Vương Mẫu Nương Nương - Vạn Phức Hương
Trong nguyên bản kịch thì Vương Mẫu nương nương phải gọi là Lão Đán. Với nhân vật này, đạo diễn Dương Khiết đã chọn diễn viên ca múa Vạn Phức Hương từ đoàn ca múa Không Chính. Về tuổi tác cũng như ngoại hình của bà đều rất phù hợp với yêu cầu, thân hình có hơi mập, khuôn mặt phúc hậu, điệu bộ và tư thái hết sức cao quý và khoan thai. Ngoài ra, trong vở ca kịch "Giang tỉ" thì bà cũng chính là nữ diễn viên chính thể hiện vai diễn chị Giang, một vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc đối với Dương Khiết cũng như tất cả những phần ca múa trong vở diễn đó đều khiến đạo diễn Dương si mê. Chọn Vạn Phức Hương cho vai diễn Vương Mẫu cũng còn có nguyên do từ tình cảm, thế nhưng việc đó không ảnh hưởng đến chất lượng của việc tuyển chọn diễn viên.
Khi biết Dương Khiết có ý mời Vạn Phức Hương vào vai Vương Mẫu, bà đã tỏ ra rất lấy làm vinh dự và nhận lời, bởi cũng từ lâu Vạn Phức Hương chưa có cơ hội đóng phim. Vào đúng hôm bà đến đoàn phim "Tây Du Ký" để chuẩn bị cho việc tập dượt, Dương Khiết đã yêu cầu Vạn Phức Hương hát lại cho nghe một ca khúc trong vở "Giang tỉ", giọng ca trong sáng vẫn như ngày nào của nữ diễn viên ca múa đã làm Dương Khiết hết sức mãn nguyện. Vai diễn Vương Mẫu nương nương trong phim tuy không nhiều đất diễn nhưng Vạn Phức Hương đã hoàn thành tròn vai của bà.
Về sau, tại buổi gặp gỡ tết năm 1987, bà lại hát ca khúc "Bài ca Vương Mẫu nương nương" của Hứa Kính Thanh viết lời tặng cho cả đoàn phim cùng thưởng thức. Đáng tiếc là vài năm sau thì bà đã tạ thế do bị ung thư, lúc phát hiện ra bệnh thì đã ở giai đoạn cuối. Khổ một nỗi là khi gặp cơn bạo bệnh cũng là lúc kinh tế gia đình bần cùng sa sút, bà được chồng chở đến viên trên chiếc xe đạp cà tàng, khi đó có muốn gọi xe taxi cũng không có tiền. Sau này khi hay sự việc trên, Dương Khiết mới hay cuộc đời éo le của một thần tượng của đời bà mới thật cảm thương làm sao.
Quan Thế Âm - Tả Đại Phân
Quan Âm, đấng cứu khổ cứu nạn, vị Bồ Tát mà cả triệu chúng sinh đều tôn kính và sùng bái. Một con người cao đẹp, cái đẹp không đến từ tuổi trẻ cũng không phải vẻ đẹp mê hoặc hay lộng lẫy, mà là vẻ đẹp của sự đức độ, khoan dung và độ lượng.
Diễn viên cho nhân vật này đã được đạo diễn Dương định sẵn từ những năm 1976, nữ diễn viên nổi tiếng Tả Đại Phân đến từ Viện Tương kịch của tỉnh Hồ Nam. Bà từng đóng trong vở "Bài ca Nguyên Đinh" mà nổi danh. Năm 1976, Dương Khiết đến Trường Sa ở Hồ Nam để ghi âm một vở kịch truyền thống ở đây, bà đã từng ghi âm giọng ca của Tả Đại Phân qua những vở như "Bách Hoa ký", "Bia sinh tử"... Ngoài ra, Tả Đại Phân cũng từng thể hiện vai Quan Âm trong vở "Đánh cá", một vở kịch ngắn nhưng cũng đủ để lại ấn tượng cho đạo diễn Dương về một diễn viên có tướng mạo cũng như thần thái khá phù hợp. Tả Đại Phân có mí mắt lồi, khóe miệng cong cong dường như lúc nào cũng mỉm cười, từ bi hòa nhã rất giống với tạo hình của những bức tượng Quan Âm trong các miếu đường.
Thời gian đó dường như đã có dự cảm, Dương Khiết đã buột miệng hỏi Tả Đại Phân: "Nếu về sau tôi có làm phim có nhân vật Quan Âm thì tôi nhất định sẽ mời chị tham gia cùng", và đúng là hữu duyên thiên lý, trong "Tây Du Ký" họ lại được hợp tác cùng nhau đúng như lời nói vui ngày nào.
