PHIM NHẠC » Toàn cảnh

Sài Gòn Yo - Hoàng kim của phim âm nhạc

Thứ sáu, 22/04/2011 14:00

Bộ phim về đề tài Hiphop được mong đợi nhất của màn ảnh Việt đã ra mắt thành công nhưng vẫn không tránh khỏi nhiều "hạt sạn".

 
Vào năm 2006, phần một của bộ phim âm nhạc Step Up đã được ra mắt và gây ấn tượng mạnh với toàn thể khán giả trẻ trên toàn thế giới. Sự kết hợp giữa những giai điệu sôi động, thời thượng và các màn khoe vũ đạo đặc sắc đã trở thành một “thương hiệu” gắn liền với series phim nổi danh này. Kể từ đó, Step Up 2, Step Up 3D lần lượt được ra mắt, còn Step Up 4 thì đang trong quá trình thực hiện và sẵn sàng công chiếu vào năm 2012. Mặc dù chất lượng nội dung ít được ca tụng, nhưng những bộ phim âm nhạc này đã đem lại một hơi thở mới cho nền văn hoá đương đại.
 
 
Bắt kịp trào lưu thời thượng này, các nhà làm phim Việt Nam đã có những bộ phim nói về đề tài hip hop này như phim truyền hình Bước Nhảy Xì Tin, phim điện ảnh Vũ Điệu Đam Mê (đoạt 4 giải Cánh Diều Vàng 2011) và mới nhất là Sài Gòn Yo của đạo diễn Stephane Gauger. Trong khi 2 bộ phim kia nói về trào lưu hip hop ở miền Bắc, thì Sài Gòn Yo thì tập trung vào cuộc sống và niềm đam mê của các vũ công break-dance miền Nam, tạo ra một bức tranh khá hoàn chỉnh cho trào lưu hip-hop ở Việt Nam. Và từ đó, mỗi động tác của các điệu nhảy trong phim đều ẩn chứa đằng sau nó cả một câu chuyện dài cần khám phá.
 
 
Sài Gòn Yo nói về những khao khát vượt khó vươn lên của cao thủ hip-hop Do-Boy và Kim, những đứa trẻ lớn lên từ đường phố, và câu chuyện của Mai, một cô gái trẻ đam mê múa truyền thống, đã truyền cảm hứng cho Do-Boy và những em nhỏ mồ côi. Mai, cô gái 17 tuổi đến từ miền Tây, múa lụa rất giỏi nhưng thi trượt trường múa nên ở lại Sài Gòn làm nhân viên tiếp thị. Cô tình cờ gặp Kim, một cô gái xuất thân bụi đời hiện là thành viên nhóm nhảy hip-hop Saigon Fresh. Nhờ Kim, Mai dần quen với thế giới ngầm hip-hop và thân thiết với Do-Boy, trưởng nhóm. Trong khi đó, Kim rơi vào vòng tay của Hải, một chàng trai nhà giàu, vốn miệt mài theo đuổi cô bấy lâu.
 
 
Đúng lúc đó, một nhóm nhảy hip-hop từ Hà Nội xuất hiện ở Sài Gòn và đưa ra những lời thách thức với Saigon Fresh và cá nhân Do-Boy. Lúc này, ngoài việc đáp trả và thể hiện bản thân, Saigon Fresh còn phải đối mặt với nguy cơ không còn nơi tập luyện khi một dự án khách sạn sắp sửa được triển khai tại đây. Tình hình càng trở nên khó khăn khi thành viên chủ chốt là Kim vì bất đồng mà bỏ đi. Từ đó, Do-Boy và Mai phải tìm mọi cách để cứu được tổ ấm cho nhiều đứa trẻ mồ côi và thể hiện quyền năng của Hip-hop Sài Gòn tại cuộc thi chung kết.
 
 
Sài Gòn Yo có nhiều tuyến truyện nối song song, nhưng không được đẩy mạnh trọng tâm, khiến bộ phim trở nên dàn trải và thiếu chiều sâu. Trước đó, nhà sản xuất đã lên tiếng rằng: “Bộ phim không có tham vọng khái quát hay đưa ra những thông điệp quá lớn lao về những người trẻ ngày hôm nay, mà đơn giản như những lát cắt nhanh gọn từ những gì mà rất có thể chúng ta vẫn từng chứng kiến nhưng dễ bỏ qua.” Tuy vậy, những “lát cắt” này quá mỏng và thiếu sự liên kết thực sự với nhau, khiến bộ phim bị tản mát và không biết câu chuyện sẽ đi đâu về đâu. Ban đầu, bộ phim nhắm tới nhân vật Mai, với ước mơ thi vào trường múa của cô, nhưng đến giữa phim, câu chuyện bị đột ngột chuyển thành sự cố gắng vươn lên của nhóm nhảy Saigon Fresh, với xung đột của 2 nhóm nhảy đại diện cho Sài Gòn và Hà Nội, cũng như tình yêu của Kim và Hải, hoàn toàn vắng bóng hành trình phấn đấu của Mai. Bộ phim đã dễ dãi chia nhỏ nhiều câu chuyện giống như các phim đa tuyến của thập kỷ 70, nhưng không liên kết được với nhau do những diễn biến không có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau, chưa kể tới việc thay đổi cảm xúc đột ngột tới khó hiểu của nhiều nhân vật và sự vô lý trong nhiều tình huống.
 
