PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Phú Thăng: Người đàn ông "ác" nhất màn ảnh Việt

Thứ hai, 03/06/2013 16:16

Trên sân khấu cũng như ở trên phim truyền hình, Phú Thăng được xem là một trong những nghệ sỹ thành công ở những vai phản diện, những nhân vật hai mặt.

Phú Thăng sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha là nhà viết kịch nổi tiếng một thời - Đoàn Phú Tứ, lại là cậu ấm trong gia đình có 5 anh em. Nhưng dường như cuộc đời nghệ thuật lẫn đường tình duyên của Phú Thăng không mấy suôn sẻ. Anh kết hôn ở tuổi 37 khi đã "ngán" cuộc sống của "ông hoàng độc thân". Nhưng đối với người đàn ông này, mọi “giá trị thặng dư” của cuộc sống và tình yêu luôn ở phía trước.

Nghệ sĩ Phú Thăng thành công bằng nhiều vai diễn phản diện.

Số tôi, đường tình lẫn sự nghiệp đều kém may mắn

Ít ai biết được anh là con trai út của nhà thơ, dịch giả, nhà viết kịch nổi tiếng, thành viên nhóm Xuân Thu Nhã Tập và cũng là chủ nhiệm tờ báo Tinh Hoa thời kì tiền chiến - Đoàn Phú Tứ. Phú Thăng là người con duy nhất trong gia đình 5 anh chị em theo nghệ thuật. Vì là con út, sự cách biệt tuổi tác của anh với người cha nổi tiếng tài hoa của mình khá nhiều nên ảnh hưởng của cha tới con đường nghệ thuật của anh không nhiều. Trong tâm tưởng của nghệ sĩ Phú Thăng thì người cha nổi tiếng của mình khá kiệm lời, chỉ khi có bạn bè văn chương hay bậc tri kỷ tới chơi, nhà thơ mới trở nên sôi nổi, nhiệt tâm.

Năm 1951, sau sự kiện Đại biểu Quốc hội Đoàn Phú Tứ làm đơn tố cáo ông Trần Dụ Châu, một đại tá quân đội phụ trách quân nhu tham nhũng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, và Trần Dụ Châu bị tử hình thì Đoàn Phú Tứ đào nhiệm và về sống cuộc sống khá ẩn dật. Kể từ thời điểm này, nhà thơ Đoàn Phú Tứ sống cuộc sống vất vả, cùng vợ nuôi 5 đứa con. Ông không công tác chính thức tại một cơ quan nào, mà đi giảng dạy tại một số trường đại học và tiếp tục nghiên cứu, làm dịch thuật và viết kịch.

Nghệ sĩ Phú Thăng cho biết: "Làm con của người nghệ sĩ nổi tiếng, nếu không theo nghề thì thôi nhưng đã theo thì rất vất vả vì áp lực từ "cái bóng" của cha quá lớn. Tôi lại khá thiệt thòi khi mới manh nha vào nghề cha tôi mất, khi đó tôi mới vào làm ở nhà hát kịch Hà Nội được 1, 2 năm, mới là anh diễn viên "quèn". Tuy không được ảnh hưởng nhiều từ việc truyền thụ kinh nghiệm nghệ thuật cho con, đặc biệt ở lĩnh vực sân khấu kịch, nhưng năng khiếu nghệ thuật và sự tự trọng một người con của nhà thơ Đoàn Phú Tứ luôn nhắc nhở tôi phải cố gắng, không để mình lười nhác mà thua kém bạn bè". Tuy nhiên, cũng theo Phú Thăng thì nghề diễn dù có tài năng thế nào thì cũng phải trải qua giai đoạn thử thách và trau dồi kinh nghiệm. Sau 5 - 6 năm làm diễn viên phụ, vai diễn quần chúng rồi tới những vai thứ, Phú Thăng dần khẳng định được tài năng và kinh nghiệm trên sân khấu.

Trên sân khấu cũng như ở trên phim truyền hình, Phú Thăng được xem là một trong những nghệ sỹ thành công ở những vai phản diện, những nhân vật hai mặt, cái xấu xa được thể hiện một cách từ từ, gián tiếp. "Có người vào nhân vật nào, chỉ nhìn cái là biết loại nhân vật phản diện hay chính diện; nhưng cũng có những nghệ sĩ lại vào theo kiểu gián tiếp. Ví như một nhân vật bề ngoài tốt nhưng khi lâm vào tình thế nào đó thì bộ mặt thật, hoặc con người thứ hai mới trỗi dậy, đó cũng là một nhân vật phản diện”. Tuy nhiên Phú Thăng cho hay, cách diễn này đòi hỏi vốn văn hóa, sự biểu lộ của cơ mặt và kinh nghiệm người diễn viên trong nhiều năm.

Hơn 30 năm làm nghề, đã cống hiến nhiều vai diễn ấn tượng cho khán giả qua nhiều phim truyền hình nhưng dường như số anh khá lận đận. Anh thừa nhận: "Đúng là số tôi không may mắn cả đường tình lẫn đường sự nghiệp nhưng làm nghề phải chấp nhận. Tôi không nghĩ nhiều về những chuyện đó bởi niềm vui với một nghệ sĩ như tôi vẫn là được làm nghề, sống bằng nghề và hơn hết là khán giả vẫn nhận ra Phú Thăng ở ngoài đường".