Trong thời gian đi tìm bối cảnh ở Trường Sa, đoàn phim cũng đã gặp Tả Đại Phân, thế nhưng ông Lý Thành Nho lại cực lực phản đối ý kiến của Dương Khiết khi cho rằng, vị Quan Âm này tuổi cũng không còn trẻ, phải tìm một người trẻ hơn. Thế nhưng nữ đạo diễn quả quyết: "Quan Âm không phải là người đẹp, mà là một vị Bồ Tát, cần phải có sự phân bổ hài hòa chứ". Thế nhưng Thành Nho vẫn nhất nhất theo ý của ông và đôi co qua lại với Dương Khiết một thời gian, sau đó thì nữ đạo diễn nổi nóng nói: "Vậy người quyết định là anh hay tôi? Anh im đi đừng có nói gì nữa! Cứ thế mà làm", lúc đó Thành Nho mới chịu yên và Tả Đại Phân chính thức vào vai Quan Âm.
Thực ra có rất nhiều phân cảnh có sự xuất hiện của Quan Âm, thế nhưng đa phần là những cảnh ngắn vì vậy mỗi khi có cảnh quay, đoàn phim lại cho gấp rút Tả Đại Phân tới đóng, sau hai ngày hoàn thành lại rời đi. Đó cũng là lý do mà ngay từ lúc đầu, Tả Đại Phân chỉ cho rằng vai diễn của bà chỉ như màn thay áo và không coi trọng cho lắm. Thế nhưng càng về sau khi sức ảnh hưởng của phim "Tây Du Ký" đã trở nên sâu rộng và có sức lan tỏa trên khắp cả nước thì địa vị của vai Quan Âm cũng ngày một quan trọng thấy rõ. Tả Đại Phân cũng gần như trở thành một vị "Quan Âm sống" vậy. Bình thường cũng có rất nhiều người nhận ra bà ở ngoài đời.Thi thoảng bắt gặp ở một vùng nông thôn thường lấy hình ảnh của Tả Đại Phân khi khắc họa hình ảnh Quan Thế Âm.
Kim Trì trưởng lão - Trình Chi
Khi nói đến một nghệ sĩ gạo cội và lão làng thì phải nhắc đến một nhân vật quan trọng trong làng nghệ thuật đương đại Trung Quốc, đó chính là nghệ sĩ Trình Chi.
Ông chính là người nhập vai lão phương trượng trong viện Quan Âm, một vị hòa thượng tham lam đã hợp mưu với yêu quái gấu đen lấy cắp áo cà sa của Đường Tăng. Về diễn xuất của lão nghệ sĩ này thì không có gì để bàn, ông đã diễn quá tốt, thế nhưng có một kỷ niệm khiến đạo diễn Dương Khiết nhớ mãi, cũng là sự vất vả của nghệ sĩ Trình Chi, đó là quá trình hóa trang.
Kim Trì trưởng lão là một hòa thượng già có đến trên trăm tuổi, mặc dù trên mặt nghệ sĩ Trình Chi cũng đã xuất hiện nếp nhăn nhưng không nhiều cho lắm. Vì vậy, các nhân viên hóa trang đã phải phủ lớp cao su lên mặt và dùng máy sấy để tạo nếp nhăn, để có kết quả như mong muốn, quá trình hóa trang phải mất tới 4 giờ đồng hồ.Báo hại cả đoàn phải ngồi chờ, trong lòng của nghệ sĩ Trình Chi cũng bồn chồn không kém.Đến tối sau khi đóng máy sau một ngày quay, ông còn không dám tẩy trang.Sang ngày thứ hai, cả đoàn đều hết sức ngạc nhiên khi lớp hóa trang trên mặt của Trình Chi hết sức thật và tự nhiên, sau đó ông mới cho mọi người biết là khi đi ngủ đã bê nguyên bộ mặt vẫn còn đồ hóa trang để đi ngủ, khó chịu gần chết.
Cũng phải nói thêm là lớp dán cũng tương đối có hại cho da mặt. Thế nhưng nghệ sĩ lão thành vẫn quả quyết: "Tốt hơn nhiều rồi, đỡ được thời gian hóa trang, mọi người cũng khỏi phải nhọc công chờ đợi tôi làm gì". Tinh thần làm việc hăng say và vì mọi người của nghệ sĩ Trình Chi khiến Dương Khiết cảm động khôn xiết. Ngoài đời, tính cách của Trình Chi cực kỳ hài hước và vui nhộn, ai cũng thích được trò chuyện với ông, hễ đi đến đâu là thấy tiếng cười của mọi người bởi tài pha trò của nghệ sĩ họ Trình.
Đáng tiếc là nghệ sĩ Trình Chi cũng đã qua đời (14/2/1995), nghe nói, ngày ông đi cũng vô cùng đột ngột.Ông vốn là một người nhanh nhảu, vì vậy mà ông ra đi cũng vội vàng.