PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Rõ ràng là Bát Giới háo sắc nhưng tại sao các nữ yêu quái lại đều muốn gả cho Đường Tăng?

Chủ nhật, 26/02/2023 11:20

Trong “Tây du ký” có một hiện tượng rất kỳ lạ, tất cả mọi yêu quái nam đều muốn ăn thịt Đường Tăng, còn tất cả những yêu quái nữ, trừ Bạch Cốt Tinh đều muốn gả cho Đường Tăng. Đây thật ra là một dụng ý rất sâu xa của tác giả.

Trong “Tây du ký” có một hiện tượng rất kỳ lạ, trên đường đi lấy kinh, tất cả mọi yêu quái nam đều muốn ăn thịt Đường Tăng, còn tất cả những yêu quái nữ, trừ Bạch Cốt Tinh, hầu như đều muốn gả cho Đường Tăng. Vậy rốt cuộc tác giả có dụng ý gì khi sắp xếp tình tiết như vậy? Chúng ta hãy xem một vài ví dụ bên dưới, chỉ cần nhìn kết quả là có thể hiểu ngay dụng ý của tác giả.

Hồi thứ 23, Thái Sơn Lão Mẫu và một vài Bồ Tát khác hóa thành mỹ nữ, vốn muốn tuyển Đường Tăng làm con rể, nhưng Đường Tăng lại không chịu, chỉ có Bát Giới là không chịu đựng được, hắn cứ kêu muốn vào ở rể. Đối với lời từ chối của Đường Tăng, hắn còn nói như thế này: “Người ta thường nói: Hòa thượng là con quỷ đói háo sắc, chẳng phải là như vậy sao? Sao cứ phải giả vờ giả vịt như thế làm gì, làm hỏng hết cả chuyện tốt”.

Đối mặt với mỹ nữ, Bát Giới không hề từ chối, nào là gọi mẹ vợ, nào là chọn ngày lành thành hôn, lúc thì muốn lấy cả ba cô con gái, lúc thì lại nói đến mẹ vợ lấy luôn cũng được. Có thể nói, để có được mỹ nữ, Bát Giới bận rộn tất bật đủ thứ. Nhưng kết quả ra sao? Hắn không những không có được mỹ nữ, hơn nữa còn bị trói lên cây, cuối cùng bị Ngộ Không cười khinh bỉ.

Trong hồi này, Bồ Tát vốn dĩ muốn thử lòng Đường Tăng, nhưng nào ngờ lại bị Bát Giới giành trước, vậy không lẽ Đường Tăng may mắn thoát được một kiếp hay là đã đoạn tuyệt hồng trần rồi? Có thể xem tiếp tới Hồi thứ 54, 55 cũng lại có một lần thử lòng nữa.

Trong hồi thứ 54, Đường Tăng tới Nữ Nhi Quốc, gặp được mỹ nữ trần gian, hơn nữa địa vị thân phận lại không bình thường, lần này ông đã biểu hiện như thế nào? Trong hồi thứ 23, ông từng nhắc Bát Giới rằng: “Chúng ta là người xuất gia, sao có thể động lòng vì vinh hoa phú quý, mỹ nhân được?". Nhưng sau khi gặp Quốc vương của Nữ Nhi Quốc, ông lại không bình tĩnh được, trong tiểu thuyết có viết: “Đại Đường Ngự Đệ sao còn chưa tới chiếm phượng thừa loan?”. Tam Tạng nghe vậy mặt đỏ tía tai, ngượng ngùng không dám ngẩng đầu.

"Ngự đệ ca ca, mời lên xe rồng, cùng ta lên Kim Loan Bảo Điện, kết thành phu phụ”. Vị trưởng lão này run rẩy đứng không vững, tựa như say, như mê muội. Hành Giả đứng bên cạnh nói: “Sư phụ không cần phải quá khiêm tốn, mời cùng sư nương lên xe, mau mau đổi lấy quan văn, đợi chúng con đi thỉnh kinh là được rồi”. Trưởng lão không dám trả lời, gạt tay Hành Giả, không kìm được mà rơi lệ, Hành Giả nói: “Sư phụ đừng quá phiền não, vinh hoa phú quý như vậy, không nhận thì là sao mà được?”. Tam Tạng bất lực, đành làm theo, gạt nước mắt, gượng cười, bước từng bước tới gần, tay trong tay cùng Quốc vương ngồi lên xe rồng.