Nổi tiếng ở vai trò diễn viên nhưng có lẽ cũng ít người biết được rằng, nghệ sĩ Phú Thăng còn là một trong số ít các nghệ sĩ có nhiều khả năng khác như: Lồng tiếng, đọc kịch bản phim, phóng sự, kí sự... Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, anh đã tham gia lồng tiếng nhiều bộ phim truyện nhựa và phim truyền hình nổi tiếng của nước ngoài trong đó có bộ phim nổi tiếng Nhật Bản: Osin. Gần đây nhất anh tham gia đọc lời bình của chương trình "Thăng Long kí sự", "Khám phá Việt Nam". Phú Thăng cho rằng, nếu chỉ sống dựa vào đồng lương ba cọc ba đồng của nhà hát kịch thì có lẽ các diễn viên kịch phải bỏ nghề nhưng với từng ấy nghề kia cũng giúp anh tạm ổn để chăm lo cho gia đình.

Nghệ sĩ Phú Thăng với bạn diễn.

Hạnh phúc dù nên duyên muộn

Có lẽ trong số những nghệ sĩ lập gia đình muộn như Trung Anh, Phú Đôn... thì Phú Thăng là người cập bến hôn nhân muộn hơn cả. 37 tuổi anh mới chính thức giã từ cuộc sống độc thân. Trên thực tế Phú Thăng đã từng không muốn lập gia đình và ngại việc lập gia đình vì "sống một mình như thế thành quen nên về sau tôi định tiếp tục”. Nhưng có một hôm đi uống rượu về, nằm nghĩ và bắt đầu sợ cuộc sống "một mình" nên tặc lưỡi và lấy vợ...". Thế nhưng ngoài cái sự ngại lấy vợ ấy còn có một lý do là vì anh khá lận đận mỗi khi định tán tỉnh. Tán "cô nào" được một thời gian là người ấy lại đi lấy chồng. Còn các cô gái thì đưa ra lý do: "Lúc cần thì chẳng thấy đâu lúc người ta sắp cưới thì mới đến". Tới khi sắp U40 rồi, bắt đầu thấy sợ cái cảnh cô độc, chẳng ràng buộc, chẳng lo nghĩ gì thì "tôi gặp bà xã tôi bây giờ và tôi kết thúc đời độc thân của mình”, Phú Thăng cười dí dỏm.

Mặc dù một tay gánh vác kinh tế, cho gia đình nhưng nghệ sĩ Phú Thăng cho rằng đó cũng là nguyên nhân khiến gia đình anh có thể giữ được hạnh phúc cho tới nay bởi vì bà xã chấp nhận ở nhà chăm lo cho gia đình. Chị luôn chăm chút, yêu thương gia đình hết mực. Bà xã của anh không phải là người phụ nữ đặc biệt, chị không quá xinh đẹp, tài giỏi thế nhưng chị lại rất yêu chồng. Phú Thăng cho hay khi lấy vợ, anh không nghĩ nhiều tới các tiêu chuẩn. "Một người phụ nữ muốn đảm đang, tháo vát thì có thể giúp họ chỉnh sửa nhưng việc yêu và chiều chồng thì khó lắm. Vì tình yêu với chồng cô ấy có thể trở thành người chu đáo, có những cái cô ấy không thích nhưng mình thích thì cô ấy cố gắng thích nghi và làm cho chồng con. Nhưng ngược lại bản thân người chồng cũng phải biết nhường nhịn và thích cái vợ mình thích, mình không thể chỉ biết đòi hỏi đối phương phải làm này làm nọ còn mình thì cứ giữ nguyên tính cách ấy được. Như vậy gia đình khó lòng mà thuận hòa được" - nghệ sĩ Phú Thăng chia sẻ bí quyết giữ lửa hôn nhân.

Nghệ sĩ Phú Thăng hoài tưởng về người cha quá cố của mình: "Cha tôi mất trong cảnh nghèo túng nhưng dù cuộc sống có vất vả, thậm chí đôi lúc ông có phần bất mãn với thời cuộc nhưng cha tôi rất chiều các con, ông chưa bao giờ cầm roi hay tát con cái lấy một cái kể cả khi bực tức nhất". Phú Thăng cũng chịu ảnh hưởng từ cha mẹ trong cách giáo dục con cái. Anh chú trọng tới việc dạy dỗ con bằng lời và rất ít khi cầm roi đánh các con vì theo anh, nếu sử dụng vũ lực với con là đang tỏ ra mình bất lực. Thay vì quát mắng, roi đòn với con anh sẽ nhẹ nhàng hướng dẫn, bảo ban để giúp con điều chỉnh và định hướng kịp thời cuộc sống tốt nhất cho con mình. Tới thời điểm hiện tại hai đứa con anh vẫn ngoan ngoãn và nghe lời cha mẹ. Nhìn lại một chặng đường dài đã đi, nghệ sĩ Phú Thăng cho biết: "Mặc dù từng không có ý định kết hôn nhưng may mắn rằng những gì quyết định và tới nay đều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc, và chưa bao giờ hối hận vì sự lựa chọn ấy".  

Theo Nguoiduatin.vn