 
Trong một bộ phim như Sài Gòn Yo thì phần âm nhạc và vũ đạo là tối cần thiết. Hip-hop Việt Nam, qua bộ phim này, đã trở thành gần gũi và hấp dẫn với những ca khúc rất Việt Nam được sáng tác riêng cho phim và do một dàn ca sĩ rap, hip-hop hàng đầu hiện nay biểu diễn. Tuy vậy, phần âm nhạc này chỉ có tác dụng trong một số đoạn, còn chủ yếu chỉ là thêm vào cho không khí đỡ trống trải, khiến Sài Gòn Yo như một tập hợp những video ca nhạc, bài nào cũng hay, bài nào cũng sôi động, nhưng lại thiếu mục đích sử dụng. Các màn vũ đạo trong phim sôi sục và tạo cảm giác hứng khởi nhất định, đặc biệt là tại màn nhảy cuối cùng vào đêm chung kết. Biên đạo múa Ricky Cole và Việt Max đã sáng tạo khi sử dụng nhiều động tác nhảy trên nước, nhảy trên nền trống cổ truyền… để hướng khán giả tới những nét độc đáo của hip-hop Việt. Việc sử dụng nhiều máy quay để quay các cảnh nhảy múa cũng đã có tác dụng tạo ra sự nhanh nhạy, mạnh bạo, sôi động của hip-hop. Thế nhưng, việc dựng song song các cú máy quay chậm (slow motion) dù đã nhấn nhá kỹ hơn đến động tác nhưng lại làm giảm sự mạnh mẽ, còn cú quay nhanh (fast motion) thì làm cảnh phim trở nên giả tạo, thiếu hồn.
 
 
Sài Gòn Yo tỏ ra khá liều lĩnh khi quyết định thực hiện một bộ phim với nhiều diễn viên trẻ như Vân Trang (vai Mai), Khương Ngọc (vai Hải), hay thậm chí là lần đầu diễn xuất như Quỳnh Hoa (vai Kim), Anh Hiền (Do Boy). Thế nhưng, hoá ra những diễn viên không chuyên này lại là một sự cứu vãn cho bộ phim. Trong khi Vân Trang, Khương Ngọc, Anh Hiền chỉ dừng ở mức hoàn thành vai diễn, thì Quỳnh Hoa đã chứng tỏ một tố chất diễn xuất tốt. Với niềm đam mê hip-hop và sự tập luyện chuyên nghiệp đã lâu, Quỳnh Hoa đã hoá thân xuất sắc vào vai Kim, như thể diễn lại chính cuộc sống của cô bằng một khuôn mặt góc cạnh, biểu cảm, khiến khán giả đồng cảm với những suy tư đậm tính thanh niên. Các vai diễn phụ không gây được nhiều ấn tượng vì họ đột ngột xuất hiện và biến mất, khiến khán giả không chạm được vào con người họ. Elly Nguyễn có một vai diễn khách mời nhẹ nhàng, nhưng cũng để lại ấn tượng dù cô xuất hiện rất ít với dáng vẻ sexy vốn có và gương mặt đáng ghét của “kẻ thứ 3”.
 
 
 

Khi xem xong Sài Gòn Yo, nhiều người cảm thấy bất ngờ với bộ phim này. Không phải do bộ phim quá hay, mà bởi vì nó quá khác so với suy diễn của mọi người khi xem xong đoạn trailer quảng cáo. Khán giả hy vọng vào một sự hợp tác giữa những điệu múa lụa truyền thống Việt và vũ đạo hip-hop nóng bỏng mang tính hiện đại, giống như điều mà Step Up (2006) đã khá thành công khi kết hợp nhạc giao hưởng và hip-hop. Trái lại, bộ phim như muốn nói 2 thể loại này không thể tìm tiếng nói chung, điệu múa lụa của Mai vẫn uyển chuyển, tha thướt trên sân khấu Nhạc Viện, còn hip-hop thì vẫn trú ngụ ở mảnh đất underground. Định kiến đó không có gì thay đổi trong Sài Gòn Yo, khiến nó trở thành một bộ phim nhạt nhòa giữa hàng sa số phim âm nhạc.

Nhưng sẽ thật vô lý nếu so đo Sài Gòn Yo với những bộ phim dạng này của Hollywood khi chúng ta còn cách quá xa với thế giới về cả trình độ làm phim cũng như kỹ thuật hip hop. Nếu bạn không phải là một khán giả khó tính, chỉ thích xem những bộ phim sâu sắc chỉn chu... thì Sài Gòn Yo không phải là một lựa chọn tồi cho cuối tuần này đâu.

Theo PLXH