Trong đoạn miêu tả bên trên có thể nhận thấy, cho dù mục đích mà Đường Tăng làm như vậy chỉ là để đổi lấy dấu ấn trên văn điệp thông quan, nhưng Đường Tăng khi đứng trước mặt Quốc vương lại hoàn toàn là dáng vẻ đã động lòng phàm. Tác giả dùng từ “bất lực đành làm theo” với ý nghĩa vô cùng mơ hồ, không thể hiện được thái độ kiên quyết từ chối mỹ sắc. Điều này chứng tỏ ít nhiều gì lòng ham mê mỹ sắc vẫn còn tồn đọng trong Đường Tăng. Vì thế, trong hồi thứ 55, tác giả tiếp tục đưa ra bài kiểm tra với Đường Tăng.

Hồi thứ 55, Đường Tăng gặp phải Yết Tử Tinh, nữ yêu quái này đã dọn dẹp phòng ngủ của mình vô cùng gọn gàng, thắp nến, đốt trầm hương, muốn giao hoan với Đường Tăng. Nhưng biểu hiện lúc này của Đường Tăng lại vô cùng kiên quyết, “cắn chặt răng, không nói một lời”, cũng chẳng thèm nghe những lời trăng hoa tuyết nguyệt của Yết Tử Tinh. Lúc này, cuối cùng Đường Tăng đã thể hiện ra thái độ kiên quyết từ chối mỹ sắc.

Tới hồi thứ 83, Đường Tăng gặp phải Lão Thử Tinh Kim Tỳ Bạch Mao cũng ép buộc ông phải thành thân, nhưng ông đã hoàn toàn có thể ung dung đối phó, đồng thời còn có thể phối hợp ăn ý với Ngộ Không để thu phục yêu quái trong thời khắc cấp bách.

Trong tiểu thuyết, Ngộ Không liên tục mỉa mai tính háo sắc của Bát Giới, có lúc cũng trêu đùa Đường Tăng. Ví dụ như trong hồi thứ 37, dọn dẹp giường đệm để sư phụ động phòng; hồi thứ 55 cũng hỏi Đường Tăng chuyện tốt buổi đêm thế nào; hồi thứ 82 nói sinh được một vài đứa con cũng là hậu thế của hòa thượng người. Nhưng tới khi gặp Ngọc Thố Tinh, hắn ngoài việc trêu chọc sư phục còn khen ngợi sư phụ từ đáy lòng.

Hồi thứ 94, Đường Tăng lại được Quốc vương của Thiên Trúc Quốc mời ở lại làm phò mã, lúc này Ngộ Không lại bắt đầu trêu chọc, nói với Đường Tăng rằng: "Nếu như công chúa là phụ nữ thật, người cứ làm phò mã, hưởng thụ vinh hoa phú quý đi". Đường Tăng nghe vậy liền nổi giận, mắng hắn: “Đã là lúc nào rồi mà ngươi còn trêu chọc ta hả? Mau ngậm miệng lại nếu không thì ta sẽ niệm chú cho ngươi chừa”.

Đối với sự trêu chọc của Ngộ Không, Đường Tăng đã nổi giận thật, dùng niệm chú để uy hiếp Ngộ Không. Một lần nữa thể hiện sự kiên định của mình. Trong hồi thứ 95, Ngọc Thố Tinh cũng thể hiện vô cùng quyến rũ, nhưng Đường Tăng hoàn toàn không động lòng. Ngộ Không thấy sư phụ kiên quyết như vậy cũng không kìm được mà khen thầm: “Hảo hòa thượng, hảo hòa thượng! Thân cư cẩm tú tâm vô ái, túc bộ quỳnh dao ý bất mê”.

Đối với Ngộ Không, Đường Tăng là một người trần mắt thịt có thể tu hành tới mức độ như vậy cũng khiến hắn bội phục. Từ những trích dẫn bên trên có thể thấy, trên đường đi lấy kinh, không chỉ có Bát Giới là có sự giằng co với mỹ sắc, tuy rằng lần nào hắn cũng là người đi đầu về việc háo sắc nhưng cuối cùng “ngư ông đắc lợi” lại là sư phụ. Vì thế, Đường Tăng cũng là người liên tục phải giằng co chống lại cám dỗ của mỹ sắc.

Ví dụ như Yết Tử Tinh là gái phong lưu, Hạnh Tiên Tinh là tài nữ bích ngọc, nữ quốc vương là dịu dàng thiện lương, Bạch Thử Tinh là thấu tình đạt lý. Đường Tăng thông qua việc phải “chiến đấu” với đủ các loại nữ yêu quái để rèn luyện bản thân, cuối cùng đạt được mục đích là rũ bỏ hồng trần, gạt bỏ tâm niệm về mỹ sắc.

