạm Văn Mách sẽ hóa thân thành chàng nông dân nổi tiếng chăm chỉ, hiền lành và luôn bênh vực người khó khăn, rất được bà con, chòm xóm kính nể".
Thoạt nghe qua cứ tưởng như là chàng Robin Hood dũng mãnh hoặc ít ra cũng là Mèo đi hia nghĩa hiệp lấy của người giàu chia cho người nghèo, nào ngờ chỉ là một vai quần chúng. Chưa hết, Phạm Văn Mách còn bày tỏ trước đó: “Tôi thấy rất hào hứng với công việc này. Hy vọng khán giả sẽ ủng hộ tôi ở lĩnh vực mới”, còn ê kip và diễn viên trong phim thì cho biết, dù lần đầu đóng phim nhưng Mách vào vai rất ngọt. Nhưng hỡi ôi, vai của Mách cũng chỉ là một vai quần chúng với một câu thoại duy nhất chưa tới... 10 từ.
Thật ra, lần đầu đóng phim, Phạm Văn Mách đang là một cái tên "hot" nên việc nhà làm phim mượn hình ảnh anh để PR cho bộ phim là có thể thông cảm và vai diễn của anh cũng không có gì đáng nói. Thế nhưng, một khi PR quá lố lên như vậy thì chuyện Mách bị "soi" và gây thất vọng cho người xem là điều dễ hiểu. Qua đây lại nghĩ đến việc Phạm Văn Mách ra thế giới mà xuất hiện cả chục phút trên sàn đấu để... chứng minh với thế giới hình thể của mình đẹp nhất thì giờ lại chỉ "loáng thoáng" trên màn ảnh trong một bộ phim Việt với lượng thời gian chỉ đủ để nói "Hello" rồi... mất tiêu. 2. Vũ điệu đường cong được PR rầm rộ từ khi còn đang quay là bộ phim múa bụng đầu tiên của Việt Nam. Với hình ảnh trùm giang hồ Phượng Đê lột xác bất ngờ qua những vũ điệu múa bụng gợi cảm đã gây tò mò cho không ít người xem. Liên tiếp những bộ ảnh, clip Phượng Đê múa bụng khoe đường cong ngập tràn trên báo mạng như minh chứng cho bộ phim múa bụng hàng đầu.
Thế nhưng, khi xem phim mới thấy những vũ điệu múa bụng chỉ xuất hiện có hai phân cảnh trong phim. Thậm chí, nếu bỏ những cảnh múa bụng đi thì cũng không ảnh hưởng đến nội dung tư tưởng của bộ phim.
Ở phim này, khán giả không hề chê Kim Phượng diễn dở nhưng giá mà trước đó các nhà làm phim đừng PR quá lố về khả năng múa bụng của cô thì có lẽ tình cảm khán giả dành cho cô sẽ trọn vẹn hơn. Diễn viên Kim Phượng từng chia sẻ: “Đầu tiên kịch bản của tôi có tên là Phim mì ăn liền và tôi luôn đấu tranh để giữ cái tên phim này nhưng các đối tác nhất định đổi tên thành Vũ điệu đường cong. Không giữ được tên phim cũ là điều mà tôi tiếc nhất”. Việc đổi tên thành Vũ điệu đường cong nằm trong chiến lược quảng cáo của nhà làm phim nhằm khai thác triệt để hình ảnh lạ mắt, hấp dẫn của "đường cong" Phượng Đê? Đồng ý, nhà làm phim nắm "sinh mạng" của rất nhiều người trong tay nên việc họ tìm cách này, cách nọ để PR nhằm gây chú ý là điều tất nhiên. Tuy nhiên, họ cần cân nhắc một mức độ PR có chừng mực vừa phải để tránh tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” gây chưng hửng cho người xem. Riêng về phía diễn viên, cũng phải có bản lĩnh để đấu tranh giữ lấy hình ảnh của mình. Bởi nếu khán giả đã thất vọng với bộ phim mà diễn viên là một nhân tố gây nên sự thất vọng đó thì khả năng diễn viên được chấp nhận và yêu quý là rất ít. Lợi hay hại? Nhưng đó chỉ là thông tin từ phía Kim Phượng. Trong trường hợp của Phạm Văn Mách và Kim Phượng thì thực hư ra sao, ai mới là chủ nhân của những chiêu PR này còn là một ẩn số. Diễn viên lợi dụng nhà làm phim để đánh bóng tên tuổi hay nhà làm phim lợi dụng diễn viên để câu khách, chỉ có người trong cuộc mới biết. Còn chuyện diễn viên tự mình PR lố về bản thân và vai diễn không phải là hiếm trong "hội chợ phù hoa" showbiz.
Còn nhớ, trước đây không lâu, hai người đẹp Lý Nhã Kỳ và Vũ Thu Phương cũng gây phản cảm cho người xem khi liên tiếp đưa ra những chiến lược PR rầm rộ cho vai diễn của mình trong bộ phim quốc tế “Shanghai” đình đám. Nhưng buồn cười thay, trái với những hình ảnh và thông tin tràn ngập của họ xuất hiện trên báo chí để nói về vai diễn quốc tế của mình, thực tế vai diễn của hai cô nàng chỉ xuất hiện chưa tới... 2 giây. Sẽ không có gì đáng nói khi hai người đẹp "lẳng lặng" đi đóng phim như một cuộc dạo chơi nước ngoài. Nhưng đằng này, bằng khả năng “chém gió”, các cô kéo báo chí, khán giả cả nước chú ý vào hư danh của mình. Những người quan tâm đều bị một phen chưng hửng khiến các người đẹp lại "phải" xuất hiện trước báo chí để trần tình, trấn an dư luận. Vải thưa không che được mắt thánh, chỉ sau vài ngày đầu ra rạp với sức hút khủng khiếp, Shanghai thất bại thảm hại như một quả bóng xì hơi. Chỉ trừ một số khán giả đầu đến rạp trong những ngày đầu tiên, còn lại không ai bị đánh lừa bởi một bộ phim có chất lượng bình thường. Nếu bộ phim hay thì chiêu PR của các nhà làm phim và diễn viên được "lượng thứ" phần nào, nhưng nếu đó là một bộ phim không ra gì thì "tội" của họ là rất lớn. Nói thẳng ra, việc quảng cáo quá sai sự thật chính là lừa bịp, xúc phạm khán giả và những người tung chiêu đã tự giết mình bởi một khi khán giả đã mất niềm tin thì khó lòng mà lấy lại được.