Trong ấn tượng của mọi người, Bát Giới luôn muốn được giữ lại làm con rể, nhưng lại chẳng ai muốn giữ hắn, còn Đường Tăng thì ngược lại, luôn có người muốn ông làm phò mã, hơn nữa còn có thân phận địa vị cao quý, nhưng Đường Tăng lại nhất quyết không đồng ý. Cặp sư đồ này tạo nên hai mảng đối lập mãnh liệt trong tiểu thuyết, tác giả dùng tính háo sắc của Bát Giới để tôn lên phẩm hạnh thanh cao, trong sạch của Đường Tăng, tán dương tu vi cao thượng của cao tăng, đồng thời cũng thể hiện quan niệm sắc không trong Phật Giáo.

“Sắc” trong Phật Giáo không phải chỉ là nữ sắc, mà còn chỉ tất cả những cám dỗ của thế giới bên ngoài, cũng chính là dục vọng của con người. Chẳng qua đối với những người trần mắt thịt mà nói, trong quá trình chặt đứt mọi thất tình lục dục, người ta coi việc cai bỏ sắc là quan trọng nhất, giống như lời Bát Giới nói: “Hòa thượng là con quỷ đói háo sắc”. Đây là phát ngôn đậm chất nhân tính hóa, vì thế tác giả mới dùng Bát Giới làm kiểm tra trọng điểm cho Đường Tăng, đây cũng là nguyên nhân chính là ông có thể tu luyện thành Phật.

Nếu như nói, sự tồn tại của Bát Giới là để giúp Đường Tăng từ bỏ sắc, vậy thì sự tồn tại của Ngộ Không chính là để giám sát Đường Tăng. Tuy Đường Tăng đã có công lực tu luyện 10 kiếp, cũng khó tránh khỏi có lúc tâm trí bị dao động. Mỗi khi tâm niệm của Đường Tăng bị dao động, Ngộ Không sẽ xuất hiện bên cạnh ông, hơn nữa Ngộ Không vừa xuất hiện, Đường Tăng sẽ thấy an tâm. Vì thế, khi Đường Tăng đối mặt với nữ sắc, cách giải quyết hữu hiệu nhất chính là “Ngộ Không”, “Ngộ Không” trở thành hành vi lý trí để ông khắc chế tình cảm.

Vậy tại sao Ngộ Không lại không cần cai bỏ sắc? Đầu tiên, hắn sinh ra đã bất phàm, một đôi mắt sáng đủ để hắn nhìn thấu chân tướng thế gian. Thứ hai, trước khi Ngộ Không cùng Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, hắn đã trải qua cuộc kiểm tra kịch liệt nhất trong cuộc đời. Hắn từng không coi ai ra gì, một mình đại náo thiên cung, còn muốn tranh đoạt đế vị với Ngọc Hoàng Đại Đế, khiến hai giới Phật và Đạo phải chế tài nghiêm khắc với hắn, cuối cùng bị đè dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm.

Sở dĩ hắn lấy lại được tự do là vì có điều kiện, chính là bảo vệ Đường Tăng tới Tây Thiên thỉnh kinh. Cho dù hắn không muốn nhưng cũng không có cách nào, chỉ có thể chấp nhận. Vì thế, những bài kiểm tra đối với Ngộ Không không bao gồm cai bỏ sắc, mà là ham muốn quyền lực của hắn. Vậy thì phải áp chế ham muốn quyền lực của Ngộ Không như thế nào? Chính là thông qua việc tương tác với Đường Tăng.

Cho dù trong tiểu thuyết, Sa Tăng khá mờ nhạt, nhưng tác dụng điều hòa các mối quan hệ giữa thầy trò lại vô cùng to lớn. Một khi 3 người còn lại nảy sinh mâu thuẫn thì Sa Tăng sẽ xuất hiện nói lý lẽ. Vì thế, Sa Tăng đối với Đường Tăng mà nói chính là “máy hạ nhiệt”, khiến ông có thể cân bằng được tâm lý. Từ những điều bên trên có thể thấy, trên đường đi tới Tây Thiên thỉnh kinh cũng là quá trình Đường Tăng không ngừng tu luyện bản thân. 3 đồ đệ mà ông dạy dỗ, nhìn bề ngoài là để hàng yêu diệt quái, nhưng thực chất đều là đang giúp ông tu hành. Chỉ khi tu luyện tới một mức độ nhất định thì mới có thể lấy được chân kinh.

Vũ Phong (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới